Albert einstein (1879 – 1955 ), vĩ nhân thứ tám

Bình luận về bài viết này

Phạm Văn Tuấn

Albert einstein (1879 – 1955 ), vĩ nhân thứ tám

 

Thủ bút bằng tiếng Ðức của một bài báo đăng bằng tiếng Anh  về  E = mc² tựa đề:  “The Most Urgent Problem of Our Time”. Ðăng trong  tờ Science Illustrated, 1946.

Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, có một nhà đại bác học được toàn thế giới ca ngợi về một phương trình lừng danh nhất của Khoa Học, đó là phương trình cho biết năng lượng của vật chất: E=mc2. Trong hàng chục năm trời, E = mcvẫn chỉ là đề tài của các cuộc tranh luận về mặt lý thuyết, nhưng sự san bằng thành phố Hiroshima vào năm 1945 do quả bom nguyên tử đã chứng minh sự thật của phương trình đó.

Trước lời ca tụng, trước vinh quang rực rỡ, Albert Einstein, tác giả của phương trình lừng danh kể trên lại, giữ một bộ mặt thẹn thùng, xa lạ. Sự quảng cáo thanh danh đã quấy nhiễu ông suốt đời nhưng tất cả đều bị ông coi thường, lãnh đạm. Einstein chỉ khao khát độc nhất sự trầm lặng để có thể suy nghĩ và làm việc.

1- Thời niên thiếu.

Albert Einstein sinh ngày 14-3-1879 tại Ulm, miền Wurtemberg, nước Đức. Cái tỉnh nhỏ bé này không mang lại cho Albert một kỷ niệm nào cả vì năm sau, gia đình Einstein đã di chuyển tới Munich. Sống tại nơi đây được một năm, một người em gái của Einstein ra chào đời và từ đó không có thêm tiếng trẻ thơ nữa. Chủ gia đình, ông Hermann Einstein là người lạc quan, tính tình vui vẻ. Còn bà mẹ, bà Pauline Koch, đã tỏ ra có óc thẩm mỹ ngoài bản tính cần cù, tế nhị. Bà hay khôi hài và yêu thích âm nhạc.

Vốn dòng dõi Do Thái nhưng gia đình Einstein lại sinh sống như người Đức vì tổ tiên của họ đã sinh cơ lập nghiệp tại nước Đức lâu đời. Các phong tục Do Thái cũ đều còn lại rất ít, trong khi tôn giáo bao giờ cũng là thứ mà họ giữ gìn. Vào các ngày lễ riêng của đạo Do Thái, nhóm dân này thường cử hành các buổi lễ theo nghi thức cổ truyền. Ngoài ra, cứ vào ngày thứ năm, gia đình Einstein thường mời một sinh viên Do Thái nghèo túng đến dùng cơm rồi cùng nhau nhắc nhở lại các điều răn trong Thánh Kinh

 

 

 

 

 

 

Cha HermannMẹ Pauline

Cha Hermann Einstein                                           Mẹ Pauline Koch

Munich, thành phố mà Albert Einstein đã sống trong thời thơ ấu, là trung tâm chính trị và văn hóa của nước Đức tại miền nam. Ông Hermann đã mở tại thành phố này một cái xưởng nhỏ về điện cơ. Ông có một người em là kỹ sư điện nhiều kinh nghiệm, hai anh em cùng góp sức vào việc khai thác nguồn lợi: anh trông nom về mặt giao dịch buôn bán còn em cai quản phần kỹ thuật chuyên môn.

Từ ngày lọt lòng mẹ, cậu Albert chẳng có gì khác hơn những đứa trẻ thông thường. Cậu chậm biết nói đến nỗi lên 3 tuổi mà còn bập bẹ tiếng một khiến cho cha mẹ tưởng cậu bị câm. Hai ba năm sau, Albert vẫn còn là đứa trẻ ít nói, rút rát, thường lánh xa mọi đứa trẻ cùng phố. Cậu ít bạn và không ưa thích đồ chơi. Đoàn lính bằng chì của cha tặng cho cũng không làm cậu vui thích, điều này quả là khác thường bởi vì xứ sở này phải gọi là quê hương của những đoàn quân thiện chiến, của các tướng lãnh lừng danh như Bismarck, như Von Moltke. Cách giải trí mà cậu ưa thích là hát khe khẽ các bài thánh ca khi dạo mát một mình ngoài cánh đồng. Einstein đã sống trong tình thương của cha mẹ và bên cạnh người chú tài ba. Chính nhờ ông này mà Einstein có được các khái niệm đầu tiên về Toán Học.

Hình lớp học tại Munich năm 1889. Einstein đứng thứ hai, bên phải, hàng đầu. Câu chỉ giỏi toán và la tinh (Hình của Stadtarchiv, Ulm )
Thời bấy giờ tại nước Đức, các trường tiểu học không phải do chính phủ mở ra mà được các giáo hội phụ trách. Tuy theo đạo Do Thái nhưng ông Hermann lại cho con theo học một trường tiểu học Thiên Chúa giáo, có lẽ ông muốn con mình về sau này sinh sống như một đứa trẻ Đức. Einstein đã theo dần các lớp tiểu học mà không hề cảm thấy mình là một đứa trẻ khác đạo. Tại trường học, Albert Einstein không tỏ ra xuất sắc. Bản tính rút rát và ưa tư lự của cậu khiến cho các bạn thường chế riễu cậu là người mơ mộng.

Wilhelm II, hoàng đế Đức, vua Phổ,

Năm lên 10 tuổi, Albert Einstein rời trường tiểu học vào Gymnasium tức là trường trung học Đức. Việc học của các thiếu niên Đức từ 10 tới 18 tuổi đều do Gymnasium quyết định và cho phép lên Đại Học hay bước sang các ngành kỹ thuật. Tại bậc trung học, học sinh phải học rất nhiều về tiếng La-Tinh và Hy Lạp. Kỷ luật nhà trường rất nghiêm khắc, các giáo sư thường độc đoán và xa cách học sinh. Sống tại một nơi có nhiều điều bó buộc như vậy, Albert Einstein cảm thấy khó chịu. Có lần cậu nói: “Tại bậc tiểu học, các thầy giáo đối với tôi như các ông Thượng Sĩ, còn tại bậc trung học, giáo sư là các ông Thiếu Úy”. Sự so sánh này làm nhiều người liên tưởng tới đội quân của Vua Wilhelm II, với các ông Thượng Sĩ là những người thô tục và tàn bạo còn sĩ quan thường ưa thích uy quyền, lại tỏ ra bí mật và quan trọng.

Từ thuở nhỏ, Albert Einstein đã yêu thích học hỏi về Vật Lý. Cậu còn nhớ khi lên 5 tuổi, cha cậu cho cậu một chiếc địa bàn. Chiếc kim lúc nào cũng chỉ về một hướng làm cho cậu bé này thắc mắc, suy nghĩ. Lớn lên, Einstein ưa thích đọc các loại sách Khoa Học. Chàng sinh viên Do Thái tới ăn cơm vào ngày thứ năm đã khuyên Einstein đọc bộ sách “Khoa Học Phổ Thông” của Aaron Bernstein. Nhờ cuốn này mà Einstein hiểu biết thêm về Sinh Vật, Thực Vật, Vũ Trụ, Thời Tiết, Động Đất, Núi Lửa cùng nhiều hiện tượng thiên nhiên khác.

Về Toán Học, không phải nhà trường cho cậu các khái niệm đầu tiên mà là gia đình và ông chú ruột đã chỉ dạy cho cậu rõ ràng hơn các giáo sư tại Gymnasium. Nhà trường đã dùng phương pháp cổ điển, cứng rắn và khó hiểu bao nhiêu thì tại nhà, chú của cậu lại làm cho cách giải các bài toán trở nên vui thích, dễ dàng, nhờ cách dùng các thí dụ đơn giản và các ý tưởng mới lạ.

Năm 12 tuổi, Albert Einstein được tặng một cuốn sách về Hình Học. Cậu nghiền ngẫm cuốn sách đó và lấy làm thích thú về sự rõ ràng cùng các thí dụ cụ thể trong sách. Nhờ cuốn này, cậu học được cách lý luận phân minh và cách trình bày thứ tự của một bài tính. Do đó, cậu hơn hẳn các bạn về môn Toán. Vì được cha mẹ cho học đàn vĩ cầm từ khi lên 6 tuổi nên càng về sau, Einstein càng yêu thích âm nhạc và cảm thông được vẻ trong sáng và bay bướm trong các nhạc phẩm của Mozart. Năm 14 tuổi, Albert Einstein đã được dự vào các buổi trình diễn âm nhạc và nhờ vậy, cậu thấy mình còn kém về kỹ thuật vĩ cầm.

Đời sống tại nước Đức càng ngày càng khó khăn. Vào năm 1894, ông Hermann đành phải bán cửa hàng của mình rồi sang Milan, nước Ý, mở một cơ xưởng tương tự. Ông để con trai ở lại nước Đức theo nốt bậc trung học, vì chính nơi đây sẽ cho phép con ông bước lên bậc Đại Học. Vốn bản tính ưa thích Tự Do, Albert Einstein cảm thấy ngạt thở khi phải sống tại Gymnasium. Rồi quang cảnh ngoài đường phố nữa: vào mỗi buổi chiều, khi đoàn lính đi qua, tiếng trống quân hành đã kéo theo hàng trăm đứa trẻ. Các bà mẹ Đức thường bế con đứng xem đoàn thanh niên trong bộ quân phục diễn qua, và ước mơ của các thiếu nhi Đức là một ngày kia, chúng sẽ được đi đứng hiên ngang như các bậc đàn anh của chúng. Trái với sở thích chung kể trên, Albert Einstein lại rất ghét Quân Đội, rất ghét Chiến Tranh. Về sau này, có lần Einstein đã nói: “Tôi hết sức kinh rẻ kẻ nào có thể vui sướng mà đi theo nhịp quân hành, nếu họ có một khối óc thì quả là nhầm lẫn rồi, một cái tủy xương sống là đủ cho họ”.

Nền kỹ nghệ phát triển rất nhanh tại nước Đức đã khiến cho con người hầu như quên lãng thiên nhiên. Trái lại tại nước Ý, cảnh thiên nhiên rực rỡ và bầu trời trong sáng của miền Địa Trung Hải đã khiến cho Einstein tin tưởng đó là thiên đường nơi hạ giới. Vì sống trong cảnh cô đơn quá đau khổ nên nhiều lần Albert Einstein đã định bỏ trường học mà sang nước Ý sống với cha mẹ. Cuối cùng cậu tìm đến một y sĩ và xin giấy chứng nhận mình bị suy yếu thần kinh, cần phải tĩnh dưỡng tại nước Ý trong 6 tháng. Ông Hermann rất bực mình khi biết con bỏ dở việc học mà theo sang Milan. Albert lại cho cha biết ý định từ bỏ quốc tịch Đức bởi vì cậu đã chán ghét sự bó buộc của xứ sở đó. Nhưng cuộc sống tại Milan không phải dễ dàng. Ông Hermann cũng không quyết định cư ngụ tại nơi đây và việc xin cho Albert nhập quốc tịch Ý chưa chắc đã thành công trong một thời gian ngắn, như vậy Albert sẽ là một người không có tổ quốc. Ông Hermann khuyên con trai nên chờ đợi.

Thời gian sống tại nước Ý đối với Einstein thật là sung sướng. Cậu lang thang khắp các đường phố, đâu đâu cũng vang lên tiếng hát của người dân yêu thích âm nhạc. Cậu đi thăm rất nhiều viện bảo tàng, và các lâu đài tráng lệ với các tác phẩm nghệ thuật đã làm cho mọi người phải say sưa, lưu luyến. Phong cảnh của nước Ý thực là hữu tình nên đã khiến cho con người yêu mến thiên nhiên. Người dân tại nơi đây không làm việc như một cái máy, không sợ quyền hành, không bị ràng buộc vào các điều lệ nhân tạo gò bó mà trái lại, tất cả mọi người đều cởi mở, vui vẻ và hồn nhiên.

Tại Milan, nghề điện đã không giúp được cho gia đình Einstein sung túc. Ông Hermann phải bảo con trai đi kiếm một việc làm nuôi thân. Albert tính rằng để có thể tiếp tục sự học, điều hay nhất là cậu xin vào một trường nào cấp học bổng. Vì không tốt nghiệp từ Gymnasium, Albert không thể nào xin lên đại học được, vả lại cậu khá về toán học nên một trường kỹ thuật sẽ hợp với cậu hơn.

2- Lúc trưởng thành.

Tại châu Âu vào thời kỳ đó, ngoài các trường kỹ thuật của nước Đức ra, trường Bách Khoa tại Zurich là nơi danh tiếng. Trường này thuộc Liên Bang Thụy Sĩ là một nước có nền chính trị trung lập ở châu Âu. Các sinh viên ngoại quốc nào không thể theo đuổi sự học tại nước mình vì lý do chính trị, có thể tiếp tục sự học tại nơi đây. Vì vậy trong trường Bách Khoa, số sinh viên nước ngoài cũng khá đông. Muốn vào trường, sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển. Einstein cũng nộp đơn dự thi nhưng chàng bị rớt: chàng thiếu điểm về môn sinh ngữ và vạn vật, tuy rằng bài toán của chàng thừa điểm. Thực vậy, sự hiểu biết của Einstein về Toán đã vượt hơn các bạn.

Sau khi thi rớt, Einstein bắt đầu lo ngại. Cái viễn ảnh đen tối hiện lên trong trí óc chàng. Cuộc mưu sinh của cha chàng tại nước Ý cũng gặp nhiều trắc trở. Einstein tự trách đã nông nổi bỏ sang nước Ý và hối tiếc sự học tại Gymnasium khi trước, tuy bó buộc thực nhưng đủ bảo đảm cho tương lai. Nhưng may mắn cho Albert, bài làm xuất sắc về Toán của chàng đã khiến cho viên giám đốc trường Bách Khoa chú ý. Ông ta khuyên chàng nên theo học tại một trường khá nổi danh thuộc tỉnh Aarau. Einstein tự hỏi liệu nơi mình sẽ tới học có giống như các trường tại nước Đức không? Cái hình ảnh cũ của ký túc xá hồi còn nhỏ khiến cho chàng sợ hãi lối sống cũ và phân vân trước khi bước vào một nơi học mới. Bất đắc dĩ, Einstein đành phải nhận lời.

Khi tới Aarau, Einstein đã ngạc nhiên hết sức: tất cả các điều ước đoán của chàng khi trước đều sai hết. Nơi đây không có điều gì giống Gymnasium của nước Đức. Tinh thần của thầy trò nơi đây khác hẳn: kỷ luật sắt không có, giáo sư cố công hướng dẫn học sinh biết cách suy nghĩ và tự làm việc. Các bậc thầy đều là những người cởi mở, luôn luôn tiếp xúc với học sinh, bàn bạc cùng cho họ những lới khuyên bảo chân thành. Tinh thần học hành tại nơi đây đã theo đường lối dân chủ thì phương pháp học tập cũng được canh tân theo đà tiến bộ. Học sinh được làm lấy các thí nghiệm về Vật Lý và Hóa Học, được xem tận mắt các máy móc, các dụng cụ khoa học. Còn các môn học khác cũng được giảng dạy bằng cách căn cứ vào các dẫn chứng cụ thể, rõ ràng.

Sau một năm theo học tại Aarau, Einstein tốt nghiệp trung học và được nhận vào trường Bách Khoa Zurich mà không phải qua một kỳ thi nào khác. Trường kỹ thuật này đã cho chàng các sự hiểu biết căn bản về Vật Lý và Toán Học. Ngoài ra, vào các thời giờ nhàn rỗi, Einstein thường nghiền ngẫm các tác phẩm khoa học của Helmholtz, Kirchhoff, Boltzmann, Maxwell và Hertz.

Càng chú tâm đọc sách Vật Lý , Einstein lại càng cảm thấy cần phải có trình độ hiểu biết rất cao về Toán Học. Tuy nhiên, vài giờ Toán tại trường đã không khiến cho chàng chú ý, phải chăng do giáo sư toán thiếu khoa sư phạm? Thực vậy, ông Hermann Minkowski, Giáo Sư Toán, đã không hấp dẫn được sinh viên vào các con số tuy rằng ông là một nhà toán học trẻ tuổi nhưng xuất sắc. Dù sao, những ý tưởng về các định luật Toán Học do ông Minskowski đề cập cũng đã thấm nhập ít nhiều vào trí óc của Einstein và giúp cho chàng phát triển về môn Vật Lý sau này.

 Đám cưới Mileva và AlbertTại nước Ý, cơ xưởng của ông Hermann chỉ mang lại một nguồn lợi nhỏ nên Albert Einstein sống nhờ vào tiền trợ cấp của một người trong họ. Hàng tháng chàng nhận được 100 quan Thụy Sĩ. Tuy món tiền này quá nhỏ nhưng Einstein phải để dành 20 quan, hy vọng sau này sau khi tốt nghiệp, chàng có đủ tiền xin được quốc tịch Thụy Sĩ. Vì cách tiết kiệm này, chàng phải chịu cảnh thiếu thốn và không hề biết tới sự xa hoa.

Từ thuở nhỏ, Einstein đã ít chơi đùa cùng các đứa trẻ trong xóm thì ngày nay khi sống tại trường đại học, chàng cũng vẫn là một sinh viên dè dặt. Tuy vậy, không phải Einstein không có bạn thân. Chàng hay tiếp xúc với Friedrich Adler. Anh chàng này là người Áo, con một nhà lãnh tụ phe Dân Chủ Xã Hội thuộc thành phố Vienna và ông này không muốn con trai của mình dính dáng tới chính trị nên đã gửi Adler tới Zurich theo học. Einstein còn có một cô bạn gái rất thân: cô Mileva Maritsch, người Hung. Cô này thường trao đổi bài vở với Einstein.

Vào năm 1901, Albert Einstein tốt nghiệp trường Bách Khoa và cũng trở nên công dân Thụy Sĩ. Đối với những sinh viên mới ra trường và có năng khiếu về Khoa Học thì ước mơ của họ là làm thế nào có thể xin được một chân giúp việc cho một giáo sư đại học nhiều kinh nghiệm rồi nhờ vậy có thể học hỏi thêm những phương pháp khảo cứu khoa học của ông ta. Einstein cũng mong ước như thế nhưng các đơn xin đều bị khước từ. Không xin được việc tại trường đại học, Einstein quay sang việc nạp đơn vào một trường trung học, nhưng mặc dù có nhiều thư giới thiệu nồng nàn, mặc dù xuất thân từ trường Bách Khoa và có quốc tịch Thụy Sĩ, Einstein vẫn không xin được việc làm. Phải chăng người ta đã không coi chàng như một người dân chính gốc mà chỉ là một công dân trên giấy tờ?

Chờ mãi thì phải có việc: một người bạn của Einstein giới thiệu chàng với ông Haller, giám đốc Phòng Văn Bằng ở Berne. Văn Phòng này đang thiếu một người thạo về các phát minh khoa học trong khi Einstein lại chưa có một kinh nghiệm gì về kỹ thuật cả. Nhưng sau một thời gian thử việc, Einstein được chấp nhận. Bổn phận của chàng là phải xem xét các bằng sáng chế: công việc này không phải là dễ vì các nhà phát minh thường là các tài tử, không biết diễn tả những điều khám phá theo thứ tự, rõ ràng.

Nhờ làm việc tại Phòng Văn Bằng, Einstein được lãnh lương 3 ngàn quan. Cuộc sống tương đối dễ chịu khiến chàng nghĩ đến việc hôn nhân. Einstein cưới cô bạn gái cũ là Mileva Maritsch tuy nàng hơn chàng vài tuổi. Mileva là người có tư tưởng hơi tiến bộ lại không biết cách sống hòa mình với các người chung quanh, vì vậy gia đình Einstein không được hạnh phúc lắm. Ít lâu sau, hai người con trai ra đời, đứa con cả cũng mang tên Albert như cha. Einstein đã tìm được hạnh phúc bên hai đứa con kháu khỉnh.

3- Thời kỳ khảo cứu Khoa Học.

Sau nhiều tháng sống tại Berne, Albert Einstein thấy rằng các công việc tại Phòng Văn Bằng càng ngày càng trở nên dễ dàng hơn, vì vậy ông có đủ thời giờ để tâm tới môn Vật Lý Toán Học.

Tuy Einstein ưa thích lối sống cô đơn nhưng không phải là ông không có cảm tình với các người chung quanh. Tư tưởng cởi mở của ông khiến cho ông có nhiều bạn. Sự vui đùa và cách châm biếm khiến ông luôn luôn vui nhộn và đầy nhựa sống. Nụ cười hiện ra trên môi làm cho mọi người phải chú ý đến ông. Người nào đã sống gần Einstein đều nhận thấy rằng sự cười đùa của ông là một nguồn vui, song đôi khi nó còn là sự chỉ trích. Hình như Einstein có cảm tình với bất cứ ai, nhưng ông lại không thích đi tới sự quá thân mật khiến cho ông thiếu tự do. Phải chăng sự ưa thích sống cô đơn để hy sinh hoàn toàn cho Khoa Học đã làm cho Einstein xa cách các bạn bè trong khi nội tâm của ông lại có tình cảm với tất cả mọi người. Mãi về sau, vào năm 1930, Einstein đã phân tích cái trạng thái tình cảm đó như sau: “vì tôi say mê sự công bằng và nhiệm vụ xã hội nên tôi đã phạm phải một điều tương phản kỳ lạ khá quan trọng là tôi thiếu sự hợp tác trực tiếp với mọi người. Tôi là một con ngựa tự thắng lấy yên cương”.

 

Ernest Mach (1838-1916)Nhà vật lý và triết gia Áo Emmanuel Kant Schopenhauer

 

Henri Poincaré (1854 -1912) Pháp.  Nhà khoa học lớn cuối tk 19 Nietzsche David Hume

 

Tại Berne, ngoài thời giờ khảo cứu về Toán và Vật Lý Học, Einstein còn để tâm đến Triết Học. Vài triết gia đã giúp ông học được các nguyên tắc đại cương của phương pháp luận lý. Chính phương pháp này cho phép các nhà bác học diễn tả những điều nhận xét trực tiếp thành các định luật rõ ràng. David Hume, Ernest Mach, Henri Poincaré và Emmanuel Kant thuộc vào hạng các triết gia kể trên. Còn Schopenhauer và Nietzsche khiến Einstein chú ý vì các vị này đã phát biểu các tư tưởng đôi khi không cần thiết, đôi khi tối nghĩa bằng các câu văn đẹp đẽ, gợi lên cho người đọc những cảm xúc, khiến cho người ta phải mơ màng, suy nghĩ, chẳng khác gì một người biết nhạc được thưởng thức vài khúc tiết tấu nhịp nhàng. Tuy nhiên, David Hume (1711-1776, người Anh)  vẫn là người được Einstein ưa thích nhất. Nhiều người biết rằng triết gia gốc Anh này là người khởi xướng phương pháp luận lý thực nghiệm và cách trình bày suy luận của ông ta thực là sáng sủa, phân minh.

Suốt trong 5 năm trường, từ 1901 tới 1905, các cố gắng tư tưởng của Einstein đã mang lại kết quả: ông đã nghiên cứu và lập ra định luật liên kết thời gian và không gian. Vào một buổi sáng tháng 6 năm 1905, viên chủ nhiệm tạp chí Annalen der Physik tại Munich tiếp một thanh niên tóc đen không chải, quần áo cũ kỹ. Thanh niên đó đưa viên chủ nhiệm một cuộn giấy 30 trang và yêu cầu đăng trên tạp chí khoa học.

Albert Einstein đã trình bày “Thuyết Tương Đối” của mình trên tờ báo vật lý Annalen der Physik. Ông đã đề cập đến sự tương quan của năng lượng và khối lượng bằng một phương trình lừng danh nhất của Khoa Học: E = MC2. Nói một cách đại cương, phương trình trên có nghĩa là năng lượng của vật chất thì bằng khối lượng nhân với bình phương tốc độ của ánh sáng. Theo lý thuyết này, nếu người ta biết một phương pháp kỹ thuật, thì với một ký than gỗ, hay một ký đá sỏi, hay một ký mỡ heo, người ta có thể rút ra một năng lượng tương đương với 25 ngàn triệu (tỷ) kilowatt-giờ điện lực [1], nghĩa là số điện lực sản xuất thời bấy giờ của tất cả các nhà máy phát điện tại Hoa Kỳ chạy suốt trong một tháng mà không nghỉ.

Sau khi bài khảo cứu của Albert Einstein được phổ biến tại châu Âu, thì Henri Poincaré ở Pháp, Hendrik Lorentz ở Hòa Lan, Max Planck ở Đức, cùng tất cả các đầu óc khoa học vĩ đại thời bấy giờ đều sửng sốt và đã viết thư hỏi tòa báo : – “Ai đã viết bài báo đó ? Có phải là một giáo sư đại học không? “. Tòa báo đã trả lời : – “Một thanh niên Do Thái, quốc tịch Đức, 26 tuổi, giúp việc tại Phòng Văn Bằng tại Berne”.

Bài khảo cứu của Einstein đã làm cho nhiều người thắc mắc, nghi ngờ. Vào thời kỳ đó, ít người đo lường nổi sự quan trọng lớn lao của học thuyết Einstein nhưng dù sao, lý thuyết đó đã cách mạng hóa quan niệm của con người về Vũ Trụ. Henri Poincaré khi đó đã viết về Albert Einstein như sau: “Ông Einstein là một trong các đầu óc khoa học phi thường mà tôi chưa từng thấy. Đứng trước một bài tính vật lý, ông Einstein đã không bằng lòng với các nguyên tắc cổ điển sẵn có, mà còn nghiên cứu tất cả các trường hợp có thể nhận được”.

Thật là kỳ lạ khi công trình khảo cứu có giá trị lớn lao đó lại do một nhân viên xoàng của Phòng Văn Bằng phổ biến. Người ta vội mời ông giảng dạy tại trường Đại Học Zurich. Mọi người đều biết rằng tại các trường Đại Học, trước khi trở thành một giáo sư thực thụ, ai cũng phải trải qua thời kỳ của một giảng sư. Einstein nhận giữ chân này theo lời khuyên của Giáo Sư Kleiner.

Chân Giáo Sư môn Vật Lý Lý Thuyết tại trường Đại Học Zurich bị trống. Vì vấn đề chính trị, hội đồng quản trị đại học mời Friedrich Adler, giảng sư, lên phụ trách, nhưng Adler đã từ chối và nói: – “Nếu có thể có một người như Einstein vào Đại Học của chúng ta thì việc gọi đến tôi thật là vô lý. Tôi thú nhận rằng trình độ hiểu biết của tôi không thấm vào đâu với Einstein. Chúng ta không nên vì vấn đề chính trị mà không mời một người có thể làm cho mức hiểu biết tại bậc đại học được cao hơn”. Vì vậy vào năm 1909, Einstein được bổ nhiệm làm “Giáo Sư Đặc Cách” của trường Đại Học Zurich.

Tuy bước lên một địa vị cao hơn trong xã hội, nhưng lúc nào Einstein cũng thản nhiên, bình dị. Cuộc sống mới này tuy khá hơn trước về mặt tài chính, nhưng bà vợ ông vẫn phải chứa trọ các sinh viên để kiếm thêm tiền. Trước tình trạng vật chất còn eo hẹp đó, Einstein đã có lần nói đùa như sau: “Trong Thuyết Tương Đối của tôi, tôi đã đặt rất nhiều đồng hồ tại khắp nơi trong Vũ Trụ nhưng thực ra, tôi thấy không có đủ tiền mua nổi một chiếc để đặt ngay trong phòng của chính mình”. Thời gian sinh sống tại Zurich thật là phẳng lặng, hai ông bà Einstein cùng hồi tưởng thời sinh viên và coi cái tỉnh này như một tổ quốc nhỏ bé, nhưng yêu dấu.

Năm 1910, Đại Học Đường thuộc Đức tại Prague, Tiệp Khắc, thiếu một chân giáo sư vật lý lý thuyết. Đây là trường đại học cổ nhất của miền Trung Âu. Trong hậu bán thế kỷ 19, các giáo sư Tiệp và Đức cùng nhau giảng dạy, nhưng rồi cuộc tranh chấp chính trị đã khiến cho nhà cầm quyền quyết định rằng từ năm 1888, trường đại học này được phân ra làm hai, một đại học Đức, một đại học Tiệp. Sự phân chia đó đã làm cho các giáo sư và sinh viên của hai đại học đường không liên lạc gì với nhau và còn hiềm khích nhau nữa.

Theo nguyên tắc, trường đại học đề nghị các giáo sư vào các ghế trống, còn ông Bộ Trưởng Giáo Dục chỉ định vị được tuyển dụng nhưng thực ra vào thời kỳ đó, quyền chọn lựa thuộc về nhà vật lý học Anton Lampa, một người đã có công trong việc canh tân phương pháp giáo dục. Lúc bấy giờ có 2 người đủ khả năng: Gustave Jaumann, giáo sư thuộc Viện Kỹ Thuật Brno và Albert Einstein là người thứ hai. Theo quy luật, thứ tự các người được chọn lựa phải căn cứ vào công cuộc khảo cứu khoa học của họ, và vì lý thuyết của Einstein được nhiều người biết tới, Einstein được xếp lên trên Jaumann. Nhưng cuối cùng, ông Bộ Trưởng Giáo Dục lại trao chức vụ cho Jaumann, vì ông ta không muốn bổ nhiệm một người ngoại quốc. Jaumann từ chối. Chức vụ về tay Einstein.

Einstein và Max PlanckPhải rời bỏ Zurich để đến một nơi xa lạ là một điều gia đình Einstein không muốn, ông do dự nhưng cuối cùng nhận lời. Sống tại Prague, Einstein thường gặp gỡ Ernest Mach, Viện Trưởng Đại Học và cũng là một nhân vật nổi danh về một ngành Triết Học. Trong thời gian giảng dạy tại Prague, ngoài việc xây dựng lý thuyết về trọng lực, Einstein còn để tâm tới lý thuyết về Quanta ánh sáng của Max Planck. Thuyết ánh sáng truyền theo làn sóng của Augustin Fresnel và thuyết Điện Từ của James Maxwell đã không thể cắt nghĩa được hiện tượng Quang Điện (photoelectric effect). Einstein liền dùng công cuộc khảo cứu của Planck vào các điều suy đoán của mình.

Vào năm 1911, một hội nghị khoa học nhỏ được tổ chức tại Bruxelles, nước Bỉ. Người đứng ra tổ chức là nhà triệu phú Ernest Solvay. Ông này là một kỹ nghệ gia về Hóa Chất và đã thành công lớn. Tuy giàu có nhưng Solvay vẫn yêu thích Khoa Học và có khảo cứu chút ít về Vật Lý. Solvay muốn được nhiều người chú ý đến công lao của mình.

Trong số các bạn, nhà triệu phú Solvay thường giao du với Walther Nernst, một nhà hóa học danh tiếng. Walter Nernst nghĩ đến ý thích của Solvay và đến ích lợi của Khoa Học, nên đề nghị với nhà triệu phú chịu phí tổn cho một hội nghị gồm các nhà bác học danh tiếng của châu Âu và các vị này sẽ bàn luận về các trở ngại của “Nền Vật Lý Mới” rồi nhân dip này, Solvay có thể trình bày lý thuyết của mình. Ernest Solvay ưng thuận. Hội nghị được tổ chức. Sir Ernest Rutherford đại diện cho Anh Quốc, Henri Poincaré và Paul Langevin thay mặt cho Pháp Quốc, Max Planck và Walther Nernst đại diện cho Đức Quốc, H.A. Lorentz là đại biểu của Hòa Lan, xứ Ba Lan được thay mặt bởi bà Marie Curie khi đó đang làm việc tại Paris, còn Albert Einstein đại diện cho Áo Quốc cùng với Franz Hasenohrl.

Hội nghị Solvay

Hội nghị lấy tên là Solvay và diễn ra trong vòng thân mật. Không ai chỉ trích lý thuyết của ông Solvay cả, tất cả đều tránh vì muốn tỏ lòng biết ơn và lịch sự đối với chủ nhân. Ngoài ra, trong cuộc bàn cãi, mọi người đều kinh ngạc về những ý tưởng mới lạ của Einstein. Sau hội nghị, Solvay nhận rõ chân giá trị của buổi gặp gỡ nên về sau, ông ta thường tổ chức các buổi họp khác mà vai chính là Einstein.

Năm 1912, sau một thời gian sống tại Prague, Einstein lại được giấy mời giữ chân giáo sư môn vật lý lý thuyết tại trường Bách Khoa Zurich. Trường này thuộc quyền của Liên Bang Thụy Sĩ nên rất lớn, và những kỷ niệm của tuổi trưởng thành làm cho Einstein cũng muốn quay về nơi chốn cũ. Hơn nữa, bà Mileva vợ ông, lại cảm thấy khó chịu khi sống tại Prague và mong muốn trở lại Zurich, tổ quốc nhỏ bé của bà. Vì vậy Einstein cùng gia đình rời Prague.

Sự ra đi khỏi thành phố Prague của Einstein làm cho nhiều người xao động. Ai cũng muốn lưu giữ danh tiếng của nhà bác học cho địa phương của mình. Các báo chí cho rằng các bạn của ông đã ngược đãi Einstein và bắt ông xin đổi đi. Có người lại nói vì ông gốc Do Thái, nhà cầm quyền không đối xử tử tế với ông khiến cho Einstein phải từ giã Prague. Đúng ra, các điều kể trên trái với sự thực. Tại Prague, Einstein cảm thấy dễ chịu và người dân nơi này với tính tình cởi mở, đã làm cho ông quý mến họ.

Tới cuối năm 1912, Albert Einstein trở thành Giáo Sư Thực Thụ của trường Bách Khoa Zurich và mang lại danh tiếng cho đại học này. Einstein làm việc không ngừng. Các lý thuyết mới về Toán của các nhà toán học Ý Đại Lợi Ricci và Levi-Civita đã làm cho Einstein chú ý đến. Ông cùng với Marcel Grossmann, một người bạn cũ, khảo cứu các phương pháp toán học mới ngõ hầu có thể dùng cho lý thuyết về Trọng Lực.

Vào năm 1913, một hội nghị các nhà bác học Đức được tổ chức tại Vienna. Người ta mời Einstein tới trình bày lý thuyết về Trọng Lực của ông. Trong buổi thuyết trình này, ai cũng phải sửng sốt về các ý tưởng mới mẻ, quá kỳ dị của Einstein. Mọi người trông chờ ở ông một lý thuyết tổng quát, tân kỳ.

Berlin, thủ đô của nước Đức, dần dần trở nên Trung Tâm Chính Trị và Kinh Tế của châu Âu. Hơn nữa, người Đức còn muốn thành phố này là nơi tập trung Khoa Học và Nghệ Thuật. Riêng về Khoa Học, muốn cho bộ môn này phát triển, cần phải có các viện khảo cứu và nhiều nhà bác học danh tiếng. Tại Hoa Kỳ, ngoài các trường đại học ra, còn có các viện khảo cứu được các nhà tư bản như Rockfeller, Carnegie, Guggenheim trợ giúp. Hoàng Đế Wilhelm II cũng muốn các công chình tương tự được thực hiện tại nước mình. Vì thế các kinh tế gia, kỹ nghệ gia và các thương gia Đức cùng nhau góp công, góp của vào việc thành lập Viện Kaiser Wilhelm Gesellschaft. Được tuyển làm nhân viên của Viện là một danh dự lớn lao, lại được danh hiệu Viện Sĩ, được mặc y phục lộng lẫy và đôi khi được tham dự các buổi yến tiệc với nhà vua.

Walther NernstNgười ta đang tìm kiếm các nhà bác học lỗi lạc và sự chọn lựa được căn cứ theo giá trị khoa học của từng người. Vào thời kỳ đó, Max Planck và Walther Nernst là hai nhân vật dẫn đầu về Khoa Học của nước Đức. Hai ông này khuyên vị Giám Đốc Viện Wilhelm, ông Adolphe von Harnack, gửi giấy mời Albert Einstein, một ngôi sao sáng đang lên của nền trời Vật Lý Mới. Einstein cũng được Planck và Nernst khuyên nhủ nên nhận lời để sau này có thể trở nên nhân viên của Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Phổ, một danh dự mà các giáo sư Đại Học Đường Berlin đều ao ước. Einstein được mời vào Viện Hoàng Đế Wilhelm thực.

Công việc của Einstein trong Viện sẽ là nghiên cứu theo ý riêng của mình. Ông lại được mời làm Giáo Sư Đại Học Đường Berlin, tại nơi này công việc giảng dạy nhiều hay ít tùy ý. Việc quản trị đại học đường cùng với việc trông coi các kỳ thi, ông sẽ không phải để tâm tới. Einstein được hoàn toàn tự do khảo cứu.

Riêng đối với Einstein, ông cũng phân vân trước việc trở lại Berlin. Cái xã hội đó không hợp với thâm tâm của ông thực, nhưng địa vị cao sang sẽ giúp cho cuộc sống hàng ngày của ông dễ chịu hơn. Nhà bác học bị giằng co giữa hai ý tưởng: quan niệm sống cho Khoa Học, cho bản thân và ý tưởng về một chủ nghĩa xã hội hợp đạo lý. Ngoài ra tại Berlin, Einstein còn có cô em họ, cô Elsa. Ông có gặp cô này vài lần và thấy có cảm tình với nàng. Cuộc ly dị cách đây vài năm với cô Mileva vì bất đồng ý kiến ở vài điểm, đã khiến Einstein nghĩ tới việc lập lại một gia đình mới. Chính điều này cũng góp đôi phần vào quyết định của Einstein trở lại thành phố Berlin. Einstein từ bỏ Zurich vào cuối năm 1913.

Lise Meitner Erwin Schrödinger

Đúng vào năm 34 tuổi, Albert Einstein là nhân viên của Viện Hàn Lâm Berlin và tượng trưng cho một thanh niên sống giữa các đồng viện hầu hết đều cao tuổi hơn, đều là những bậc lão thành trong cuộc sống đại học. Những vị này thường tự cho là quan trọng, trong khi cách cư xử của Einstein lại dễ dàng, bình dị. Tại Berlin, vài vật lý gia thường họp với nhau để bàn luận các vấn đề Khoa Học. Trong các buổi thảo luận đó, ngoài Einstein, Planck và Nernst ra, người ta còn thấy Max Von Laue, Jacques Franck, Gustave Hertz, cô Lise Meitner và sau này có Erwin Schrödinger, người đã có công về Thuyết Lượng Tử (theorie quantique).

Einstein sống tại Berlin chưa được một năm thì Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ. Một số các nhà bác học thấy rằng mình cũng phải góp phần với các chiến sĩ ngoài mặt trận. Họ liền hoạt động trong phạm vi của họ, tức là nghiên cứu và chế tạo các dụng cụ chiến tranh. Walther Nernst chế tạo hơi ngạt, Fritz Haber, người bạn thân của Einstein, nghiên cứu việc điều chế ammoniac bằng cách dùng khí nitrogen rút ra từ không khí.

Trong thời gian sống tại Berlin này, Einstein đã gặp cô Elsa, một người em họ, một người bạn từ thuở nhỏ. Cô này lúc bấy giờ góa chồng và có 2 đứa con riêng, song cô là người tính tình vui vẻ, lại đảm đang. Hai người thành hôn với nhau và sống một cuộc đời tương đối đầy đủ, nhưng hạnh phúc.

4- Hoạt động chính trị.

Từ trước, Albert Einstein vẫn ghét chiến tranh. Ông cho phổ biến các ý tưởng của mình. Einstein đã diễn thuyết tại nhiều nơi như Hòa Lan, Tiệp Khắc, Áo, vừa giảng giải về lý thuyết vật lý, vừa biện họ cho ý tưởng hòa bình.

Vào thời bấy giờ tại châu Âu, các người Do Thái thấy rằng cần phải liên kết dòng giống của họ hiện đang sống rải rác khắp bốn phương. Một phong trào phục hưng quốc gia Do Thái đang thành hình. Vào năm 1921, Chaim Weizmann, người lãnh đạo phong trào Do Thái Tự Trị (Zionism) có gửi giấy mời Einstein cùng sang Hoa Kỳ vận động cho việc tái lập một quốc gia Do Thái tại Palestine. Weizmann muốn dùng danh tiếng của Einstein để khiến các nhà triệu phú Do Thái tại Hoa Kỳ giúp tiền thành lập một trường đại học tại thủ đô mới. Einstein nhận lời.

Khi Einstein đến New York vào tháng 5 năm 1921, các phóng viên ùa tới chụp ảnh và phỏng vấn ông. Họ hỏi rất nhiều về Thuyết Tương Đối của ông đến nỗi ông tưởng mình bị vào một kỳ thi vấn đáp. Các nhà báo cũng hỏi bà Elsa xem bà có hiểu gì về lý thuyết của chồng không, thì bà trả lời: “ không, tuy rằng ông Einstein đã cắt nghĩa cho tôi nhiều lần, song sự không hiểu rõ đó không ảnh hưởng tới hạnh phúc của chúng tôi”.

Albert Einstein và vợ đi qua đám người hiếu kỳ đứng đón tại bến tầu. Tay phải ông cầm tẩu thuốc lá, tay trái xách chiếc đàn vĩ cầm, hình ảnh này khiến cho nhiều người tưởng lầm ông là một nhạc sĩ tài ba đến trình diễn tại New York, mà không phải là một nhà bác học đã làm đảo lộn quan niệm của con người về Vũ Trụ.

Tại Hoa Kỳ, Weizmann và Einstein được tiếp đón rất trịnh trọng. Tuy hai nhân vật này chỉ đi bênh vực cho một chủ nghĩa Do Thái, nhưng họ được coi như hai người đại diện thực sự cho dân tộc Do Thái vậy. Einstein đã diễn thuyết tại nhiều nơi bằng tiếng Đức, vì lúc đó ông không thạo tiếng Anh lắm. Vào ngày 9 tháng 5 năm đó, Einstein được trao tặng văn bằng Tiến Sĩ Danh Dự của trường Đại Học Princeton và vị Viện Trưởng đã ca tụng bằng tiếng Đức “một Christopher Columbus của Khoa Học, đã băng qua các đại dương của tư tưởng mới lạ”. Sau khi rời Hoa Kỳ, Einstein sang nước Anh rồi trở về Berlin vào tháng 7 năm 1921.

Paul Painlevé

Paul Langevin

Cuộc hành trình của Albert Einstein đã khiến cho sự giao hảo giữa các nhà bác học Mỹ, Anh và Đức được khả quan hơn. Vì vậy, vài nhà bác học Pháp đã đề nghị mời Einstein sang Paris, tuy rằng tại nơi đây, người ta chưa quên mối thù Pháp-Đức cũ. Trong số các người chủ trương ý tưởng trên, có Paul Painlevé và Paul Langevin là hai nhà toán học. Langevin đề nghị dùng một phần lợi tức của trường Collège de France để mời Einstein sang Pháp. Painlevé tán thành nồng nhiệt trong khi nhiều nhà bác học Pháp lại phản đối ra mặt.

Tại nước Đức, các nhóm tương tự cũng muốn bắt buộc Einstein từ chối nhưng vào thời kỳ đó, cả hai nhóm trên tại Pháp và Đức đều chưa đủ mạnh nên chưa thể ngăn trở cuộc hành trình. Einstein nhận lời sang Pháp. Langevin cùng Charles Nordmann, một nhà thiên văn, tới Jeumont gần biên thùy nước Bỉ, để đón Einstein. Thời đó, một nhóm thanh niên ái quốc Pháp định tổ chức một cuộc phản đối tại nhà ga. Langevin được tin đó do cảnh sát cho biết. Ông ta quyết định cho xe lửa chở Einstein ngừng tại một ga nhỏ, không có người đứng đón, rồi dùng xe điện ngầm về khách sạn có ngờ đâu rằng trong khi đó, con trai ông và các sinh viên khác đang mỏi mắt trông chờ được ngưỡng mộ nhà đại bác học tại ga chính.

Albert Einstein tới Paris vào ngày 22-3-1922. Ngày 31, ông diễn thuyết tại Collège de France. Chỉ những người nào yêu thích Khoa Học và không có ý định biểu tình phản đối mới nhận được giấy mời. Ngày hôm đó, Painlevé là người đến trước tiên và đích thân coi sóc việc kiểm soát. Tại Đại Giảng Đường, nơi mà các đại triết gia Ernest Renan và Henri Bergson đã từng diễn giảng hôm đó đông chật thính giả. Người ta thấy có mặt bà Marie Curie, ông Henri Bergson và nhiều nhân vật danh tiếng. Einstein đã dùng tiếng Pháp để thuyết trình. Giọng nói chậm chạp của ông, đôi khi lạc vào cách phát âm của tiếng Đức, đã làm cho bài diễn giảng thêm phần quyến rũ và bí ẩn.

Sự có mặt của Einstein tại Paris khiến cho Hàn Lâm Viện Pháp chia làm hai phe phản đối nhau, trong khi tại nước Đức, một số nhà bác học cũng không bằng lòng. Tuy nhiên, Einstein chỉ nghĩ đến lợi ích chung của Khoa Học và nghĩ tới sự giao hảo giữa các dân tộc trên Thế Giới. Sau khi từ Pháp về, Einstein lại sang Thượng Hải vào ngày 15-11-1922, rồi sang Nhật Bản và ở tại nơi đó cho tới tháng 2 năm sau mới trở lại Palestine, rồi du lịch qua Tây Ban Nha. Khi Einstein sắp đến châu Á thì vào ngày 10-11-1922, Hàn Lâm Viện Khoa Học Thụy Điển quyết định trao tặng ông Giải Thưởng Nobel về Vật Lý Học.

Thuyết Tương Đối của Albert Einstein tuy được nhiều người biết đến nhưng vào thời kỳ này sự tranh luận còn đang sôi nổi, người ta nghi ngờ không biết lý thuyết đó có phải là một phát minh khoa học hay không. Bởi vì Alfred Nobel quy định rằng Giải Thưởng phải được trao tặng cho nhân vật nào đã phát minh ra thứ gì hữu ích cho Nhân Loại, nên Hàn Lâm Viện Thụy điển đã phân vân trước công trình của Einstein về Khoa Học, rồi sau cùng quyết định như sau: “Giải Thưởng được trao cho Albert Einstein về định luật Quang Điện và công trình của ông trong địa hạt Vật Lý Lý Thuyết”.

Từ lâu, các nhà vật lý đều nhận thấy rằng khi cho một loại ánh sáng có tần số đủ cao chiếu vào một miếng kim loại đặc biệt, sẽ có một dòng điện phát ra. Hiện tượng điện học do ánh sáng mà có này được gọi là hiện tượng Quang Điện. Lý thuyết ánh sáng truyền theo làn sóng của Augustin Fresnel rồi Thuyết Điện Từ của James Maxwell đều không thể cho biết căn nguyên và đặc tính của hiện tượng trên. Einstein đã dùng lý thuyết của Max Planck về Quang Tử (quanta) dẫn vào trong định lý về ánh sáng và đặt giả thuyết rằng trong làn sóng ánh sáng có các quang tử chứa năng lượng. Nhờ giả thuyết này, ông đã tìm ra được định luật Quang Điện và định luật này cho phép các nhà khoa học cắt nghĩa được các hiện tượng có bức xạ.

Vào tháng 7 năm 1923, Albert Einstein sang Thụy Điển nhận giải thưởng và diễn thuyết trước một số đông các nhà bác học tại Goteborg. Vua Thụy Điển cũng tới dự.

Trong năm 1925, Albert Einstein có lần đi Nam Mỹ diễn thuyết, còn các năm sau, ông đều sống tại thành phố Berlin. Từ tháng 3 năm 1929, gia đình Einstein bắt đầu cảm thấy khó chịu. Einstein bị nhiều người dòm ngó và báo chí để ý, vì vậy ông quyết định rời sang một căn nhà bên bờ sông ngoài thành phố. Thấy vắng nhà, các báo chí Đức lại phao lên rằng ông đã sang Hòa Lan rồi sang Mỹ.

Sống tại vùng quê, Einstein cảm thấy dễ chịu. Ông có hai sở thích: lái thuyền và chơi đàn. Ai cũng biết rằng việc lái thuyền buồm đòi hỏi ở người thủy thủ nhiều điều hiểu biết về Cơ Học và Vật Lý. Khéo lợi dụng chiều gió để điều khiển con thuyền đi cho đúng hướng mới là người lái giỏi. Về điểm này, Einstein có đủ. Ông thường mang lương thực xuống thuyền mà đi cho đến gần tối mới trở về.

Albert Einstein rất thích âm nhạc. Âm nhạc đối với ông vừa là môn giải trí, vừa là nguồn an ủi và còn là sự cần thiết nữa. Ông có tai nghe nhạc rất đúng và rất ưa thích các nhạc phẩm của Mozart. Ông không có bàn tay đặc biệt của các nhạc sĩ kỳ tài, các bàn tay này thường dài, dầy dặn, với các ngón tay thon thon, song ông chơi đàn một cách rõ ràng, đúng nhịp, không đi trước mà cũng không bỏ qua các dấu nhạc. Trong các nhạc cụ, Einstein ưa thích vĩ cầm. Nhiều người quý mến ông đã gửi tặng ông các nhạc cụ do những thợ đàn danh tiếng làm, nhưng Einstein lại ưa thích cây vĩ cầm tầm thường của Nhật Bản, hình như cây đàn này đã cho ông nhiều kết quả tốt đẹp.

Thật là may mắn cho Einstein khi gặp được bà vợ thứ hai này: bà Elsa. Tại Berlin, Einstein lấy riêng một căn phòng để làm việc. Không ai được phép vào đây, ngay cả vợ ông. Chính tại căn phòng này, ông nghiên cứu và bàn luận với các bạn bè mà không sợ bị quấy rầy. Einstein ưa thích được tự do, bất chấp cả bụi bậm và sự vô thứ tự trong căn phòng làm việc. Hai điều này đã làm cho bà Elsa luôn luôn ân hận. Bà Elsa thường chăm sóc chồng một cách hiếm có. Bà chỉ cho phép ông mỗi ngày hút một điếu thuốc lá. Chính thức thì ông tuân theo kỷ luật này, nhưng trong phòng của ông lại có một hộp thuốc do các bạn ông bỏ đầy vào. Einstein không uống rượu và không thức khuya, sợ rằng việc làm ngày mai sẽ bị đình trệ.

Trời đã phú cho Einstein bản tính hay cười. Không bao giờ ông quên khôi hài, ngay cả khi bị rủi ro. Có người phàn nàn với Einstein rằng thuyết Tương Đối của ông khó hiểu quá, Einstein liền trả lời – “Có gì là khó hiểu, chẳng hạn như khi ta ngồi cạnh người yêu thì thấy một giờ ngắn bằng một phút, còn nếu ta ngồi trên lò lửa hồng thì một phút lại lâu bằng một giờ”.

Một hôm, có người hỏi Einstein: – “Ông có chắc rằng lý thuyết của ông đúng không ?”. Einstein đáp: – “Tôi tin chắc rằng đúng, nhưng người đời chỉ có được dẫn chứng cụ thể vào năm 1981, khi đó tôi đã chết rồi. Khi đó nếu tôi có lý, thì tại nước Đức người ta bảo tôi là người Đức còn người Pháp lại bảo tôi là dân Do Thái. Nếu lý thuyết của tôi sai, thì người Đức bảo tôi là dân Do Thái còn người Pháp sẽ bảo tôi là dân Đức”.

Einstein có thể chất tốt, tuy rằng ông bị đau dạ dầy và yếu tim. Ông có cái đầu khác thường: tất cả khối óc hầu như được đặt tại đằng trước và gần như ông không có hậu chẩm (occiput). Phải chăng chỉ có cái đầu không ký xứng này mới nghĩ ra được các ý tưởng khoa học phi thường?

Vào mùa đông năm 1930, Albert Einstein được mời tới thành phố Pasadena, thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ, để diễn thuyết tại Viện Kỹ Thuật C.I.T. Trong thời gian này, Einstein có gặp nhà bác học Robert Andrews Millikan, người đã làm cho miền California trở nên một trung tâm danh tiếng về nghiên cứu Khoa Học. Mùa đông năm sau, Einstein trở lại Pasedena và quay về Berlin vào mùa xuân năm 1932, lúc mà nền Cộng Hòa Đức hấp hối. Vào tháng 3 năm 1932, Hindenbourg thắng Hitler trong cuộc tuyển cử và trở thành Tổng Thống của nước Đức.

Cuối năm 1932, Einstein lại sang Pasadena, Hoa Kỳ, và vào tháng 1 năm 1933, khi ông đang ở California thì được tin Hindenbourg mời Hitler làm Chưởng Án. Hitler chủ trương thuyết quốc gia cực đoan và là người rất căm thù dân tộc Do Thái, vì vậy Einstein đã phân vân trước khi quay về Đức.

Einstein trở lại châu Âu vào đầu năm 1933 và ngụ tại Ostende, nước Bỉ. Tại nước Đức, dân chúng đã bắt đầu kỳ thị sắc dân Do Thái. Einstein không biết nên xin ra khỏi Hàn Lâm Viện Phổ hay chờ xem Hàn Lâm Viện này loại trừ ông. Cuối cùng, ông đã xin rút tên ra để tránh cho Max Planck đỡ phải khổ tâm trục xuất một người có công khỏi Hàn Lâm Viện theo mệnh lệnh cuồng tín của đảng chính trị Quốc Xã.

Ít lâu sau, Hitler vu cho Einstein chứa khí giới bất hợp pháp và gia sản của ông bị tịch biên. Hơn nữa, đảng Quốc Xã đã treo giải thưởng chiếc đầu của Einstein với giá là 20,000 marks. Einstein quyết định không trở lại Berlin nữa mà tìm kiến một nơi trú ẩn mới. Rất nhiều trường đại học của châu Âu đã gửi giấy mời nhà bác học đến giảng dạy nhưng Einstein muốn rời khỏi châu Âu. Mùa hè năm 1933, Hoa Kỳ gửi giấy mời Albert Einstein.

5- Cuộc sống tại Hoa Kỳ.

Mấy năm về trước, vào khoảng năm 1930, ông Louis Bamberger và bà Felix Fould, theo lời khuyên của ông Abraham Flexner, đã bỏ ra một số tiền 5 triệu mỹ kim để thành lập một Viện Khảo Cứu và Giáo Dục. Nhờ đó, Viện Nghiên Cứu Cao Cấp (The Institute for Advanced Study) được thành lập tại thành phố Princeton, tiểu bang New Jersey. Flexner đi khắp châu Mỹ và châu Âu để tìm người giúp việc cho Viện. Flexner có gặp nhà bác học R.A. Millikan và được ông này nói tới Albert Einstein. Einstein nhận được giấy mời và đành nhận lời bởi vì thời cuộc lúc đó không cho phép ông trở lại nước Đức.

Từ năm 1938, Otto Hahn và F. Strassmann tại Berlin, Irène Curie và Savitch tại Paris, Lise Meitner và O. Frisch tại Copenhague đã làm nhiều thí nghiệm chứng tỏ rằng khi bắn các nhân nguyên tử Uranium, sẽ có một nhiệt lượng đáng kể phát ra. Rồi Enrico Fermi thành công trong việc phá vỡ nhân nguyên tử.

Thế Chiến Thứ Hai đã bùng nổ. Nhiều nhà bác học tại châu Mỹ lo lắng trước tình trạng tiến triển và khả năng nguyên tử của nước Đức. Họ liền báo động các thẩm quyền quân sự Hoa Kỳ và muốn bắt tay vào các công trình nghiên cứu nguyên tử tương tự. Nhưng cuộc vận động của họ không mang lại kết quả nào. Vì vậy, họ đành phải nhờ tới danh tiếng của Albert Einstein.

Vào ngày 2-8-1939, Einstein viết thư cho Tổng Thống Franklin Roosevelt như sau: “Thời gian vừa qua, tôi được đọc các bản thảo về những công trình khảo cứu của E. Fermi và L. Szilard. Những công trình này khiến tôi thấy rằng chất Uranium có thể trở nên một nguồn năng lượng mới rất quan trọng trong tương lai gần đây Nguồn năng lượng này có thể được dùng vào việc chế tạo một loại bom cực kỳ mạnh. Tôi có đầy đủ tài liệu để quả quyết rằng Đức Quốc Xã cũng đang tiến hành công trình trên. Mỹ Quốc phải vượt lên về phương diện này, nếu không, nền Văn Minh sẽ bị hủy diệt”.

Nhận được thư của nhà bác học Einstein, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt liền chú tâm vào việc khởi thảo một chương trình nghiên cứu Nguyên Tử Lực và Hoa Kỳ đã mở đầu một cuộc chạy đua kinh khủng nhất trong Lịch Sử về khí giới chiến tranh. Dự Án Manhattan, tên riêng của dự án chế tạo bom nguyên tử, được thành hình.

Vào năm 1941, Albert Einstein nhập quốc tịch Mỹ cùng với cô Helene Dukas và người con dâu Margot. Dukas là thư ký của Einstein. Cô ta là người thông minh, thứ tự và cương quyết. Khi bà Elsa qua đời vào năm 1936, Dukas đã trở nên nội tướng và đảm đương công việc trong gia đình. Tại thành phố Princeton, New Jersey, Einstein còn có một người em gái là bà Maja, tới sống với ông từ năm 1939.

Cuộc sống tại Hoa Kỳ của Albert Einstein thực là bình thản. Mỗi buổi sáng, ông mặc một bộ đồng phục da màu đen và về mùa lạnh, ông đội một chiếc mũ len đan cũng màu đen giống như chiếc mũ của một chàng lính thủy, với bộ quần áo lố lăng này, ông đi bộ chừng hai cây số để đến nơi làm việc. Người dân của thành phố Princeton thường thấy ông đi dạo trong vườn của Viện Nghiên Cứu từ 4 giờ sáng tinh sương, hai tay vắt sau lưng. Cảnh tịch mịch rất cần thiết đối với ông, nhưng ông không sống như một nhà ẩn dật. Mỗi ngày, ông nhận được hàng trăm bức thư. Đối với các bức thư viết đúng đắn, ông đều trả lời qua đó phản ánh lòng tế nhị của ông. Có một lần, một cậu bé không làm nổi một bài toán ra ở trường, đã gửi đầu bài và nhờ nhà bác học cắt nghĩa giùm. Einstein vui vẻ giảng giải. Lại một lần khác, một nhà toán học trẻ tuổi gửi đến cho ông một bài toán rất hay, giải rất đúng, nhưng trong khi tính toán có hai chỗ lầm. Einstein biết rằng các nhà thông thái thường tự phụ, nên ông viết thư trả lời nhà toán học kể trên và báo cho biết trong bài toán có hai chỗ lầm, nhưng ông lại không nói rõ lầm ở chỗ nào trong bài toán.

Cũng như nhiều nhà bác học khác, Albert Einstein không những đã tìm thấy tại Hoa Kỳ một nơi ẩn náu mà còn tìm được một nơi làm việc và một nơi thuyết trình nữa. Trong căn phòng làm việc tĩnh mịch, ông ngồi hàng giờ, viết các chữ rất nhỏ hay các ký hiệu toán học. Cây viết chì và mảnh giấy là các dụng cụ xây dựng nên công trình khoa học của ông. Ông dùng bộ óc làm phòng thí nghiệm. Khi mới gặp Einstein, ai cũng nhận thấy rằng ngoài mớ tóc rối lộn và bộ ria rậm rạp, hai con mắt của ông có vẻ như mơ màng nhưng khi nhìn lại chứa nhiều vẻ long lanh, tò mò và kiên nhẫn.

Albert Einstein là môn đồ của chủ nghĩa tự do cá nhân. Mặc dù lòng tin tưởng không thể lay chuyển được nơi Thượng Đế, Einstein cũng như nhiều nhà bác học khác vẫn là người vô thần. Vốn bản tâm quảng đại, nhưng không bao giờ ông tham gia một tổ chức xã hội nào. Ông làm việc cho Nhân Loại với tất cả Lương Tâm. Ông không ngừng kêu gọi các nhà bác học khác hãy coi chừng các phát minh của họ và luôn luôn cảnh cáo mọi người về các nguy hiểm sẽ gặp phải. Ông đã nhắc nhở nhiều lần rằng tuy Khoa Học có thể giúp ích cho Nhân Quần Xã Hội thực, song cũng có thể quay lại cung cấp vũ khí cho kẻ thù của Nhân Loại và đưa đến các kết quả tuyệt vọng. Einstein tin tưởng rằng sớm hay muộn, con người có thể giải đáp được mọi thắc mắc về Khoa Học, bởi vì “Tạo Hóa tuy huyền diệu thực, nhưng không bao giờ thâm độc cả”. Chính sự tin tưởng này đã khiến cho ông không bao giờ mất hy vọng trong các công trình tìm tòi, nghiên cứu. Albert Einstein quyết định hiến nốt đời mình cho việc tìm ra lý thuyết “Trường Đồng Nhất” (Champ unitaire) cho phép liên lạc 2 thứ lực là Điện Từ Lực và Lực Hấp Dẫn.

 Bảng đen cuối cùng

Albert Einstein qua đời vào ngày 18-4-1955. Trước khi chết, ông đã viết giấy tặng bộ óc của mình cho các nhà nhân chủng học nghiên cứu.

Trong tiền bán thế kỷ 20, Thuyết Tương Đối của Albert Einstein đã làm thay đổi quan niệm Khoa Học thông thường của con người và người ta chỉ gặp các cuộc Cách Mạng Tư Tưởng tương tự với Newton và Darwin trong các thế kỷ trước. Vì thế, Đại Văn Hào Bernard Shaw đã không nhầm lẫn khi gọi Albert Einstein là “VĨ NHÂN THỨ TÁM” của Thế Giới Khoa Học, sau PythagorasAristotle, Ptolemy, CopernicusGalileoKepler và Newton

[1]

Công thức của Einstein: E = mc2. Theo hệ đo lường quốc tế SI thì:
m = 1 kg
c = 3×108 m/s
Vậy E = 9×1016  J
Theo giá trị chuyển đổi: 1 J = 2.78 x10-7 kW.h
Thì 1 kg vật chất tương ứng với 25×109 kW.h tức là  25 tỉ kW.h hay 25 ngàn triệu kW.h.

Nguồn: 

Phạm Văn Tuấn

www.vietsciences.free.fr 

Tư duy phương Đông nhìn dưới ánh sáng học thuyết Einstein

Bình luận về bài viết này

Tư duy phương Đông nhìn dưới ánh sáng học thuyết Einstein
Nguyễn Huệ Chi

Đột phá khoa học của thế kỷ XX được đánh dấu bằng việc khám phá ra thuyết tương đối của nhà vật lý học Albert Einstein ngay vào những năm đầu thế kỷ đã làm chấn động dư luận thế giới, nhưng ý nghĩa lớn lao của nó, theo tôi nghĩ, lại chính là sự tác động dây chuyền và có tính chất lâu dài trong suốt cả một thế kỷ, làm lung lay một phương pháp tư tưởng đã hằn sâu thành nếp, chiếm địa vị độc tôn trong nghiên cứu, có lúc gây bế tắc trì trệ cho nhiều ngành khoa học, không chỉ khoa học tự nhiên mà cả khoa học xã hội và nhân văn – phương pháp duy lý cổ điển1 của phương Tây.

1. Trước hết, xin kể một vài kỷ niệm của chính người viết bài này về sự cảm nhận Einstein. Là thế hệ gần cuối của lớp học sinh kháng chiến chống Pháp trên mảnh đất khu IV tuy gọi là vùng tự do nhưng thực chất rất ít có quan hệ thông thương với thế giới bên ngoài, điều bất hạnh là tên tuổi Einstein ngay khi ông còn sống đã không đến được với chúng tôi. Mãi cho đến năm ông lìa bỏ cõi trần được cả nhân loại thương tiếc mà những học sinh cấp III ở Trường phổ thông Phan Đình Phùng, một ngôi trường nổi tiếng và cũng là ngôi trường duy nhất có cấp học cao nhất ở Hà Tĩnh thuở ấy vẫn không biết ông là ai, bởi một lẽ đơn giản, chương trình vật lý phổ thông bấy giờ không hề có một câu nào nhắc đến Einstein. Và các thầy giáo của chúng tôi – của đáng tội không thể trách họ – trong khi không tiếc lời đề cao những thiên tài khoa học Nga và Liên Xô như Lomonossov, Mendeleev, Lobachevski, Pavlov, Mitchourine-Lyssenko… đã không hề nói một câu nào về các nhà khoa học Âu Mỹ (trừ Darwin) nếu không là kích bác thậm tệ như đối với thuyết di truyền, và chắc họ cũng như chúng tôi chẳng hề biết Einstein là người nào. Không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì tôi nhớ đây là năm mở đầu của cái trào lưu ngợi ca Liên Xô và Trung Quốc sau hòa bình lập lại, đánh dấu bằng cuộc triển lãm rầm rộ lưu động từ xã này qua xã khác về thành tựu khoa học của hai nước đàn anh trong phe xã hội chủ nghĩa, trong đó tôi còn nhớ như in người ta đã giới thiệu Liên Xô chế ra những thần dược làm cho con người trẻ mãi, còn Trung Quốc thì tiêm màu vào cây bông đến mức các thứ vải do những loại bông ấy làm ra có màu sắc tươi nguyên cho đến khi vải rách vẫn không phai. Xu hướng tụng ca một chiều mà sau này nhà thơ Việt Phương đã khái quát “Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ/Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào/Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ…” (Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi) bắt đầu nảy sinh từ đấy và ngày càng được khuếch đại, thì cũng dễ hiểu vì sao cái tên Einstein không đến tai người đi học những năm 50-55 dầu ở bậc cuối cấp học phổ thông. Nhưng từ 1956, lên đến đại học, thật là may mắn, tôi bắt đầu nghe tên Einstein qua một vị Giáo sư triết học, thầy Cao Xuân Huy, khi ông thuyết trình trong một buổi giảng về logique học: “Logique hình thức chỉ đáp ứng lý tính của chúng ta như một khoa học hiển ngôn bàn về chân ngụy của những phạm trù mà lý tính kiểm chứng được. Nhưng có một nhà vật lý người Đức là Einstein từ lâu đã tìm ra một học thuyết hết sức thâm viễn gọi là thuyết tương đối hẹp và rộng mà để hiểu được chúng, dù chỉ là một tí chút nào đấy, đòi hỏi chúng ta phải đảo lộn mọi logique thông thường”. Tôi ngạc nhiên và thích thú vô cùng. Cái mệnh đề “A không phải là phi A” bây giờ phải lộn ngược lại mới hiểu được Einstein sao? Con người ấy là ai mà ghê gớm đến thế? Nhiều năm sau tôi mới biết thầy Cao Xuân Huy đã tìm hiểu Einstein từ khá lâu khi đào sâu vào triết học phương Đông, nhưng bấy giờ thì tôi chưa thấy mối liên quan nào giữa Einstein với nền triết học đó, hơn nữa, dù cố gắng bao nhiêu tôi cũng chỉ hiểu Einstein một cách lờ mờ gần như là huyền thoại.

Mãi đến năm 1959 ra trường, được phân công về Nhà xuất bản Lao động, hứng thú của tôi đối với khoa học tự nhiên vẫn chưa nguôi. Một hôm đi công tác lên Việt Trì và là lần đầu tiên trong đời được đi xe ô tô, tôi rất vui thích, mặc dầu đó là một chiếc xe commanca với hai hàng ghế gỗ mà chúng tôi phải ngồi thành hai dãy quay mặt vào nhau. Xe chạy một chốc, tôi đang lơ đãng nhìn vào các bạn phía trước mặt mình, bỗng để ý thấy một chú ruồi đậu trên ve áo một người ở hàng ghế bên ấy cất cánh bay sang đậu vào vai áo tôi. Chốc sau chú ta lại thảnh thơi bay ngang bay dọc, đậu vào vai những người khác. Tôi hết sức kinh dị. Bởi vì tôi biết xe ô tô đang chạy với một tốc độ rất nhanh, năm sáu chục kilômét một giờ là ít. Vậy thì tại sao khi chú ruồi cất cánh bay khỏi vai người bạn của tôi nó không bị chiếc xe đẩy tụt lại phía sau ngay lập tức mà thung dung như đang bay trong một nơi yên tĩnh, chẳng hạn trong một ngôi nhà? Lực vô hình nào đã giữ nó yên ổn vị trí trong khoảng không của ô tô? Cứ giả thử như chúng ta có cách gì nhích người lên khỏi ghế lơ lửng giữa không trung thì thế nào? Tất nhiên ta sẽ bị vận tốc ô tô đẩy tụt ra phía sau là cái chắc. Mà ô tô nào có kín gì đâu. Đó là chiếc xe không cửa, đằng đuôi để trống, có một tấm gỗ chắn lưng lửng, người lên kẻ xuống đều theo lối ấy, bầu không khí trong ô tô không phải giữ được cố định như trong một chiếc bình vặn nút mà luôn luôn thay đổi, hài hòa với không khí bên ngoài. Thế thì vì lẽ gì? Tò mò, tôi làm thêm một thí nghiệm cho riêng mình: tôi xé một mảnh giấy trong cuốn sổ tay mang theo vo viên lại và cầm nó giơ cao lên rồi thả xuống. Kỳ dị thay, viên giấy rơi thẳng xuống sàn ô tô mà không rơi xéo ra phía sau như tôi tưởng, dù rằng khi viên giấy chạm sàn, ô tô đã chạy được ít nhất cũng một mét. Nói rõ hơn, trong khi ô tô đang chạy, điểm rơi của viên giấy xuống sàn xe vẫn như trong một căn phòng không có gió, nhưng nếu ta so sánh với mặt đất ở điểm bắt đầu thả viên giấy thì thực tế viên giấy đã rơi chếch về phía trước, và một người đứng ngoài ô tô thế tất phải nhìn thấy viên giấy rơi chếch, trái ngược với người ngồi trong xe nhìn thấy viên giấy rơi thẳng xuống sàn. Vậy phải chăng cái không gian trong chiếc ô tô lúc vận hành đã không đồng nhất một cách tương đối với không gian bên ngoài, trong khi lý tính của chúng ta thì cứ nghĩ nó hoàn toàn đồng nhất?

Sau chuyến công tác trở về, gặp đêm Quốc khánh, chúng tôi rủ nhau ra Hồ Gươm xem pháo hoa. Người chen nhau vòng trong vòng ngoài đông nườm nượp. Tôi và bạn tôi đi lòng vòng cố tìm chỗ len vào phía trong để được xem cho rõ, chẳng ngờ lạc nhau. Anh bạn chạy tít lên mãi đường Lê Thái Tổ còn tôi thì lại dạt về góc Tràng Tiền và Đinh Tiên Hoàng. Khi pháo hoa bay lên tôi cứ có cảm tưởng bộ đội bắn chệch, đến nỗi “hoa cà hoa cải” xanh đỏ nở tung hết cả phía trên đầu mình chứ không đúng vào vị trí giữa hồ. Trở về tôi đem điều đó nói với bạn thì anh bạn ra sức cãi, nói rằng chính là pháo hoa bay về phía chỗ đứng của anh. Chúng tôi cứ tranh luận mãi mà chẳng ai chịu ai.

Về sau đọc đến cuốn Thuyết tương đối là gì, một cuốn sách rất mỏng giải thích sơ lược thuyết tương đối của Einstein nhưng cũng hết sức khó hiểu, tôi mới lờ mờ cảm nhận rằng những việc “lạ” mình không lý giải được chắc có liên quan xa gần đến phát kiến “động trời” của nhà vật lý người Đức hơn 50 năm trước. Có thể không phải lúc nào lực hấp dẫn cũng có một tác động như nhau lên mọi vật đang chuyển động với những vận tốc khác nhau. Đối với con người ngồi trên ô tô thì vận tốc năm sáu mươi kilômét chẳng ảnh hưởng gì, nhưng với một vật nhỏ như con ruồi thì vận tốc ấy ít nhiều đã tạo nên một trường hấp dẫn mới mà con ruồi sẽ tùy thuộc vào đó, bên cạnh sự cố gắng của đôi cánh nó để thắng lực hấp dẫn của trái đất. Nghĩa là khi ô tô chạy quả thực đã tạo ra trong lòng chiếc xe một không gian vận động tương đối so với không gian yên tĩnh tương đối ngoài mặt đất, trong phạm vi ấy các con vật bé tí như ruồi có thể hoạt động bình thường, không bị vận tốc ô tô làm cho mình tụt lại. Cũng vậy, cảm giác về hướng bắn của pháo hoa giữa tôi và anh bạn đồng sự nghe ra vô lý, kỳ thực cả hai đều đúng cả, do chúng tôi đứng ở hai vị trí khác nhau để quan sát chuyển động của các chùm ánh sáng nên hình ảnh đập vào thị giác mỗi người cũng có một độ lệch khác nhau tương đối. Thật ra nghĩ ngợi thế thôi chứ về mặt khoa học, tôi biết những kiến giải của mình chẳng đâu vào đâu, vì tốc độ của một chiếc ô tô và một chùm pháo hoa đâu có phải tốc độ ánh sáng mà mong áp dụng được học thuyết tương đối Einstein. Hơn nữa, việc chú ruồi bay thảnh thơi trong khoảng không của ô tô không bị tụt lại phía sau nếu là do tác dụng của lực quán tính thì càng không có quan hệ gì đến thuyết tương đối. Chẳng qua tuổi trẻ lãng mạn đã đưa tôi đến những liên tưởng “bốc đồng”, dầu sao đối với một người làm khoa học xã hội, sự ngộ nhận đôi khi cũng là dịp phá vỡ nếp mòn, hơn thế dẫn đến bứt phá và “đại ngộ”. Tôi hiểu ra trong đời sống tự nhiên còn vô vàn chuyện bí ẩn mà các định luật có giá trị phổ quát không phải lúc nào cũng dễ giải đáp. Ngay trắc nghiệm nhãn tiền cũng đã cho thấy sờ sờ hai “không gian tương đối”, “hai điểm nhìn tương đối” mà bình thường nào đã mấy ai chú ý. Từ đấy mà nhìn rộng sang nhiều lĩnh vực khác của đời sống, sau nhiều năm trải nghiệm, tôi ngày càng thấm thía, không phải những học thuyết về chính trị, kinh tế, triết học bao năm mình từng được nghe giảng giải, tưởng như khuôn vàng thước ngọc, đều là chìa khóa mở thông hết mọi rắc rối khó hiểu trên đời. Và những lời Giáo sư Cao Xuân Huy nói lúc tôi mới bước chân vào đại học hóa ra lại chính là hòn đá tảng quan trọng của một phương pháp tư duy hiện đại: sự chối bỏ logique thông thường để tiếp cận với những chân lý tưởng chừng siêu nghiệm đang tồn tại hiển nhiên trên thế giới này. Tôi có ngờ đâu vừa ra trường tiếp xúc với thực tế, mình đã bị cuốn vào một vấn đề rồi đây sẽ trở thành trung tâm của mọi suy nghĩ, nó có ý nghĩa rọi sáng cho cả một thời đại mới: thời đại “giải lý tính” (dérationnel) của nhận thức khoa học với học thuyết tương đối của Einstein. Từ phương trình trường đến hằng số vũ trụ, đến vụ nổ Big Bang, đến vũ trụ giãn nở rồi vũ trụ ổn định, rồi lại đến vũ trụ giãn nở gia tốc… sự hiểu biết về vũ trụ trong một thế kỷ đã tiến những bước thần kỳ làm cho nhiều người lo lắng thót tim. Và khi bắt tay tìm về triết học phương Đông thì tôi càng bội phần sửng sốt. Trong khi phương Tây còn loay hoay rất lâu với tinh thần duy lý của thời Khai sáng, kể từ tư tưởng cơ giới của Descartes thế kỷ XVII đến chủ nghĩa duy lý-phê phán (le rationalisme critique) của Karl Poper những năm 70 thế kỷ XX, thì ở phương Đông, nhiều bộ óc khổng lồ thời cổ đại, đã bằng trực giác chứ không phải thực nghiệm mà dường như tiếp cận được Einstein, hay đúng hơn là đã bác bỏ lý tính một cách sâu sắc, thâm trầm, trên phương diện cái nhìn siêu việt về vũ trụ.

2. Nói cho đúng, triết học đích thực khai sinh ở phương Tây từ thời cổ đại Hy Lạp, khi người ta bắt đầu biết khu biệt chủ thể với khách thể để từ đấy tìm mọi cách xác lập mối quan hệ giữa hai đại lượng, và nhờ đó mà nẩy sinh những khái niệm công cụ làm cơ sở cho tư duy, cũng là một bước ngoặt bản lề cho các khoa siêu hình học ra đời. Cổ đại phương Đông thì khác. Trong quá trình lâu dài của nhận thức, hình như chưa bao giờ chủ thể và khách thể tách lìa hẳn nhau, “ngã” và “đại ngã” tức bản thể vũ trụ vẫn mai phục trong nhau, phân ra rồi hợp lại ngay đấy, hoặc khởi đầu là phân ra song đi đến tận cùng thì lại hợp lại, là một dạng tồn tại lưỡng thể cộng thông. Tư duy phương Đông cũng chưa đạt đến chỗ xuất hiện được những khái niệm then chốt cũng như những nguyên lý nhận thức then chốt – trừ Danh gia học phái – có khả năng cấp cho chủ thế một ý thức rạch ròi về khách thể. Suy xét duy lý đến đầu đến đũa là điều hoàn toàn vắng mặt trong trước tác của các bậc hiền triết Trung Hoa. Một mặt, người ta quan niệm cái chân lý mà mình tiệm cận không phải nhất thiết ở phía này hay phía kia như hai mặt trắng và đen đối lập, cũng không phải luôn luôn cứng nhắc ở giữa (chữ “trung dung” không có nghĩa là đứng giữa như một sức ỳ), mà chân lý gồm vào trong nó cả hai phía một cách năng động, có lúc phải nghiêng về phía này ít nhiều và có lúc phải nghiêng về phía kia ít nhiều (lưỡng hành). Và con đường đi đến chân lý là một chu trình thay đổi liên miên, nhích về bên này rồi nhích trở lại bên kia (quyền), có thay đổi thế thì mới đạt được sự hiển minh. Mặt khác, việc thức ngộ chân lý không phải là một thao tác khổ công thực chứng. Nếu dùng thực chứng có khi suốt cả đời anh cũng chẳng nhận diện được cái gì cả, bởi thực chứng chỉ đưa anh đến những gì giản đơn, dễ thấy, mà chân lý thì ít khi lộ diện nên giác quan hữu thức khó chạm được vào. Chân lý mà nhất là chân lý tối thượng vốn không phải là “hữu”, nó là cái “vô” (Đại âm hy thanh, Đại tượng vô hình 大音 希 聲 。大象 無 形 – Lão Tử chương 41). Nó không phơi ra những đường, nếp, hình, khối… để cho giác quan chúng ta dễ dàng bám lấy. Thế nên thay vì giác quan, con người phải dùng đến một thứ siêu giác quan là lương năng để mặc khải chân lý. Mà lương năng chỉ thật sự sáng lên khi giác quan cùn lụt đi. Cho nên, phải làm ngược lại với quy trình thông tục của sự suy nghiệm, phải bắt cái tâm của mình (là cơ quan chỉ huy, điều khiển mọi giác quan) trở nên tối tăm, ngu độn (Ngã ngu nhân chi tâm dã tai, độn độn hề! Tục nhân chiêu chiêu, ngã độc hôn hôn. Tục nhân sát sát, ngã độc muộn muộn 我 愚 人 之 心 也 哉 。沌 沌 兮。俗 人 昭 昭。我 獨 昏 昏 。俗 人 察 察 。我 獨 悶 悶 – Lão Tử, chương XX). Dĩ nhiên phương cách làm cho tâm ngu độn lại cũng không phải là cố ý, nhân vi mà là hồn nhiên như không làm; phải “vô ý” trong khi không để trí tới một vật gì. Lại phải làm cho tâm không dừng lại ở bất kỳ một động hình nào cả – cái trạng thái gọi là “thành” ấy là một dạng thức đã được định vị của tư tưởng, với nó tâm sẽ đóng cứng, không còn nhạy bén nữa, không chuyển sang được một dạng thức khác nữa, hẳn nhiên không thể thích nghi với mọi sự chuyển đổi mà hoàn toàn bất lực hoặc thiên vị.

Như vậy, so với triết học Hy Lạp thì triết học phương Đông mà cụ thể là triết học Trung Hoa tưởng chừng không thể gọi là triết học đúng nghĩa, nhìn bề ngoài nó không có đối tượng và cũng không có sự mạch lạc trong diễn từ để trình bày đối tượng. Nhưng kể cũng thật khó hiểu, chính khi được đặt vào một hoàn cảnh tâm thức khiến tư duy trở nên mông lung, không còn sắc bén, triết học phương Đông lại đạt đến cái mà triết học Hy Lạp cơ hồ không thể đạt đến, đó là sự tưởng tượng siêu thăng về vũ trụ ẩn chứa trong nó rất nhiều hạt nhân hợp lý, ngày càng được vật lý học chứng minh. Từ trong điều kiện của một tâm thế vô vi, tịch lặng và trống rỗng, không bị vướng vào trạng thái đã “thành” của tâm, nhà hiền triết lại có nhiều cơ hội tiếp thu được một nguồn sáng kỳ diệu, giúp cho sức mạnh của trực giác trong mình bừng dậy, và bỗng “ngộ” ra cái không thể nhìn thấy bằng tri giác thông thường. Triết học Hy Lạp từng nói nhiều về bản thể, cái thường tồn. Nhưng vốn bị gò bó trong những khái niệm cụ thể, triết gia Hy Lạp ít ai vượt ra khỏi sự tưởng tượng cái thường tồn trong khuôn hình của những cái cụ thể, như nước, lửa, không khí, nguyên tử (Anassagore, Anaximandre, Démocrite…), cùng lắm gọi bản thể là ý niệm như Platon thì tuy không phải là vật chất cũng vẫn là một phạm trù không xa lạ với tư duy… Tóm lại cái bản thể vũ trụ mà triết học Hy Lạp nói đến, dù rộng lớn đến đâu cũng chỉ nằm trong phạm vi thế giới tự nhiên mà tai mắt con người có thể cảm thấy, hoặc thế giới ý thức mà con người có thể luận ra. Trong khi đó, triết học phương Đông không bị cái cụ thể chi phối, cũng không bị cái trừu tượng của suy tưởng đẩy đến thuần túy siêu hình, đã với được tới một chiều kích vừa mơ hồ vừa thăm thẳm. Hãy nghe Lão Tử nói: “Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề liêu hề, độc lập bất cải. Chu hành nhi bất đãi. Khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết đạo. Cưỡng vi chi danh viết đại. Đại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản 有 物 混 成 。先 天 地 生 。寂 兮 寥 兮 。獨 立 不 改 。周 行 而 不 怠 。可 以 為 天 下 母 。吳 不 知 其 名 。字 之曰 道 。強 為 之 名 曰 大 。大 曰 逝 。逝 曰 遠 。遠 曰 反” – Lão tử chương 25). Tạm dịch: “Có một vật hỗn độn mà thành, sinh ra trước cả trời đất. Tịch mịch trống rỗng, một mình nó không thay đổi. Chu lưu cùng khắp không lười biếng. Xứng đáng làm mẹ của thiên hạ. Ta không biết nó là gì, đặt tên cho nó là Đạo, lại miễn cưỡng hình dung nó là: lớn, đi mãi, xa tắp, quay trở lại”. Từ trước tới nay, không biết bao nhiêu nhà tư tưởng đã phải đối mặt với câu nói tối tăm trên đây của Lão, và đưa ra vô số lời giải đoán, tạo nên nhiều trường phái đối lập nhau. Một xu hướng hiểu chữ “đạo” theo nghĩa gốc từ Hán là con đường và cho rằng Đạo của Lão Tử ở đây nhằm nói về quy luật vận động của vũ trụ. Hiểu theo cách đó chưa hẳn đã không hợp lý, nhưng ít nhất về chỗ đứng của người tìm hiểu, đã đi ra khỏi phạm trù triết học phương Đông. Bởi vì như đã nói, phương Đông cổ đại có từng hình thành nên một hệ thống khái niệm quy củ nào đâu. Tư duy phương Đông cũng coi khinh khái niệm, chống việc bám vào “danh”, vì danh là một dạng thức của chân lý đã định hình, đã thành, bám lấy nó thì tư duy không còn sáng suốt nữa. Ngay Lão Tử cũng đã lưu ý : “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh 道 可 道 。非 常 道 。名 可 名 。非 常 名” (Lão Tử chương 1). Tạm dịch: “Cái “đạo” mà có thể gọi tên là đạo thì đã là cái đạo không thường tồn; cái “tên” mà đã có thể gọi lên [bằng ngôn ngữ] thì đã là cái tên không thường tồn”. Phía sau một lời phủ định trống không, Lão Tử chừng như có ngụ ý chỉ trích cách hiểu Đạo chật hẹp và quá cụ thể của những học phái đang được đương thời sùng thượng, qua đó ông muốn minh định: kiến giải của riêng mình về Đạo mới đích thực vượt khỏi giới hạn bề ngoài của từ ngữ. Vậy hiểu Đạo là con đường là đã duy danh định nghĩa, trái với tinh thần Lão Tử. Dù có uyển chuyển đến mấy nó cũng đã đứng trên hệ quy chiếu của triết học phương Tây. Một xu hướng khác coi Đạo là phạm trù chỉ bản thể vũ trụ. Nhưng vì cũng chỉ đoán phỏng chứ không nắm được hàm nghĩa xác thực của chữ Đạo, xu hướng bản thể luận ngay từ bước khởi điểm đã bị phân rẽ, một phe cho Đạo của Lão là tâm, phe khác lại cho đấy là vật. Trong những người quy Lão Tử về tâm tức là duy tâm lại còn tách ra làm hai nhóm, nhóm trước nói Đạo là cái từ trong tâm mà ảo giác nên, nên Lão là duy tâm chủ quan, còn nhóm sau thì gán cho Lão cái tư tưởng hữu thần, Đạo của ông như một vị thần sáng thế và ông là duy tâm khách quan. Vân vân và vân vân. Ngày nay đem đối chiếu cặn kẽ từng lời của sách Lão Tử với tất cả các thuyết vừa dẫn, ta không thể không băn khoăn nghi ngờ trước những định luận từ bên ngoài áp vào cho ông, bởi chẳng ai tìm thấy một chỗ nào Lão Tử định nghĩa Đạo là bản thể vũ trụ, cũng chẳng một nơi nào ông nói Đạo là vật hay tâm. Quả như nhận xét của F. Julien, tư tưởng Trung Hoa cổ đại “không hề biết đến vấn đề bản thể và đến cả cái động từ của nó”2, và cũng từ sớm đã ly khai khỏi thần luận: “Ở Trung Quốc người ta sớm ưu tiên cho việc đặt ra quy trình cúng bái chứ không quan tâm mấy đến quyền năng của lời cầu nguyện; người ta quan tâm nhiều đến hình thức lễ nghi cúng bái, đến quy củ hơn là đến điều huyền bí của sự hiện tồn”3. Biết đâu những học giả quá sốt sắng định danh Lão là thế này thế khác cũng chỉ muốn mượn hệ quy chiếu của triết học hiện đại chủ yếu là chủ nghĩa duy vật biện chứng mong nắm bắt cho được một tín hiệu của ngôn bản Lão Đam, một cái gì nằm ngoài mọi giải đoán và cực kỳ khó nắm bắt. Đấy đều là những việc làm xuất phát từ lợi ích thực dụng, muốn “xếp loại” cho tư tưởng Lão Tử, hơn là đặt một giả thuyết làm việc nghiêm chỉnh.

Thế thì trong văn cảnh của nó, phải hiểu Đạo của Lão Tử thế nào? Hãy tạm phỏng đoán rằng vào thời của mình, đứng trước nhiều học thuyết khác nhau về Đạo, Lão Tử muốn dùng lại một từ vốn đã quen dùng đầu miệng các học thuyết nọ, nhưng không phải dùng theo nghĩa sáo mòn của họ, mà là để gợi lên một điều khác hẳn – gợi lên hình ảnh của một một phi vật thể mà ông mặc khải được, giữa lúc tất cả mọi học phái chưa ai có may mắn giác ngộ ra nó như ông. Phi vật thể đó có trước trời đất, là uyên nguyên của vũ trụ khi vũ trụ chưa hình thành. Nhưng vũ trụ ở đây không chỉ giới hạn trong phạm vi hệ mặt trời mà có thể còn rất rộng, nằm ngoài cả trời đất (tiên thiên địa sinh). Thêm vào đó, cái uyên nguyên không phải chỉ được hình dung ở thể chất tối sơ tối diệu, mà còn được xem xét ở phương thức tồn tại, ở các tiến trình biến hóa và cả ở điểm mút của sự chuyển hóa, sự “quy căn đáo để” của nó. Nghĩa là Đạo gồm thâu toàn bộ bản chất sinh diệt của vũ trụ. Để định dạng Đạo, Lão Tử đưa ra bốn phẩm ngữ: Đạo là vô – cái vô vĩnh cửu, là nhất – cái một vĩnh cửu, là động – cái động vĩnh cửu, và là phản – sự phản phục vĩnh cửu. “Vô” nghĩa là trống rỗng nhưng lại không phải hư vô mà hàm chứa cái hữu (Hữu vô tương sinh). Vô và hữu là hai mặt chuyển đổi nói lên sự nhiệm màu của Đạo trong bước hóa thân từ Đạo sang vũ trụ (Vô, danh thiên địa chi thủy; Hữu, danh vạn vật chi mẫu. Cố thường vô, dục dĩ quan kỳ diệu; thường hữu, dục dĩ quan kỳ kiểu 無 。名 天 地 之 始 。有 。名 萬 物 之 母 。故 常 無 。欲 以 觀 其 妙 。常 有 。欲 以 觀 其 徼 – Lão Tử chương 1). Liên hệ đến Einstein, hãy nhớ lại lý thuyết Big Bang chẳng cũng đã cho rằng vũ trụ vốn bắt nguồn từ một “khối vật chất Item” có kích thước bằng 0 mà khối lượng bằng vô cùng đấy sao? Và năm 1917, chỉ sau khi thuyết tương đối phổ quát ra đời một năm, chẳng phải William de Sitter nhà thiên văn Hà Lan đã khám phá ra một hệ quả hết sức khó hiểu từ phương trình trường của Einstein: vũ trụ ban đầu có thể trống rỗng không chứa một vật chất hấp dẫn nào cả? Có vẻ như thiên tài khoa học của thế kỷ XX bằng các công thức vật lý học đã đi đến cùng một đích với nhà Lão học sống trước mình 24 thế kỷ. Còn cái “Nhất” mà Lão Tử nói là tính toàn vẹn không thể thêm bớt của Đạo (giống như định luật bảo toàn năng lượng) chứ không phải nó chỉ nhất nhất có một. Trong cái một đã ẩn ngụ cả cái nhiều, và mối quan hệ giữa một và nhiều cũng là hệ quả của mối quan hệ giữa tĩnh và động. “Động” là phẩm chất tuyệt đối của Đạo nhưng trong động đã có tĩnh – khi hiểu Đạo là thường tồn thì nó tĩnh, còn khi nhìn nó dưới những hình thức tồn tại muôn vẻ thì nó động, nó mãi mãi sinh sôi nẩy nở: “Đạo sinh nhất; Nhất sinh nhị; Nhị sinh tam; Tam sinh vạn vật 道生 一 。一 生 二 。二 生 三 。三 生 萬 物” (Lão Tử chương 42). Ta lại nhớ đến trường hợp Einstein đã rơi vào “thế kẹt” sau khi người khác dùng thực nghiệm kiểm tra phương trình trường: ông muốn quy nó về một hệ vũ trụ tĩnh nhưng kết quả lại cho thấy nó chứng tỏ một vũ trụ không ngừng giãn nở buộc ông phải đưa thêm vào hằng số vũ trụ. Ngẫu nhiên mà gặp nhau hay có một năng lực thần bí nào mách bảo? Và “phản” chính là một đặc điểm bổ sung cho động, đánh dấu bước hoàn kết của một chu trình luân chuyển của Đạo trong vũ trụ: sự quay trở về lại chính nó, quay trở về cái khởi sinh4. Cứ theo các nguyên lý của Einstein mà đẩy tưởng tượng đi xa hơn, ta sẽ hình dung vũ trụ ra sao sau khi đã giãn nở gia tốc đến tột cùng, nếu chẳng phải là lại trở về với cái mênh mông hoang sơ của một con số không kỳ bí trước khi một vụ nổ Big Bang thứ hai lại sẽ xuất hiện? Lý thuyết Einstein và dẫn thân là lý thuyết vụ nổ Big Bang của cơ học lượng tử rõ ràng đã lấp ló trong nó chữ “phản” của Lão Tử.

Những chuyện trùng hợp kỳ quặc khó tin như thế còn tìm thấy ở khá nhiều phiến đoạn rời rạc khác trong cuốn sách Lão Tử, nhưng chúng tôi muốn bạn đọc quan tâm đến chương 14 sau đây như là một hướng trình bày mới của Lão về Đạo, bổ sung cho hướng chấm phá bằng hình ảnh mà ông đã làm – đó là hướng khơi gợi một đôi ẩn dụ thông qua cảm giác của chủ thể hay theo cách nói của triết học phương Tây là góc nhìn nhận thức luận: “Thị chi bất kiến danh viết di. Thính chi bất văn danh viết hy. Bác chi bất đắc danh viết vi. Thử tam giả bất khả trí cật, cố hỗn nhi vi nhất. Kỳ thượng bất kiểu, kỳ hạ bất muội, thằng thằng bất khả danh, phục quy vu vô vật. Thị vị vô trạng chi trạng, vô vật chi tượng, thị vị hốt hoảng. Nghênh chi bất kiến kỳ thủ, tùy chi bất kiến kỳ hậu. Chấp cổ chi đạo dĩ ngự kim chi hữu. Năng tri cổ thủy, thị vị đạo kỷ 視 之 不 見 名 曰 夷 。聽 之 不 聞 名 曰 希 。博 之 不 得 名 曰 微 。此 三者 不 可 致 詰 故 混 而 為 一 。其 上 不 皦 。其 下 不 昧 。繩 繩 不 可 名 。復 歸 於 無 物 。是 謂 無 狀 之 狀 。無 物 之象 。是 謂 惚 恍 。迎 之 不 見 其 首 。隨 之 不 見 其 後 。執 古 之 道 。以 御 今 之 有 能 知 古 始。是 謂 道 紀”. Tạm dịch: “Nhìn mà không thấy nên gọi là di. Nghe mà không thấu nên gọi là hy. Nắm mà không được nên gọi là vi. Ba cái đó [cũng chỉ là ước lệ nên] không thể căn vặn đến cùng được. Vì thế hỗn hợp lại thành một. Phía trên nó thì không sáng sủa. Phía dưới nó thì không tối tăm. Nó cứ triền miên không dứt, không thể gọi tên được, cuối cùng lại quay trở về chỗ trống không, không có vật gì cả. Đó là thể trạng mà không có thể trạng, là hình tượng mà không có hình tượng. Do đó gọi nó là chập chờn. Đón nó thì không thấy đầu nó ở đâu. Theo nó thì không thấy đuôi nó ở đâu. Hãy nắm cho được cái Đạo của thời tối cổ ấy để chế ngự cái Hữu hôm nay. Khi đã có năng lực để tri giác về cái khởi đầu từ ngàn xưa thì mới gọi đó là dường mối của Đạo”. Ít nhất phải thừa nhận đây quả là cách trình bày rất đặc trưng cho tư duy phương Đông: mường tượng cái không nhìn thấy bằng chính cái không nhìn thấy, gợi cảm giác về những điều cảm giác không thể nói rõ. Tất cả mọi nỗ lực vượt khỏi “vô minh” mà ta đọc thấy trong lời lẽ của người trình bày cũng nói lên một sự thực: Đạo thật tình chỉ mới là một linh cảm mẫn nhuệ từ nơi trực giác sâu thẳm của vị tổ sư Lão học chứ chưa bao giờ hiện hữu. Sự bất lực của ngôn ngữ để diễn tả Đạo cũng là điều chẳng có gì lạ. Khỏi phải nói, nếu các nhà triết học thế kỷ XX đã bắt buộc liên hệ Đạo với những khái niệm có gốc rễ từ Hy Lạp như “bản thể” hay “quy luật” giúp nhận thức bớt phần lúng túng thì cũng là tình thế bất khả kháng. Chỉ có điều các khái niệm “bản thể” hay “quy luật” dùng ở đây, nói như Lão Tử đều là “miễn cưỡng”, nên rất cần được quan niệm theo hướng mở chứ không đóng, thì mới tương thích nhiều ít với Đạo là một thực tồn rộng lớn không cái gì của thế gian có thể so sánh, cũng là một tổng hợp của mọi điều huyền diệu nằm ngoài hết thảy tưởng tượng của thế gian. Muốn thấu tỏ được Đạo không có cách nào hơn là sự thấu thị huyền nhiệm của tâm linh (Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn 玄 之 又 玄 。眾 妙 之 門 – Lão Tử chương 1). Tuy thế, tâm linh huyền nhiệm vẫn không phải là dấu hiệu hữu thần, do chỗ giữa cái huyền bí và cái thông tỏ, cái chưa biết và cái biết ở Đạo vốn có một quan hệ nội tại khăng khít (Đạo chi vi vật, duy hoảng duy hốt. Hốt hề hoảng hề, kỳ trung hữu tượng. Hoảng hề hốt hề, kỳ trung hữu vật 道 之 為 物 。惟 恍 惟 惚 。惚 兮 恍 兮 。其 中 有 象 。恍 兮 惚 兮 。其 中 有 物 – Lão Tử chương 21). Quan hệ đó diễn ra ở tầm vĩ mô theo hai chiều hướng: động – chuyển hóa từ vô sang hữu (Hữu sinh ư vô); và phản – chuyển hóa trở lại từ hữu sang vô (Phục quy ư vô vật). “Phản giả, Đạo chi động 反 者 。道 之 動”, phản chính là sự tiếp tục những vận động nội tại của Đạo dưới một biến thái mới để chuẩn bị cho một tiến trình đa hóa khác lại sẽ khởi đầu.

Rút lại, qua cái mô hình được phác vẽ một cách lan man và đứt nối theo kiểu trận đồ bát quái của một con người sống trước chúng ta đến mấy nghìn năm, mở đầu cho một trường phái minh triết Trung Hoa nổi tiếng, thiết tưởng một câu hỏi đã đến lúc phải đặt ra mạnh bạo và dứt khoát hơn: tại sao không thể xem Đạo của Lão Tử là dự báo sáng suốt về cõi thiên hà muôn hình vạn trạng đang vận động với quy luật giãn nở gia tốc mà vũ trụ học hiện đại đã và đang tìm ra cách nhận dạng? Chắc chắn dự báo của Lão Tử có nhiều mặt thô sơ, ấu trĩ đến buồn cười, nhưng xét từ bản chất, nó chứa nhiều ẩn số gần gũi với thuyết tương đối của Einstein biết bao! Nó cũng đâu có gì giống với thần học, đâu có gì giống với các thứ chủ nghĩa duy tâm hay chủ nghĩa duy vật mà con mắt “chủ biệt” của chúng ta rất sành phân chia “trận tuyến” bằng lăng kính “tâm/vật” cố gò vào đấy? Tôi nghĩ, Lão Tử là một chỗ đứng riêng trong triết học phương Đông chưa có tiền lệ.

Nhưng nếu đối chiếu Lão Tử với một vài triết thuyết khác, cũng của phương Đông, ví như Phật giáo, thì ta lại cảm thấy Lão Tử không phải là một hiện tượng đơn độc. Thực tế có khi Phật giáo nguyên thủy từng bàn về vũ trụ từ trước cả thời Lão Tử, cho đến khi truyền sang Trung Quốc đã phát triển thành một hệ thống hoàn chỉnh, mà đem so với Lão học lại có không ít những điểm tương đồng. Phật giáo nói tới “Tam thiên đại thiên thế giới” hay nói đến “Hà sa cảnh giới” là nói đến một con số phiếm chỉ, nhiều đến mức khủng khiếp của những “cõi trời” khác nhau trong vũ trụ mênh mông, không sao tính xuể – số lượng của nó ngang với cát sông Hằng. Thế giới trần gian chỉ là một Tiểu thế giới, hợp một nghìn Tiểu thế giới lại mới gọi là một Tiểu thiên thế giới. Hợp một nghìn Tiểu thiên thế giới lại mới là một Trung thiên thế giới. Hợp một nghìn Trung thiên thế giới lại mới là một Đại thiên thế giới. Thế mà ở đây lại là ba nghìn Đại thiên thế giới. Mấy chữ “Tam thiên đại thiên thế giới” hẳn từ lâu đã lướt qua trí óc vô số người trong chúng ta mà chẳng mấy khi để lại một dấu ấn, là vì tầm mắt chúng ta bị vướng vào cái nhìn thế tục, không lường nổi tầm thước vũ trụ của những thông báo cô đọng nói trên. Phật đã tưởng tượng thấy sự tạo thành hệ thống thiên hà còn bao la hơn rất nhiều hệ thái dương mà con người nhìn thấy, trong đó những “cõi trời” chưa biết đến là cả một con số khổng lồ. Còn về mặt khởi nguyên, để giải thích từ đâu “Tam thiên đại thiên thế giới” sinh ra, sách Ca giả áo nghĩa thư 歌 者 奧 義 書, một bộ sách cổ của Phật giáo Ấn Độ được dịch sang tiếng Trung Quốc từ rất sớm đã chép: “Thái sơ chi thời, thế giới vi hữu, duy nhất vô nhị…. Thái sơ chi thời thế giới vi vô, duy nhất vô nhị, do vô sinh hữu 太 初 之 時 。世 界 為 有 。惟 一 無 二 。。。。太 初 之 時 。世 界 為 無 。 惟 一 無二 。猶 無 生 有”. Tạm dịch: “Vào thời Thái sơ, thế giới là hữu, có một không hai… Vào thời Thái sơ, thế giới là vô, có một không hai, từ vô sinh hữu”. Không khác với Lão Tử, Phật giáo cũng thừa nhận vai trò đối lưu ảo diệu của hai phạm trù “vô” và “hữu” trong cuộc “hoài thai” kỳ vĩ bậc nhất ấy, tuy cái đích cuối cùng Phật nhắm tới vẫn là “vô”. Nào chỉ có thế. Phật còn nói đến “kiếp” như những chu trình hết sức lâu dài của sự chuyển hóa, bao quát hàng tỷ tỷ năm của thế gian, ở đó vũ trụ chuyển lưu qua bốn thời kỳ từ thành (có hình dáng), trụ (đứng vững), hoại (tan vỡ) đến không (trống không), và chu trình ấy cứ lặp đi lặp lại trong vô lượng kiếp, một số lượng cũng không thể nào đếm hết được. Từ trong những “kiếp” xa xưa đã ra đời những vị Phật Quá Khứ, đến “kiếp” này mới xuất hiện vị Phật Hiện Tại là Phật Thích Ca. Rồi đến những “kiếp” sau thì chắc chắn lại có mặt những vị Phật vị Lai. Chủ thuyết luân hồi của nhà Phật hiểu cho cặn kẽ thực đã không còn bó hẹp trong phạm vi thế giới hữu tình. Luân hồi gần như một hằng số chung dành cho toàn cõi thiên hà. Đủ thấy, có một sự đồng dạng lạ lùng giữa nhãn quan của Phật và Lão trong tầm nhìn siêu thế giới, tuy một bên đưa ra những con số gây chấn động về tâm lý còn một bên chỉ là những liên tưởng thấp thoáng, mù mờ. Nhân tố nào đã dẫn đến sự gần gũi trong tiềm năng nhận thức giữa hai trường phái tư tưởng cổ đại phương Đông kia? Chúng tôi lại muốn lưu ý ở đây một đặc điểm giống nhau về phương diện tư duy: cả hai học thuyết đều không hề cột chặt mình vào cái tuyệt đối mà luôn luôn năng động trên cái tương đối. Đó là mặt ưu trội hiếm có của tâm thức phương Đông có khả năng đối trọng với cỗ xe Tam cương ngũ thường rất duy lý của Nho giáo từng thống ngự đời sống tinh thần tư tưởng suốt mấy nghìn năm.

3. Chương 2 sách Lão Tử viết: “Thiên hạ giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ. Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành, trường đoản tương giao, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương tùy 天 下 皆 知 美 之 為 美 斯 惡 已 。皆 知 善 之 為 善 斯 不 善 已 。故 有 無 相 生。 難 易 相 成 。長 短 較 。高 下 相 傾 。音 聲 相 和 。前 後 相 隨”. Tạm dịch: “Thiên hạ đều biết đẹp là đẹp thì đã là xấu rồi, đều biết thiện là thiện thì đã là bất thiện rồi. Cho nên hữu và vô sinh ra nhau, khó và dễ hoàn thành nhau, dài và ngắn kế tiếp nhau, cao và thấp nghiêng đổ nhau, âm và thanh hòa với nhau, trước và sau theo liền nhau”. Hãy cứ dùng con mắt duy vật biện chứng mà suy, thì đây phải là một phát kiến hệ trọng của Lão Tử về sự tồn tại và chuyển hóa lẫn nhau giữa hai mặt đối lập ngay trong cùng một sự vật. Chương 58 sách Lão Tử còn viết “Phúc hề họa chi sở ỷ, họa hề phúc chi sở bặc 福兮 禍 之 所 倚 。禍 兮 福 之 所 伏” – Phúc là chỗ dựa của họa, họa là chỗ ẩn náu của phúc. Hai mặt mâu thuẫn mai phục ở trong nhau, không có gì đúng hơn thế nữa! Nhưng cũng không loại trừ một cách hiểu thứ hai, rằng Lão Tử muốn nhắc ta: mọi cái khác biệt vốn dĩ là tương đối, tách riêng chúng ra và xác quyết một chiều về chúng mà không đặt chúng trong những liên hệ, đối sánh, chưa phải là ý tưởng thích hợp. Cũng như: “Dụy chi dữ a tương khứ kỷ hà? Thiện chi dữ ác tương khứ nhược hà? 唯 之 與 阿 。相 去 幾 何 。善 之 與 惡 。相 去 若 何” (Lão Tử chương 20) – nhìn theo tri thức thông tục thì “ừ” và “hứ” là hai phản ứng đối nghịch, “thiện” và “ác” cũng là hai hành vi đạo đức không dung nạp nhau, nhưng đặt trong tầm vóc Đạo của bậc triết nhân, những mặt trái ngược giữa chúng đều trở nên vô nghĩa, sự cách biệt không còn đáng kể, chúng là đồng nhất mà thôi. Thế thì “Khúc tắc toàn, uổng tắc trực, oa tắc doanh, tệ tắc tân 曲 則 全 。枉 則 直 。窪 則 盈 。敝 則 新” (Lão Tử chương 22) – gãy thì tròn, cong thì thẳng, trũng thì cao, cũ thì mới… sự vật luôn luôn tự nó đổi thay để trở về với Đạo, theo đó tâm thế nhìn nhận sự vật cũng phải thấu thị mọi sự thay đổi để tri thức không rơi vào phiến diện. Dưới con mắt Lão Tử những hiểu biết vừa vặn với lý trí chỉ là hiểu biết chết, không bắt kịp sự vật đang vận động. Lần đầu tiên các phép tắc được xem là “thiên kinh địa nghĩa” – bền vững muôn đời – của nhiều vị thánh nhân thời cổ mà nhà cầm quyền các thời đại vẫn lấy làm chuẩn mực trị nước bị giáng một đòn rất nặng.

Đối với Phật giáo, tư duy tương đối xem ra còn được vận dụng một cách cao thâm hơn. Ta đều biết theo quan niệm nhà Phật, hai phạm trù cơ bản biểu thị hai trạng huống “vô” và “hữu” của mọi cảnh giới quanh mình là “không” và “sắc”. Nhưng cũng giống như “vô” và “hữu” không thể tách khỏi nhau ngay từ thuở khai sáng vũ trụ (Thiên “Hữu vô ca” trong kinh Vệ đà – Rigveda chép: “Hữu ký phi hữu, vô diệc phi hữu 有 旣 非 有 。無 亦 非 有”5: Hữu đã không phải là hữu, vô cũng không phải là hữu), khi nói “không” và “sắc” cũng không hề có nghĩa đấy phải là hai. Bát nhã tâm kinh viết: “Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không không tức thị sắc 色 不 易 空 。空 不 易 色 。色 即 是 空 。空 即 是 色” (Sắc không khác với không, không không khác với sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc). Nếu cứ nhất thiết khu biệt “không” và “sắc” thành hai tức đã rơi vào “nhị kiến”, là cái nhìn chấp trước của những ai chưa ngộ đạo, nó sẽ trói buộc tâm trí người ta trong vòng luẩn quẩn của sự u tối và không thể nào giải thoát được – không đạt được đến chỗ xóa bỏ ngã kiến để đồng nhất mình với cái tâm tịch lặng của trời đất. Cho nên Phật đề xuất “phá chấp”, “tiêu trừ nhị kiến”, đòi hỏi dẹp bỏ mọi sự phân chia cứng nhắc giữa sinh-diệt, chân-vọng, thiện-ác, chính-tà, hạnh phúc-khổ đau, thậm chí giữa sinh tử và Niết bàn… Phật còn chủ trương “vô ngã”, xem cứu cánh tối hậu của vũ trụ chỉ là những năng lượng tự tính của chân tâm chứ tuyệt không có gì cả, giống y như việc bắn phá một hạt nhân nguyên tử cho đến cùng cũng sẽ giải phóng ra một năng lượng nào đấy mà không còn tìm thấy đâu cái gọi là vật chất nữa. Tinh thần phá chấp chính là nền tảng của chủ nghĩa nhân bản Phật giáo, không những làm mềm mại hẳn giáo lý nhà Phật, dẫn đến sự nẩy sinh những hệ phái có ý nghĩa cách mạng như Thiền tông, mà còn tạo nên một bầu không khí bình đẳng, bác ái, hướng thiện trong sinh hoạt tín ngưỡng cũng như trong cuộc sống hàng ngày, là nguồn sức mạnh vô hình lớn lao nâng đỡ chúng sinh vượt qua mọi bất hạnh chồng chất của đêm dài trung cổ.

Ngoài Lão Tử và Phật giáo, cũng cần phải nói đến Trang Chu, một học trò xuất sắc của Lão ở thời Chiến quốc, đã triển khai Lão học thành một học phái mới, đặc biệt đưa cảm hứng tương đối luận đi đến một chặng mốc rất xa. Không làm như triết học Hy Lạp và Danh gia học phái là phân loại sự vật theo thuộc tính, Trang Tử đặt tất cả trong một thông số và đưa ra những đối sánh “cắc cớ” khiến cho mọi tiêu chí về cái đúng cái sai không còn biết đằng nào mà lần. Trong thiên “Tề vật luận” sách Trang Tử ông xây dựng luận điểm: vạn vật là như nhau, dựa trên lý do mọi so sánh đều chỉ là rất tương đối. Nói về lớn nhỏ thì mảy lông mùa thu so với những vật cực nhỏ đã là vô cùng lớn, trái lại so với những vật cực lớn thì núi Thái Sơn vẫn chẳng thấm vào đâu. Nói về thọ yểu thì đứa bé chết yểu so với những thai nhi chết yểu là thọ lắm rồi, trái lại so với những loài sống đến hàng nghìn năm như con rùa hay cây “xuân” thì ông Bành Tổ lại là người chết yểu. Nói về sở thích ăn ở thì loài người ăn thịt dê thịt bò thịt lợn lấy đó làm ngon, nhưng loài hươu nai lại cho ngon là lá cây lá cỏ. Loài người ở trong chỗ ẩm thấp thì không chịu nổi trong khi con lươn lại lấy chỗ ẩm thấp làm chỗ ở lý tưởng của mình. Loài người phải sống trên cây thì run trong khi con khỉ coi chỗ ở trên cây là nơi tốt nhất. Nói về đẹp xấu thì loài người khen Mao Tường, Lệ Cơ là tuyệt đẹp trong khi hươu nai nhìn thấy họ lại chạy xa, chim chóc nhìn thấy họ đều bay mất. Tiếp thu quan điểm “vận động” của Lão Tử, Trang Tử cũng xem xét sự vật ở mặt biến thiên và chỉ ra giữa thời này và thời khác, tiêu chí về tốt xấu, thật giả không còn đồng nhất. Nàng Lệ Cơ vừa phải xa cha mẹ về nhà chồng thì khóc sướt mướt song đến khi về với vua Hiến Công nước Tấn, được nếm cao lương mỹ vị lại thấy chuyện khóc lóc ngày trước là sai lầm. Bầy khỉ của một ông già lần đầu cho ăn “sáng bốn chiều ba” thì kêu gào, lần sau cho ăn “sáng ba chiều bốn” thì vui thích. Trang Tử còn nhận thấy ý nghĩa tương đối của vạn vật đặt trong những không gian khác biệt nhau. Con chim bằng to lớn ở biển Bắc bay lên chín vạn dặm rồi băng mình về biển Nam, cảm thấy trời xanh là rộng lớn, nhưng con chim cút ở trong đầm lại cười chê nó, vì đối với cút bầu trời cao vài nhận và đám cỏ bồng cỏ cảo quanh đầm nước đã làm nó thấy cao rộng lắm rồi. Cuối cùng Trang Tử đi đến: coi “sống ngang với chết, chết ngang với sống” (Phương sinh phương tử, phương tử phương sinh 方 生 方 死 。方 死 方 生); tỉnh ngang với mộng, mộng ngang với tỉnh (Khổng Khâu khi giảng đạo lý là nằm mộng, Cô Thước Tử khi nhắc lời Khổng Khâu là nằm mộng, mà Trường Ngô Tử khi bảo hai người đó nằm mộng thì chính mình cũng nằm mộng nốt – Khâu dã dữ nhữ giai mộng dã, dư vị nhữ mộng diệc mộng dã 丘 也 與 汝 皆 夢 也 。予 謂 汝 夢 亦 夢 也); “không có vật nào không phải là vật khác, không có vật nào không phải là vật này” (Vật vô phi bỉ, vật vô phi thị 物 無 非 彼 。物 無 非 是); “cái kia là từ cái này mà ra, cái này cũng từ cái kia mà có” (Bỉ xuất ư thị, thị diệc nhân bỉ 彼 出 於 是 。是 亦 因 彼); “cái có thể cũng ngang với cái không thể, cái không thể cũng ngang với cái có thể” (Phương khả phương bất khả, phương bất khả phương khả 方 可 方 不 可 。方 不 可 方 可). Mấu chốt đáng nói trong kiến giải của Trang là ông muốn cởi bỏ cho con người cái lầm lẫn tệ hại của ý thức “sai biệt”, là nguồn gốc bao nhiêu khổ đau của nhân loại khi phải liên miên khắc phục một vế – vế “ác” vế “xấu” để bảo tồn một vế – vế “thiện” vế “hay”. Ông nói: “Dựa vào chỗ lớn để nói rằng lớn thì không vật nào là không lớn, dựa vào chỗ nhỏ để nói rằng nhỏ thì không vật nào là không nhỏ” (Nhân kỳ sở đại nhi đại chi tắc vạn vật mạc bất đại, nhân kỳ sở tiểu nhi tiểu chi tắc vạn vật mạc bất tiểu 因 其 所 大 而 大 之 則 萬 物 莫 不 大 。因 其 所 小 而 小 之 則 萬 物 莫 不 小); “Dựa vào chỗ hữu dụng để nói rằng hữu dụng thì không vật nào là không hữu dụng, dựa vào chỗ vô dụng để nói rằng vô dụng thì không vật nào là không vô dụng” (Nhân kỳ sở hữu nhi hữu chi tắc vạn vật mạc hữu, nhân kỳ sở vô nhi vô chi tắc vạn vật mạc vô 因 其 所 有 而 有 之 則 萬 物 莫 有 。因 其 所 無 而 無 之 則 萬 物 莫 無); “Dựa vào chỗ phải mà nói rằng phải thì không vật nào là không phải, dựa vào chỗ trái mà nói rằng trái thì không vật nào là không trái” (Nhân kỳ sở nhiên nhi nhiên chi tắc vạn vật mạc bất nhiên, nhân kỳ sở phi nhi phi chi tắc vạn vật mạc bất phi 因 其 所 然 而 然 之 則 萬 物 莫 不 然 。因 其 所 非 而 非 之 則 萬 物 莫 不 非)6.

Nếu chỉ luận giải trên câu chữ, ta có thể ngờ tư tưởng Trang Tử đã có chiều mấp mé ranh giới một dạng phát ngôn hoài nghi chủ nghĩa trộn lẫn với tương đối chủ nghĩa. Tuy nhiên, F. Julien nghiền ngẫm kỹ văn bản Trang Tử, đã tìm cách đính chính giúp ông7. Nguyễn Hiến Lê, một trong những người dịch Trang Tử có tiếng ở Việt Nam cũng biện hộ cho ông8 . Quan điểm tương đối của Trang sở dĩ không rơi vào chủ nghĩa hoài nghi và cũng “khéo léo vượt qua” chủ nghĩa tương đối vì chính ra ông vẫn không cực đoan hóa “cái một”, không hoàn toàn quy mọi khác biệt về một. Vốn rất ghét mấy nhà “hữu vi” như Nho và Mặc bày ra nào pháp độ, nào lễ tín, ghét cuộc chiến tranh khốc liệt giữa các chư hầu trong thời Chiến quốc đặt ách áp bức của dân tộc này lên dân tộc khác khiến tự do của con người mất đi, song ông vẫn đủ tỉnh táo để thấy đâu là chừng mực hợp lý của những yêu cầu “tuyệt nhân nghĩa”, “thỏa tiêu dao”… Theo F. Julien, ngay trong thiên “Tề vật luận”, khi Trang nói đến “cái một” như kết quả quy đồng giữa ta và khách thể (mọi vật đều giống nhau) tức là đã thêm vào “cái một” được Trang nhận thức, vậy đã là hai chứ không phải một. Và từ hai hợp với “cái một” ban đầu – khi chưa quy đồng – thì đã thành ba9 . Còn theo Nguyễn Hiến Lê cũng dẫn xuất từ thiên “Tề vật luận”, thì Trang Tử tuy biết “thị-phi” vốn đích thực không phải hai, vẫn chủ trương “dung hòa nó, lấy “thị-phi” để làm tốt đẹp mối quân bình tự nhiên, đó gọi là lưỡng hành” (Thị dĩ thánh nhân hòa chi dĩ thị phi nhi hưu hồ thiên quân, thị chi vị lưỡng hành 是 以 聖 人 和 之 以 是 非 而 庥 乎 天 均 。是 之 謂 兩 行)10. Rốt cuộc “thị-phi” cũng không nhất thiết là một.

4. Với sự xuất hiện học phái Lão học của Lão Tử và Trang Tử và với sự du nhập Phật giáo từ Ấn Độ sang Trung Hoa, bộ mặt tư tưởng phương Đông mất đi màu sắc đơn điệu, một chiều vốn có, trở nên đa dạng, năng động, dồi dào sinh lực hơn. Lão Trang như một nghịch lý sống động làm cho Khổng Mạnh lộ hết chỗ nhân vi cứng nhắc của họ. Triết học phương Đông không còn chỉ đóng khung trong các vấn đề thực tiễn: nhân sinh quan, chính trị luận… mà bắt đầu đề cập một vấn đề rất cốt lõi là vũ trụ quan, xoay quanh nó có hai cái đích mà bao nhiêu thế hệ triết gia âm thầm hướng tới: vũ trụ tự nhiên và vũ trụ tâm linh. Lão học và sau này là Huyền học đã góp phần đưa con người trở về với thiên nhiên, tắm mình trong trạng thái hồn toàn, giải phóng con người khỏi rất nhiều vòng vây lễ nghĩa cứng nhắc, biến con người-chức năng hay con người-phận vị thành con người-tự do tự tại.

Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp,
Trong thú yên hà cuộc tỉnh say.

(Nguyễn Công Trứ)

Lần đầu tiên ở phương Đông, với Lão học, những phẩm chất nội tại của con người được đề cao, con người biết vui sống cái bản năng sống của mình, biết hưởng cái quyền được làm đúng với sở thích của mình.

Còn Phật giáo thì mở lối cho con người đi tìm cái tâm thanh tịnh, đắm vào những giây phút trầm mặc siêu hình để lấy lại sự cân bằng tâm trí, không còn bị các loại “giả tướng” sống-chết, phải-trái, có-không, buồn-vui, sướng-khổ… lục đục tranh chấp hành hạ thân xác, nhờ đó đạt tới trạng thái thăng hoa, xuất thần. Thời gian và không gian không còn tồn tại nữa trong tâm ý con người đắc đạo:

Tạc dạ nguyệt minh, kim dạ nguyệt,
Tân niên hoa phát, cố niên hoa.
Tam sinh thúc hốt chân phong chúc,
Cửu giới tuần hoàn thị nghĩ ma.

(Đốn tỉnh-Chợt tỉnh)

Trăng rọi tối nay: trăng tối trước,
Hoa cười năm mới: hoa năm qua.
Ba sinh gió thổi: đuốc lòe tắt,
Chín cõi cối vần: kiến nhẩn nha.

(Chúng tôi tạm dịch)

Bài thơ trên là của Trần Tung (1230-1291), một nhà Phật học uyên bác thời Trần cũng là một nhà thơ xuất sắc. Trần Tung đã ghi lại thần tình nguồn cảm hứng “nhập Thiền” của ông – một sự thảnh thơi tâm trí được nâng cấp dần dần:

Tằng vi vật dục dịch lao khu,
Bài lạc trần hiêu, thế ngoại du.

Tát thủ na biên, siêu Phật tổ,
Nhất hồi đẩu tẩu, nhất hồi hưu.

(Xuất trần-Thoát trần)

Vật dục hành cho xác mệt nhoài,
Ruổi rong thoát quách chốn trần ai.
Buông tay sang đấy ta siêu Phật,
Mỗi lúc vươn mình: lúc nghỉ ngơi.

(Chúng tôi tạm dịch)

Trong trường kỳ lịch sử chuyên chế phương Đông, Nho giáo sớm giành được vị trí độc chuyên, tầng lớp sĩ phu rường cột của chế độ quân chủ đều xuất thân cửa Khổng sân Trình, song có một hiện tượng lý thú là nhà nho dù ở thời đại nào cũng vậy, không mấy khi trung thành với chỉ một hệ tư tưởng Nho giáo. Họ vừa là tín đồ của Khổng Phu tử cũng vừa là tín đồ của Phật Lão. Nho giáo cung cấp cho họ những phương châm hành xử để làm một người kinh bang tế thế, còn Phật Lão lại là chỗ dựa để họ thoát khỏi gánh nặng của con người chức phận, hòa nhập vào thiên nhiên, tìm thú vui tiêu sái, giải thoát mọi phiền muộn của cuộc đời bể khổ, trở lại sự tự do, trở lại là mình.

5. Ý nghĩa của cuộc đấu tranh phát huy tương đối luận và giải lý tính Nho giáo của các trào lưu Lão học và Phật học còn để lại nhiều kinh nghiệm quý giá cho chúng ta hôm nay, trong yêu cầu kiếm tìm một mẫu số chung của thời buổi toàn cầu hóa, thời buổi thiên nhiên bị xâm hại đến cùng kiệt, thời buổi bài toán “tự do và tăng trưởng” đang chưa có đáp số cuối cùng. Chúng ta đã từng rút được không ít bài học thấm thía về sự cả tin vào ý chí của một thời vốn được mệnh danh là “thời đại cách mạng lay trời chuyển đất”, cả tin vào lẽ phải của lý trí, khi ta mơ ước chân thành mà cũng có phần nông nổi về lý tưởng tối hậu của cuộc đấu tranh giai cấp giữa giàu và nghèo là cốt triệt đi một vế – vế xấu xa, vế của sự giàu sang – để vế nghèo cũng được xóa bỏ, cuộc đời xung quanh ta sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng kết cuộc lại không hẳn đã như ta nghĩ. Cái giàu bị tiêu diệt nào ngờ cái nghèo càng nghèo thêm. Lịch sử xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta trong mấy thập niên 50-80 thế kỷ XX đã cho thấy, sau cải cách ruộng đất tiêu diệt giai cấp địa chủ từ 1053-1955 và sau cải tạo công thương nghiệp ở thành thị đánh sập giai cấp tư sản khoảng 1958-1962, năng suất xã hội không cao hơn mà ngày càng tuột dốc, hàng hóa khan hiếm phải “xếp hàng cả ngày”, đời sống nhân dân lâm vào quẫn bách, bị chế độ tem phiếu dồn đến thế cùng. Xin thử chiêm nghiệm lại Lão Trang, phải đâu hai bậc hiền triết Trung Hoa chỉ trưng dẫn một câu châm ngôn duy nhất: giàu nghèo mai phục ở trong nhau; họ còn nhắc nhở ta trong nhiều ngụ ngôn thâm thúy khác: giàu không phải có mặt bất thiện của giàu mà có cả mặt thiện của giàu, nó có thể cứu rỗi cái nghèo. Và xin thử chiêm nghiệm lại Phật giáo: miễn là “tức lự” thì kẻ sát sinh vẫn cứ thành Phật. Người chỉ quen duy lý chắc rất khó nhìn ra tiềm năng “thành Phật” của kẻ sát sinh. Vấn đề là cần làm sao kịp thời thức tỉnh, đừng biến mình thành nạn nhân của trò chơi lý trí – một kiểu trò chơi ú tim. Lý trí là mặt sáng mà giải lý trí là mặt tối, nhưng mặt sáng nhiều khi là ảo còn mặt tối mới chứa đựng sự thực, cái sự thực của những viên kim cương nằm sâu trong lòng đá. Từ gần hai thế kỷ nay, biết bao định hướng nạm vàng bằng “lý trí thông thái”, Tây cũng như Đông, đã lần lượt làm đá lát đường dẫn con người… xuống địa ngục. Giới hạn trong nhiều cảnh ngộ “đắt giá” mà chúng ta từng là người trong cuộc, liệu diễn dịch và quy nạp thật đúng logique kể cả logique biện chứng, có giải quyết được gì chăng? Tạm lấy một ví dụ ngẫu nhiên và hơi thô thiển trong sự kiện cải cách ruộng đất mà ở trên ta vừa nhắc: trước những chuyện đau lòng về mặt đạo lý như “đấu cha tố mẹ” cách đây hơn 50 năm, logique hình thức – và ngay cả logique biện chứng được trang bị bài bản trong đầu óc những bậc cầm chịch lúc bấy giờ – nào có đủ sáng suốt để cảnh báo một đáp án sai? Hoàn toàn không. Duy lương thức của chữ “tâm” bảo lưu từ Phật Lão và cả Khổng nữa mới giúp tìm thấy đích thực nghiệm số sai hay đúng. Biện chứng Phật Lão không rạch ròi, quy củ được như biện chứng Hegel và biện chứng của Marx, điều đó thì đã hẳn. Ấy thế mà hạt nhân hợp lý của nó lại có một sự ứng hợp khá cao trong đời sống tự nhiên và xã hội, khiến ngay nhiều nhà khoa học phương Tây trong đó có Einstein cũng từng rất xem trọng.

Đã đành, từ bỏ duy lý cổ điển, bao hàm cả duy lý mác-xít không phải là từ bỏ thực nghiệm khoa học, cũng không phải là từ bỏ chủ nghĩa Mác như một triết thuyết. Trái lại khoa học loài người đang phát triển như vũ bão vẫn cần và càng rất cần duy lý, miễn đó là duy lý hiện đại, một thứ duy lý không đông cứng trong hai đáp số sai và đúng theo cách nghĩ “cái gì hợp với lý trí thì tồn tại”. Và chủ nghĩa Mác vẫn cần cho tư duy con người như mọi học thuyết triết học khác của nhân loại, miễn không biến nó thành một học thuyết chính trị xã hội độc tôn với những công thức “bao giờ cũng đúng” như vô sản chuyên chính, đấu tranh giai cấp bằng bạo lực cách mạng… Con người chức năng trong xã hội mới cũng không phải là không còn đáng giá, miễn nó phải hài hòa với con người tự do, biết chủ động chuyển hóa thành con người tự do, không bị điều kiện hóa trong mọi thứ công thức từ trên dội xuống: “Ngang lưng thì thắt phương châm/Đầu đội chính sách tay cầm chủ trương/ Hai chân đứng vững lập trường…”. Xưa kia con người chức năng của nhà Nho đã tìm được ở Lão Trang và Phật giáo một liệu pháp cân bằng tâm thế và giảm đẳng gánh nặng chuyên chế trong tư tưởng, trong ý thức hệ. Từ mấy thập kỷ nay rồi con người chức năng xã hội chủ nghĩa vô tình hay cố ý cũng tự phát tìm đến một liệu pháp giảm đẳng gánh nặng tâm lý bằng hành vi tiêu cực: “nói vậy mà không phải vậy”. Không thể nói đấy là phương cách “giải lý tính” đúng nghĩa. Tuy nhiên, tự nó đã là một thách đố gay gắt đòi hỏi trước sau phải có lời giải.

25-VII-2005

Nguồn: Tham luận trong Hội thảo khoa học “Vật lý học hiện đại-Văn hóa và phát triển” do Tạp chí Tia sáng thuộc bộ Khoa học và công nghệ phối hợp với Ban sáng lập Trường đại học Phan Châu Trinh thuộc UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức tại Hội An vào hai ngày 31-7-2005 và 1-8-2005. Tác giả có bổ sung và sửa chữa.

(1) Từ đây trở xuống tất cả những chữ duy lý, lý tính dùng trong bài đều giới hạn trong phạm vi ngữ nghĩa chủ nghĩa duy lý cổ điển hay chủ nghĩa duy lý truyền thống.

(2) Một bậc minh triết thì vô ý. Nguyên Ngọc dịch. In trong Minh triết phương Đông và triết học phương Tây; Nxb. Đà Nẵng, 2004, tr. 637.

(3). Đại tượng vô hình. Trương Quang Đệ dịch; Nxb. Đà Nẵng, 2004, tr. 25.

(4) Có người giải thích “phản” là thuộc tính vận động chuyển hóa giữa các mặt đối lập. Chúng tôi không phủ nhận nội hàm chữ “phản” có thể mang trong nó cả cách hiểu ấy, nhưng trong mạch văn: “Cưỡng chi vi danh viết đại, đại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản” thì “phản” chủ yếu là quay trở lại.

(5) Chúng tôi không có nguyên bản kinh Rigveda bằng tiếng Phạn nên trích dẫn qua một bản dịch tiếng Hán.

(6) Trở lên các dẫn chứng đều rút từ Trang Tử, các thiên “Tiêu dao du”, “Tề vật luận” và “Thu thủy”.

(7) Xin xem Một bậc minh triết thì vô ý. Sđd, chương V và chương VI.

(8) Xin xem bản dịch Trang Tử; Nxb. Văn hóa, 1994, tr. 178-179.

(9) Mệnh đề này trích từ thiên “Tề vật luận”, rất khó hiểu, xin chú nguyên văn để bạn đọc tham khảo: “Thiên địa dữ ngã tịnh sinh nhi vạn vật dữ ngã vi nhất. Ký dĩ vi nhất hỹ, thả đắc hữu ngôn hồ? Ký dĩ vị chi nhất hỹ, thả đắc vô ngôn hồ? Nhất dữ ngôn vi nhị, nhị dữ nhất vi tam 天 地 與 我 并 生 而 萬 物 與 我 為 一 。旣 以 為 一 矣 。且 得 有 言 乎 。旣 以 謂 之 一 矣 。且 得 無 言 乎 。一 與 言 為二 。二 與 一 為 三”.

(10) Chúng tôi chỉ dẫn theo ý chứ không trích nguyên Nguyễn Hiến Lê, vì câu văn dịch của chúng tôi có khác Nguyễn Hiến Lê.

Văn bản tác giả đã bổ sung hoàn chỉnh nhất cho Vietsciences

Nguyễn Huệ Chi
Tháng 10/2007

© http://www.vietsciences.free.fr

Einstein Quotes – Tiếng nói Albert Einstein

Bình luận về bài viết này

ALBERT EINSTEIN    QUOTES

  1  *** A ***

“A hundred times every day I remind myself that my inner and outer life are based on the labors of others .”

“A human being is part of a whole, called by us the “Universe,” a part limited in time and space. He experiences himself, his thoughts and feelings, as something separated from the rest–a kind of optical delusion of his consciousness. This delusion is a kind of prison for us, restricting us to our personal desires and to affection for a few persons nearest us. Our task must be to free ourselves from this prison by widening our circles of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature in its beauty.”

“A man’s ethical behavior should be based effectually on sympathy, education, and social ties and needs; no religious basis is necessary. Man would indeed be in a poor way if he had to be restrained by fear of punishment and hope of reward after death.”
[Albert Einstein, “Religion and Science”, New York Times Magazine, 9 November 1930]

“A person starts to live when he can live outside himself.”

“A table, a chair, a bowl of fruit and a violin; what else does a man need to be happy?”

“All religions, arts and sciences are branches of the same tree. All these aspirations are directed toward ennobling man’s life, lifting it from the sphere of mere physical existence and leading the individual towards freedom.”

“Any intelligent fool can make things bigger, more complex, and more violent. It takes a touch of genius — and a lot of courage — to move in the opposite direction.”

“Anyone who has never made a mistake has never tried anything new.”

“As far as I’m concerned, I prefer silent vice to ostentatious virtue.”

“As far as the laws of mathematics refer to reality, they are not certain, as far as they are certain, they do not refer to reality.”

2   *** D – E – F – G – H ***

Do not worry about your problems with mathematics, I assure you mine are far greater.”

During the last century, and part of the one before, it was widely held that there was an unreconcilable conflict between knowledge and belief. The opinion prevailed amoung advanced minds that it was time that belief should be replaced increasingly by kn owledge; belief that did not itself rest on knowledge was superstition, and as such had to be opposed. According to this conception, the sole function of education was to open the way to thinking and knowing, and the school, as the outstanding organ for t he people’s education, must serve that end exclusively.”

Education is what remains after one has forgotten everything he learned in school.”

Einstein was attending a music salon in Germany before the second world war, with the violinist S. Suzuki. Two Japanese women played a German piece of music and a woman in the audience exclaimed: “How wonderful! It sounds so German!” Einstein responded: “Madam, people are all the same.”

Equations are more important to me, because politics is for the present, but an equation is something for eternity.”

Everything should be made as simple as possible, but not simpler.”

Few are those who see with their own eyes and feel with their own hearts.”
Few people are capable of expressing with equanimity opinions which differ from the prejudices of their social environment. Most people are even incapable of forming such opinions.”

God does not care about our mathematical difficulties. He integrates empirically.”
God does not play dice with the universe.”

Gravitation can not be held responsible for people falling in love”

Great spirits have always found violent opposition from mediocre minds. The latter cannot understand it when a man does not thoughtlessly submit to hereditary prejudices but honestly and courageously uses his intelligence.”

 Heroism on command, senseless violence, and all the loathsome nonsense that goes by the name of patriotism — how passionately I hate them!”

3   ***  I  ***

I cannot believe that God would choose to play dice with the universe.” or sometimes quoted as
I never think of the future. It comes soon enough.”
I am convinced that some political and social activities and practices of the Catholic organizations are detrimental and even dangerous for the community as a whole, here and everywhere. I mention here only the fight against birth control at a time when overpopulation in various countries has become a serious threat to the health of people and a grave obstacle to any attempt to organize peace on this planet.”
[ letter, 1954]

I am enough of an artist to draw freely upon my imagination. Imagination is more important than knowledge. Knowledge is limited. Imagination encircles the world.”

I cannot believe that God would choose to play dice with the universe.” or sometimes quoted as “God does not play dice with the universe.”

I cannot conceive of a God who rewards and punishes his creatures, or has a will of the kind that we experience in ourselves. Neither can I nor would I want to conceive of an individual that survives his physical death; let feeble souls, from fear or ab surd egoism, cherish such thoughts. I am satisfied with the mystery of the eternity of life and with the awareness and a glimpse of the marvelous structure of the existing world, together with the devoted striving to comprehend a portion, be it ever so tiny, of the Reason that manifests itself in nature.” [Albert Einstein,_The World as I See It_]

I cannot conceive of a personal God who would directly influence the actions of individuals, or would directly sit in judgment on creatures of his own creation. I cannot do this in spite of the fact that mechanistic causality has, to a certain extent, been placed in doubt by modern science. [He was speaking of Quantum Mechanics and the breaking down of determinism.] My religiosity consists in a humble admiratation of the infinitely superior spirit that reveals itself in the little that we, with our we ak and transitory understanding, can comprehend of reality. Morality is of the highest importance — but for us, not for God.” [Albert Einstein, from “Albert Einstein: The Human Side”, edited by Helen Dukas and Banesh Hoffman, Princeton University Press]

I cannot imagine a God who rewards and punishes the objects of his creation, whose purposes are modeled after our own — a God, in short, who is but a reflection of human frailty. Neither can I believe that the individual survives the death of his body, although feeble souls harbor such thoughts through fear or ridiculous egotisms.” [Albert Einstein, obituary in New York Times, 19 April 1955]

I do not believe in immortality of the individual, and I consider ethics to be an exclusively human concern with no superhuman authority behind it.” Albert Einstein: The Human Side”, edited by Helen Dukas and Banesh Hoffman, and published by Princeton University Press.]

I have no particular talent. I am merely inquisitive.”

I maintain that cosmic religiousness is the strongest and most noble driving force of scientific research.”

I sometimes ask myself how it came about that I was the one to develop the theory of relativity. The reason, I think, is that a normal adult never stops to think about problems of space and time. These are things which he has thought about as a child. But my intellectual development was retarded,as a result of which I began to wonder about space and time only when I had already grown up.”

I think that a particle must have a separate reality independent of the measurements. That is an electron has spin, location and so forth even when it is not being measured. I like to think that the moon is there even if I am not looking at it.”

I want to know God’s thoughts,….. the rest are details..”

If I had my life to live over again, I’d be a plumber.”

If I were not a physicist, I would probably be a musician. I often think in music. I live my daydreams in music. I see my life in terms of music. … I get most joy in life out of music.

“In order to be an immaculate member of a flock of sheep, one must above all be a sheep oneself.”

If we knew what it was we were doing, it would not be called research, would it?”

In the temple of science are many mansions, and various indeed are they that dwell therein and the motives that have led them hither. Many take to science out of a joyful sense of superior intellectual power; science is their own special sport to which they look for vivid experience and the satisfaction of ambition; many others are to be found in the temple who have offered the products of their brains on this altar for purely utilitarian purposes. Were an angel of the Lord to come and drive all the people belonging to these two categories out of the temple, the assemblage would be seriously depleted, but there would still be some men, of both present and past times, left inside”

Intelligence makes clear to us the interrelationship of means and ends. But mere thinking cannot give us a sense of the ultimate and fundamental ends. To make clear these fundamental ends and valuations and to set them fast in the emotional life of the i ndividual, seems to me precisely the most important function which religion has to form in the social life of man.”

It is a magnificent feeling to recognize the unity of complex phenomena which appear to be things quite apart from the direct visible truth.”

It is only to the individual that a soul is given.”

It’s not that I’m so smart , it’s just that I stay with problems longer .”

It was, of course, a lie what you read about my religious convictions, a lie which is being systematically repeated. I do not believe in a personal God and I have never denied this but have expressed it clearly. If something is in me which can be called religious then it is the unbounded admiration for the structure of the world so far as our science can reveal it.”
[Albert Einstein, 1954, from “Albert Einstein: The Human Side”, edited by Helen Dukas and Banesh Hoffman, Princeton University Press]

4    ***  K – M – N – O – P * **

Knowledge of what is does not open the door directly to what should be. If one asks the whence derives the authority of fundamental ends, since they cannot be stated and justifed merely by reason, one can only answer: they exist in a healthy society as powerful traditions, which act upon the conduct and aspirations and judgements of the individuals; they are there, that is, as something living, without its being necessary to find justification for their existence. They come into being not through demonst ration but through revelation, through the medium of powerful personalities. One must not attempt to justify them, but rather to sense their nature simply and clearly.”

Man tries to make for himself in the fashion that suits him best a simplified and intelligible picture of the world; he then tries to some extent to substitute this cosmos of his for the world of experience, and thus to overcome it. This is what the painter, the poet, the speculative philosopher, and the natural scientists do, each in his own fashion. Each makes this cosmos and its construction the pivot of his emotional life, in order to find in this way peace and security which he can not find in the narrow whirlpool of personal experience.” Ideas and Opinions, (Dell, Pinebrook, N.J., 1954).

My life is a simple thing that would interest no one. It is a known fact that I was born and that is all that is necessary.”

My religion consists of a humble admiration of the illimitable superior spirit who reveals himself in the slight details we are able to perceive with our frail and feeble mind.”

No, this trick won’t work…How on earth are you ever going to explain in terms of chemistry and physics so important a biological phenomenon as first love?”

Not everything that counts can be counted, and not everything that can be counted counts.” (Sign hanging in Einstein’s office at Princeton)

Not thoughtlessly submit to hereditary prejudices but honestly and courageously uses his intelligence.”

Nothing will benefit human health and increase the chances for survival of life on Earth as much as the evolution to a vegetarian diet”

Now he has departed from this strange world a little ahead of me. That means nothing. People like us, who believe in physics, know that the distinction between past, present, and future is only a stubbornly persistent illusion.”

One had to cram all this stuff into one’s mind for the examinations, whether one liked it or not. This coercion had such a deterring effect on me that, after I had passed the final examination, I found the consideration of any scientific problems distasteful to me for an entire year.”

One of the strongest motives that lead men to art and science is escape from everyday life with its painful crudity and hopeless dreariness, from the fetters of one’s own ever-shifting desires. A finely tempered nature longs to escape from the personal life into the world of objective perception and thought.”
Only a life lived for others is a life worth while .”
Only two things are infinite, the universe and human stupidity, and I’m not sure about the former.”

Put your hand on a hot stove for a minute, and it seems like an hour. Sit with a pretty girl for an hour, and it seems like a minute. THAT’S relativity.”

5    ***  Q- R -S  ***

Quoting Newton “We all know, from what we experience with and within ourselves, that our conscious acts spring from our desires and our fears. Intuition tells us that that is true also of our fellows and of the higher animals. We all try to escape pain and death, while we seek what is pleasant. We are all ruled in what we do by impulses; and these impulses are so organised that our actions in general serve for our self preservation and that of the race. Hunger, love, pain, fear are some of those inner forces which rule the individual’s instinct for self preservation. At the same time, as social beings, we are moved in the relations with our fellow beings by such feelings as sympathy, pride, hate, need for power, pity, and so on. All these primary impulses, not easi ly described in words, are the springs of man’s actions. All such action would cease if those powerful elemental forces were to cease stirring within us. Though our conduct seems so very different from that of the higher animals, the primary instincts are much aloke in them and in us. The most evident difference springs from the important part which is played in man by a relatively strong power of imagination and by the capacity to think, aided as it is by language and other symbolical devices. Thought is the organising factor in man, intersected between the causal primary instincts and the resulting actions. In that way imagination and intelligence enter into our existence in the part of servants of the primary instincts. But their intervention makes our acts to serve ever less merely the immediate claims of our instincts.”

Reading, after a certain age, diverts the mind too much from its creative pursuits. Any man who read too much and uses his own brain too little falls into lazy habits of thinking.”

Reality is merely an illusion, albeit a very persistent one.”

Relativity teaches us the connection between the different descriptions of one and the same reality”.
Sometimes one pays most for the things one gets for nothing.”

Science is a wonderful thing if one does not have to earn one’s living at it.”

Science is the century-old endeavour to bring together by means of systematic thought the perceptible phenomena of this world into as thorough-going an association as possible. To put it boldly, it is the attempt at a posterior reconstruction of existen ce by the process of conceptualisation. Science can only ascertain what is, but not what should be, and outside of its domain value judgements of all kinds remain necessary.”
Science, Philosophy and Religion: a Symposium (1941) ch. 13

Science without religion is lame, religion without science is blind.” -Science, Philosophy and Religion: a Symposium (1941) ch. 13

Scientific research is based on the idea that everything that takes place is determined by laws of nature, and therefore this holds for the action of people. For this reason, a research scientist will hardly be inclined to believe that events could be influenced by a prayer, i.e. by a wish addressed to a Supernatural Being.” [Albert Einstein, 1936, responding to a child who wrote and asked if scientists pray. Source: “Albert Einstein: The Human Side”, Edited by Helen Dukas and Banesh Hoffmann]

6    ***  T   ***

Technological progress is like an axe in the hands of a pathological criminal.”

The devil has put a penalty on all things we enjoy in life. Either we suffer in health or we suffer in soul or we get fat.”

The eternal mystery of the world is its comprehensibility.”

The fear of death is the most unjustified of all fears, for there’s no risk of accident for someone who’s dead.”

The further the spiritual evolution of mankind advances, the more certain it seems to me that the path to genuine religiosity does not lie through the fear of life, and the fear of death, and blind faith, but through striving after rational knowledge.”

The hardest thing in the world to understand is the income tax.”

The important thing is not to stop questioning. Curiosity has its own reason for existing. One cannot help but be in awe when he contemplates the mysteries of eternity, of life, of the marvelous structure of reality. It is enough if one tries merely to comprehend a little of this mystery every day. Never lose a holy curiosity.”

The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honors the servant and has forgotten the gift.”

The finest emotion of which we are capable is the mystic emotion. Herein lies the germ of all art and all true science. Anyone to whom this feeling is alien, who is no longer capable of wonderment and lives in a state of fear is a dead man. To know that what is impenatrable for us really exists and manifests itself as the highest wisdom and the most radiant beauty, whose gross forms alone are intelligible to our poor faculties – this knowledge, this feeling … that is the core of the true religious sent iment. In this sense, and in this sense alone, I rank myself amoung profoundly religious men.”

The highest principles for our aspirations and judgements are given to us in the Jewish-Christian religious tradition. It is a very high goal which, with our weak powers, we can reach only very inadequately, but which gives a sure foundation to our aspirations and valuations. If one were to take that goal out of out of its religious form and look merely at its purely human side, one might state it perhaps thus: free and responsible development of the individual, so that he may place his powers freely and gladly in the service of all mankind. … it is only to the individual that a soul is given. And the high destiny of the individual is to serve rather than to rule, or to impose himself in any otherway.”

The human mind is not capable of grasping the Universe. We are like a little child entering a huge library. The walls are covered to the ceilings with books in many different tongues. The child knows that someone must have written these books. It does not know who or how. It does not understand the languages in which they are written. But the child notes a definite plan in the arrangement of the books—a mysterious order which it does not comprehend, but only dimly suspects.”

The ideals which have always shone before me and filled me with the joy of living are goodness, beauty, and truth. To make a goal of comfort or happiness has never appealed to me; a system of ethics built on this basis would be sufficient only for a herd of cattle.”

The important thing is not to stop questioning. Curiosity has its own reason for existing. One cannot help but be in awe when he contemplates the mysteries of eternity, of life, of the marvelous structure of reality. It is enough if one tries merely to comprehend a little of this mystery every day. Never lose a holy curiosity.”

The minority, the ruling class at present, has the schools and press, usually the Church as well, under its thumb. This enables it to organize and sway the emotions of the masses, and make its tool of them.”
[Albert Einstein, letter to Sigmund Freud, 30 July 1932]

The more a man is imbued with the ordered regularity of all events the firmer becomes his conviction that there is no room left by the side of this ordered regularity for causes of a different nature. For him neither the rule of human nor the rule of div ine will exist as an independent cause of natural events. To be sure, the doctrine of a personal God interfering with the natural events could never be refuted, in the real sense, by science, for this doctrine can always take refuge in those domains in wh ich scientific knowledge has not yet been able to set foot. But I am persuaded that such behaviour on the part of the representatives of religion would not only be unworthy but also fatal. For a doctrine which is able to maintain itself not in clear light but only in the dark, will of necessity lose its effect on mankind, with incalculable harm to human progress…. If it is one of the goals of religions to liberate maknind as far as possible from the bondage of egocentric cravings, desires, and fears, scientific reasoning can aid religion in another sense. Although it is true that it is the goal of science to discover (the) rules which permit the association and foretelling of facts, this is not its only aim. It also seeks to reduce the connections disc overed to the smallest possible number of mutually independent conceptual elements. It is in this striving after the rational unification of the manifold that it encounters its greatest successes, even though it is precisely this attempt which causes it t o run the greatest risk of falling a prey to illusion. But whoever has undergone the intense experience of successful advances made in this domain, is moved by the profound reverence for the rationality made manifest in existence. By way of the understand ing he achieves a far reaching emancipation from the shackles of personal hopes and desires, and thereby attains that humble attitude of mind toward the grandeur of reason, incarnate in existence, and which, in its profoundest depths, is inaccessible to m an. This attitude, however, appears to me to be religious in the highest sense of the word. And so it seems to me that science not only purifies the religious imulse of the dross of its anthropomorphism but also contributes to a religious spiritualisation of our understanding of life.”
[Albert Einstein, “Science, Philosophy, and Religion, A Symposium”, published by the Conference on Science, Philosophy and Religion in Their Relation to the Democratic Way of Life, Inc., New York, 1941]

The most beautiful thing we can experience is the mysterious. It is the source of all true art and science. He to whom this emotion is a stranger, who can no longer pause to wonder and stand rapt in awe, is as good as dead: his eyes are closed.”
Quoted on pg. 289 of Adventures of a Mathematician, by S. M. Ulam(Charles Scribner’s Sons, New York, 1976). Apparently these words also occur somewhere in What I Believe (1930).

The mystical trend of our time, which shows itself particularly in the rampant growth of the so-called Theosophy and Spiritualism, is for me no more than a symptom of weakness and confusion. Since our inner experiences consist of reproductions, and comb inations of sensory impressions, the concept of a soul without a body seem to me to be empty and devoid of meaning.”

The most incomprehensible thing about the universe is that it is comprehensible.”

The only real valuable thing is intuition.”

The only source of knowledge is experience”
The only thing that interferes with my learning is my education.”
The pursuit of truth and beauty is a sphere of activity in which we are permitted to remain children all our lives.”

The process of scientific discovery is, in effect, a continual flight from wonder.”

The real problem is in the hearts and minds of men. It is easier to denature plutonium than to denature the evil spirit of man.”
Quoted in: Freeman Dyson, Disturbing the Universe, ch. 5 (1979).

The release of atom power has changed everything except our way of thinking…the solution to this problem lies in the heart of mankind. If only I had known, I should have become a watchmaker.”
The religion of the future will be a cosmic religion. The religion which based on experience, which refuses dogmatic. If there’s any religion that would cope the scientific needs it will be Buddhism….”

The secret to creativity is knowing how to hide your sources.”

The true value of a human being is determined primarily by the measure and the sense in which he has attained liberation from the self.”

The whole of science is nothing more than a refinement of everyday thinking.”
This is a genuinely religious feeling that has nothing to do with mysticism”

This is a story I heard as a freshman at the University of Utah when Dr. Henry Eyring was still teaching chemistry there. Many years before he and Dr. Einstein were colleagues. As they walked together they noted an unusual plant growing along a garden walk. Dr. Eyring asked Dr. Einstein if he knew what the plant was. Einstein did not, and together they consulted a gardener. The gardener indicated the plant was green beans and forever afterwards Eyring said Einstein didn’t know beans

Too many of us look upon Americans as dollar chasers. This is a cruel libel, even if it is reiterated thoughtlessly by the Americans themselves.”

True religion is real living; living with all one’s soul, with all one’s goodness and righteousness.”

Two things inspire me to awe — the starry heavens above and the moral universe within .”

7    ***   U – W   ***

Understanding of our fellow human beings…becomes fruitful only when it is sustained by sympathetic feelings in joy and sorrow.”

We all know, from what we experience with and within ourselves, that our conscious acts spring from our desires and our fears. Intuition tells us that that is true also of our fellows and of the higher animals. We all try to escape pain and death, while we seek what is pleasant. We are all ruled in what we do by impulses; and these impulses are so organised that our actions in general serve for our self preservation and that of the race. Hunger, love, pain, fear are some of those inner forces which rule the individual’s instinct for self preservation. At the same time, as social beings, we are moved in the relations with our fellow beings by such feelings as sympathy, pride, hate, need for power, pity, and so on. All these primary impulses, not easi ly described in words, are the springs of man’s actions. All such action would cease if those powerful elemental forces were to cease stirring within us. Though our conduct seems so very different from that of the higher animals, the primary instincts are much alike in them and in us. The most evident difference springs from the important part which is played in man by a relatively strong power of imagination and by the capacity to think, aided as it is by language and other symbolical devices. Thought is the organising factor in man, intersected between the causal primary instincts and the resulting actions. In that way imagination and intelligence enter into our existence in the part of servants of the primary instincts. But their intervention makes our acts to serve ever less merely the immediate claims of our instincts.””All religions, arts and sciences are branches of the same tree. All these aspirations are directed toward ennobling man’s life, lifting it from the sphere of mere physical existence and leading the individual towards freedom.”

We can’t solve problems by using the same kind of thinking we used when we created them.”
We should take care not to make the intellect our god; it has, of course, powerful muscles, but no personality.”

Weakness of attitude becomes weakness of character.”
What I see in Nature is a magnificent structure that we can comprehend only very imperfectly, and that must fill a thinking person with a feeling of “humility.”

“What Life Means to Einstein: An Interview by George Sylvester Viereck,” for the October 26, 1929 issue of The Saturday Evening Post.
Watch the stars, and from them learn. To the Master’s honor all must turn, each in its track, without a sound, forever tracing Newton’s ground.”
— translation by Dave Fredrick

When a blind beetle crawls over the surface of the globe, he doesn’t realize that the track he has covered is curved. I was lucky enough to have spotted it.”

When I examine myself and my methods of thought, I come to the conclusion that the gift of fantasy has meant more to me than my talent for absorbing positive knowledge.”

When the number of factors coming into play in a phenomenological complex is too large scientific method in most cases fails. One need only think of the weather, in which case the prediction even for a few days ahead is impossible. Neverthess, noone doubts that we are confronted with a causal connection whose causal components are in the main known to us. Occurrences in this domain are beyond the reach of exact perdiction because of the variety of factors in operation, not because of any lack of order in nature.”

When the solution is simple, God is answering.”

Where the world ceases to be the scene of our personal hopes and wishes, where we face it as free beings admiring, asking and observing, there we enter the realm of Art and Science”

Without deep reflection one knows from daily life that one exists for other people .”

Whoever undertakes to set himself up as judge in the field of truth and knowledge is shipwrecked by the laughter of the Gods.”

Why does this applied science, which saves work and makes life easier, bring us so little happiness? The simple answer runs: Because we have not yet learned to make sensible use of it.”

http://vietsciences.free.fr/danhngon/danhngon_einstein.htm

Einstein nói về giáo dục

Bình luận về bài viết này

 https://i0.wp.com/vietsciences.free.fr/biographie/physicists/einstein/images/einstein-ulu.jpg

Lo âu giữa phương trình và chính trị

Đừng lo về những khó khăn về toán của bạn; tôi có thể  khẳng định với bạn rằng những khó khăn của tôi còn lớn hơn. 1

 “Tôi không có sự thông minh đặc biệt nào, tôi chỉ tò mò một cách đam mê” và “Quan trọng là người ta không ngừng hỏi”.

 “Nếu tự hỏi từ đâu tôi đã thiết lập nên lý thuyết tương đối, thì câu trả lời dường như nằm ở điều sau đây: người lớn bình thường hầu như  không suy nghĩ về những vấn đề thời gian và không gian. Anh ta nghĩ rằng mình đã làm điều đó từ nhỏ rồi. Tôi ngược lại phát triển chậm về mặt  trí tuệ đến nỗi  tôi bắt đầu ngạc nhiên về không gian và thời gian khi tôi đã lớn rồi. Một cách tự nhiên, tôi đã thâm nhập vào toàn bộ vấn đề sâu hơn những đứa trẻ có năng khiếu phát triển bình thường khác. 2  

 […] Ông có thể xem tôi là kiên nhẫn hơn những người trung bình trong việc theo đuổi các bài toán. […] Không phải thông minh hơn là quan trọng, mà là tò mò hơn và có lẽ kiên nhẫn hơn trong vấn đề tìm giải đáp cho một bài toán.3

 “…Ngoài ra tôi biết chắc rằng bản thân tôi không có một sự thông minh nào đặc biệt. Óc tò mò, sự đam mê và sự kiên nhẫn một cách bướng bỉnh, cộng với sự tự phê bình, đã đưa tôi đến những suy nghĩ của tôi. Tôi không có một sức mạnh tư duy đặc biệt mạnh (‘cơ bắp não’) nào, dù chỉ trong mức độ khiêm tốn. Nhiều người có thứ đó nhiều hơn nhiều mà không mang lại một cái gì đáng để ngạc nhiên.” 4

“Là một sự thiếu sót nếu chỉ dạy cho con người một ngành chuyên môn. Bằng cách đó anh ta trở thành một loại máy có thể sử dụng được. Nhưng quan trọng là anh ta phải có một cảm giác sinh động về cái gì đáng giá để phấn đấu. Anh ta phải có một cảm giác sinh động về cái gì đẹp và tốt về mặt đạo lý. Nếu không anh ta với kiến thức chuyên môn hoá sẽ giống như  một con chó được huấn luyện tốt, hơn là một con người phát triển hài hoà. Anh ta phải hiểu biết về động cơ của con người, những ảo tưởng và đau khổ của họ, để có được một thái độ đúng với người đồng loại và với cộng đồng.” 5

Biết dạy học có nghĩa là dạy một cách thú vị, là giảng bài, kể cả một bài trừu tượng, sao cho những dây đàn cộng hưởng trong tâm hồn của học sinh cùng rung lên và óc tò mò vẫn mãi sinh động”.6  “Kiến thức tự nó là khô cứng. Cần phải có người thầy giỏi và trường tốt để làm sống nó lại”.7   

: “Trường ở Aarau, bằng tinh thần phóng khoáng và sự nghiêm túc bình dị của những vị thầy không dựa vào quyền lực bên ngoài nào cả, đã để lại một ấn tượng không phai trong tôi; khi so sánh với sáu năm học ở một trường trung học Đức gia trưởng, tôi mới ý thức thấm thía một nền giáo dục nhằm khuyến khích hành động tự do và tính tự trách nhiệm hơn hẳn như thế nào một nền giáo dục dựa trên lối huấn luyện khắc nghiệt, lên quyền lực bên ngoài và tinh thần hiếu thắng. Dân chủ đích thực không phải là một lời nói sáo rỗng”

 “phải để con người trẻ phát triển lên trong một tinh thần mà những nguyên tắc này (sự phát triển tự do và tự trách nhiệm của cá nhân) trở thành tự nhiên như không khí người đó thở. Chỉ có dạy thôi thì không đạt được gì cả”. 9   

Về việc học nhồi nhét, ông nói: “Tôi nghĩ người ta có thể làm mất đi tính háo ăn của một con thú ăn thịt sống nếu cứ bắt nó phải ăn dưới roi vọt, ngay cả khi nó không đói, đặc biệt khi người ta tự chọn cho nó những thức ăn dưới áp lực đó.” 10  

            Đến câu hỏi về vận tốc âm thanh ông trả lời: “Điều đó tôi không biết. Tôi không muốn làm nặng nề trí nhớ của tôi với những sự kiện như thế, những thứ mà tôi có thể tìm thấy dễ dàng trong bất cứ tự điển bách khoa nào.” 11  

 “Đối với con người, kiến thức không quan trọng lắm. Để có kiến thức con người không cần đến đại học. Cái đó người ta có thể học từ sách. Giá trị của giáo dục đại học không nằm ở chỗ học thuộc lòng thật nhiều kiến thức mà ở chỗ tập luyện tư duy, cái mà người ta không bao giờ học được từ sách giáo khoa”. 12  

 “trường học chủ yếu dùng những phương tiện gây sợ hãi, cưỡng bách và chuyên chính giả tạo. Phương pháp đó huỷ diệt tình cảm lành mạnh của sự sống, sự chân thật và sự tự tin của học trò. Nó tạo ra một loại thứ dân ngoan ngoãn”. 13  

 “Sự phát triển khả năng tổng quát nhằm tư duy và phán đoán tự lập nên luôn luôn được đặt lên hàng đầu chứ không phải sự tích luỹ của kiến thức chuyên môn”.14  

 “Khắp nơi, sự siêng năng đắc lực, sự thành công được tôn sùng chứ không phải giá trị của sự việc và con người theo quan điểm của cứu cánh  đạo đức của nhân loại. Thêm vào đó là ảnh hưởng rất tai hại về mặt đạo đức của cuộc chiến đấu kinh tế không khoan nhượng. 15  

 chủ nghĩa tư bản là “làm què quặt cá nhân…Cả hệ thống giáo dục chúng ta đau khổ vì tệ nạn này. Một thái độ cạnh tranh quá đáng được khắc sâu vào sinh viên, anh ta được huấn luyện để tôn thờ sự thành công hám lợi như một sự chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai.”16  

 “Một tính cách tốt và vững vàng có giá trị hơn khả năng hiểu biết và sự uyên bác”. 17  

 “Mục tiêu (của nhà trường) phải là sự đào tạo nên những cá nhân tự hành động và tư duy nhưng biết nhìn thấy trong việc phục vụ xã hội nhiệm vụ cao cả nhất của cuộc đời. 18

 Tôi tin rằng sự sa sút khủng khiếp trong tư cách đạo đức của con người trước nhất có liên quan đến sự máy móc hoá và sự làm mất đi tính chất cá nhân của cuộc sống của chúng ta – một sản phẩm phụ bất hạnh của sự phát triển tinh thần khoa học-kỹ thuật. Lỗi của chúng ta…Con người nguội lạnh đi nhanh hơn hành tinh nó đang ngồi trên đó. 19

  “một số ít người không tham gia vào cách suy nghĩ thô bạo của số đông, vẫn sống theo lý tưởng tình yêu con người, không bị ảnh hưởng bởi những đam mê của họ, thì phải chịu một số phận bi thảm: họ bị ném ra khỏi xã hội và bị đối xử như những kẻ bị hủi nếu họ không chịu làm những hành động mà lương tâm họ chống lại, và im lặng hèn nhát về những gì họ thấy và cảm nhận.” 20 

 “Bởi vì tất cả những gì vĩ đại và cao cả đều được tạo ra bởi cá nhân trong sự phấn đấu tự do.21  Chính cá nhân tạo ra tài sản văn hoá cho nhân loại. Ông nói: “Có thể dễ dàng nhận thấy rằng tất cả những tài sản vật chất, tinh thần và đạo đức mà chúng ta nhận được từ xã hội xuất phát từ những nhân cách đơn lẻ qua vô số thế hệ.[…] Chỉ cá nhân đơn lẻ mới tư duy và qua đó mới tạo ra những giá trị mới cho xã hội.22

Chỉ cá nhân riêng lẻ mới có thể tư duy và qua đó tạo ra những giá trị mới, tạo ra cả những tiêu chuẩn đạo đức mới mà dựa theo đó cuộc sống của cộng đồng phát triển. Không có những cá nhân sáng tạo, tự biết tư duy và phán đoán thì khó hình dung một sự phát triển cao của cộng đồng cũng như khó hình dung sự phát triển của các cá nhân riêng lẻ mà không có miếng đất nuôi dưỡng của cộng đồng. Một xã hội lành mạnh được gắn liền với tính tự chủ của các cá nhân cũng như với sự gắn bó xã hội sâu sắc của họ. Người ta nói một cách chính đáng rằng chính nền văn hoá Hy lạp-Châu Âu-Mỹ, đặc biệt tinh hoa văn hoá của thời Phục Hưng Ý, cái đã chấm dứt giai đoạn trì trệ của thời trung cổ ở châu Âu, là dựa lên sự giải phóng và sự tách biệt tương đối của cá nhân. 23  

 “Một xã hội của những cá nhân được tiêu chuẩn hoá không có sắc thái và mục tiêu riêng sẽ là một xã hội nghèo nàn mất khả năng phát triển”.24

 

 “Để phát triển khoa học và hoạt động sáng tạo nói chung cần phải có một thứ tự do khác, người ta có thể gọi là tự do nội tâm. Đó là cái tự do của tinh thần thể hiện qua sự độc lập của tư duy trước các trói buộc của thành kiến, của quyền lực và xã hội, cũng như trước những trói buộc của suy nghĩ lệ thường và thói quen không phê phán. Tự do nội tâm này là một món quà hiếm có của thiên nhiên ban cho và là một mục tiêu đáng giá cho cá nhân. Cộng đồng cũng có thể đóng góp rất nhiều vào việc giáo dục tự do nội tâm này, bằng cách cộng đồng ít nhất không ngăn cản sự phát triển của nó. Trường học, bằng  ảnh hưởng gia trưởng và bằng gánh nặng trí óc thái quá cho những cá nhân trẻ, có thể ngăn cản sự phát triển của tự do nội tâm, hoặc ngược lại bằng khuyến khích tư duy độc lập, sẽ tạo thuận lợi cho nó. Chỉ khi tự do nội tâm và tự do bên ngoài được vun xới một cách có ý thức và lâu dài thì mới có được điều kiện cho sự phát triển tinh thần, cho sự hoàn thiện và cải thiện đời sống nội tâm và bề ngoài”. 25

 “Bản chất con người là tự do, yêu quyền tự quyết và ghét bắt buộc. Cho nên nó muốn được chỉ đường đến nơi nó phát triển, và không phải bị kéo đi, đẩy đi, hay ép buộc26

 “ Khi dọn về Aarau ở Thuỵ Sĩ năm 1896 và vào trường đại học bách khoa kỹ thuật, tôi lần đầu tiên mới ý thức rằng tôi không thích như thế nào cách nhồi nhét và học thuộc lòng, cách dạy của môn toán. Tôi tin rằng sở thích vật lý của tôi hình thành vào thời điểm này.”  27

Bởi vì nghề nghiệp hàn lâm đặt một người nghiên cứu trẻ vào một loại tình huống bắt buộc là phải sản xuất các bài nghiên cứu khoa học với số lượng gây ấn tượng – một sự cám dỗ dẫn đến sự hời hợt mà chỉ có những cá tính mạnh mới có khả năng cưỡng lại được.” 28

Mọi áp lực có tác dụng làm hại cho sự phát triển. “Trong thời học của tôi, ngay khi ngày thi được công bố, tôi bị dồn vào một áp lực đến nỗi tôi có cảm giác tôi không phải bước vào một kỳ thi mà bước lên một đoạn đầu đài. 29  

    “Trí óc của tôi sau những kỳ thi (cử nhân) hoàn toàn bị tắt nghẽn một thời gian cho hoạt động nghiên cứu và phân tích khoa học. Khả năng trí óc của tôi hoàn toàn bị cạn kiệt, bởi vì tôi phải học thuộc lòng những thông tin vô bổ.30  

 “Mỗi một tình yêu sâu sắc và đích thực. Là người bạn, anh em và yêu mến – cái đó mở cửa ngục tù với sức mạnh vô biên, huyền bí. Ai không có điều đó, người đó vẫn ở trong cõi chết”.31

 “không còn khả năng ngạc nhiên, sửng sốt trước nó, người đó coi như đã chết, ánh mắt đã tắt lịm đi.32  

 “Ai muốn giữ cuộc đời mình, người đó sẽ đánh mất nó. Ai mất đời mình vì một cuộc đời cao hơn, người đó sẽ giữ được nó 33  

               Tôi đặt niềm tin vào trực giác 34

 “Sự ngạo mạn của quyền lực là kẻ thù lớn nhất của chân lý”.

Đó hầu như là định luật mà hầu như tất cả những người bề tôi của vị thần khắc nghiệt là Khoa học phải tuân theo, rằng cuộc đời họ kết thúc trong sự đau buồn, càng đau buồn khi họ càng hết lòng với nhiệm vụ của họ.” 38  

 “Quả là khó hiểu cái gì đã thúc đẩy con người khiến cho người đó xem công việc quan trọng kinh khủng như thế? Cho ai? Cho người đó?- Người ta sắp ra đi kia mà. Cho cộng đồng? Cho hậu thế? Không, đó vẫn là điều khó hiểu.” 41

Tôi không bao giờ dạy học sinh; tôi chỉ cố gắng tạo ra những điều kiện để chúng có thể học.” 42 

Tôi hầu như chưa bao giời cảm thấy xa lạ với con người như hiện tại, hay đó là một ảo giác của sự lãng quên? 45

 “ Những kinh nghiệm xấu luôn lập lại một cách mới”

 “Nhưng rồi tôi biết con người chung quy thay đổi ít, cho dù cái mốt mà họ chạy theo làm cho họ xuất hiện vào những thời khác nhau như thể khác nhau, và cho dù khi những xu thế thời đại như xu thế hiện nay có mang đến cho họ vô số đau khổ. Chẳng có cái gì còn lại hơn là một trang giấy nghèo nàn trong các sách sử, trong đó những sự ngu dại của cha ông sẽ được phơi bày cô đọng lại trước mắt cho tuổi trẻ của các thế hệ sau”? 47  

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr Nguyễn Xuân Xanh

Danh ngôn Albert Einstein

Bình luận về bài viết này

Vietsciences-Phạm Văn Tuấn & Võ Thị Diệu Hằng  

1- Một con người là một phần của toàn thể mà chúng ta gọi là “vũ trụ”. Thành phần này bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Con người kinh nghiệm về chính mình, về tư tưởng và cảm xúc của mình, như là một thứ gì cách biệt với những thứ còn lại, một loại ảo giác quang học của nhận thức. Ảo giác này là một thứ ngục tù đối với chúng ta, giới hạn chúng ta vào các tham muốn cá nhân của chúng ta và vào tình yêu đối với vài người gần chúng ta nhất. Bổn phận của chúng ta là phải giải phóng chúng ta khỏi loại ngục tù này bằng cách mở rộng các lòng trắc ẩn để bao phủ mọi sinh vật và toàn thể thiên nhiên trong vẻ đẹp của thiên nhiên.

2- Khi liên quan tới thực tế, các định luật toán học trải rộng tới đâu thì càng thấy không chắc chắn, một khi các định luật này chắc chắn thì lại không liên quan tới thực tế.

3- Đôi khi tôi tự hỏi tôi rằng làm sao tôi lại là một người khai triển lý thuyết tương đối?  Tôi cho rằng bởi vì một người trưởng thành bình thường không bao giờ ngừng suy nghĩ về các vấn đề không gian và thời gian. Khi còn là một đứa trẻ, con người đã suy nghĩ về vấn đề này. Nhưng vì sự phát triển trí tuệ của tôi bị chậm trễ, kết quả là tôi bắt đầu suy ngẫm về không gian và thời gian chỉ khi nào tôi đã trưởng thành.

4- Tôi cho rằng một hạt chuyển động (a particle) phải có một thực tế độc lập với các độ đo, nghĩa là một điện tử (electron) có tính xoay tròn, vị trí… của nó, ngay cả khi nó không đựoc đo lường. Tôi ưa thích nghĩ rằng mặt trăng ở tại đâu đó, ngay cả khi tôi không nhìn thấy mặt trăng.

5- Nếu chúng ta biết rằng chúng ta đang làm gì, thì công việc đó đã không còn được gọi là nghiên cứu.

6- Công việc đọc sách, sau một tuổi tác nào đó, đã làm lệch hướng khỏi các mục tiêu sáng tạo. Một người nào đó mà đọc sách quá nhiều và dùng tới bộ óc quá ít, sẽ rơi vào các thói quen lười biếng suy nghĩ.

7- Tôi nghĩ rằng Chúa không chơi trò  may rủi (trò chơi súc sắc)

8- Việc quan trọng là không ngừng suy nghĩ. Tính tò mò có lý do riêng của nó. Con người sẽ bị lo sợ khi suy ngẫm về các bí ẩn của vô tận, đời sống, về cấu trúc tuyệt vời của thực tế. Nếu người ta mỗi ngày chỉ thấu hiểu một chút về điều bí ẩn này, thì cũng đủ. Hãy đừng bao giờ mất đi sự tò mò thiêng liêng.

9- Đầu óc của con người không thể hiểu nổi vũ trụ. Chúng ta giống như một em nhỏ đi vào một thư viện rộng lớn. Các bức tường có nhiều sách xếp cao tới trần nhà, các cuốn sách này được viết bằng nhiều ngôn ngữ. Em nhỏ biết rằng phải có nhiều người nào đó viết ra các cuốn sách này. Em nhỏ không biết tác giả là ai và làm sao các sách được viết ra. Nhưng em nhỏ ghi nhận được cách xếp đặt rõ ràng các cuốn sách, một trật tự bí ẩn em đã không hiểu, mà chỉ biết một cách lờ mờ.

10- Khi tôi xem xét chính mình và các phương pháp tư tưởng của tôi, tôi đi tới kết luận rằng tài năng kỳ ảo (the gift of fantasy) có ý nghĩa đối với tôi hơn là tài năng hấp thụ kiến thức thực tế.

11- Giả sử A là sự thành công  trong cuộc sống. Vậy thì A=X+Y+Z trong đó X=làm việc, Y=vui chơi, Z=im lặng

12- Ðìều tuyệt đối duy nhất trong cái thế giới  của chúng ta, đó  là  sự  khôi hài

13-Nếu thực tế  không tương  ứng với lý thuyết, hãy thay đổi thực tế (faits)

14- Trí tuệ trực giác là  một năng khiếu thiêng liêng và trí tuệ thuần lý (mental rationnel)  là  đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra  một xã hội chỉ tôn kính tên đầy tớ mà quên mất đi cái năng  khiếu.

15- Ðừng  bao giờ làm cái gì trái với lương tâm, cho dù nhà  Nước  đòi hỏi ở ta.

16- Cũng vì  bổn phận mà con người phải trả  nợ cho đời, ít nhất cũng bằng cái mà họ đã nhận

17- Nếu bạn không giảng nghĩa một khái niệm cho đứa trẻ 6 tuổi được là vì bạn không hiểu nó hoàn toàn

18- Một người không hề sai lầm sẽ không bao giờ đổi mới

19- Nhà trường phải luôn luôn có  chủ trương tạo cho học trò một cá tính  cân đối chớ  không  nên  biến chúng thành một nhà chuyên môn

20- Những bài học đắng cay trong quá khứ  phải được học đi học lại không ngừng

21- Giá trị thật sự của  con người phải được  xác định theo chiều hướng được tự do và  không tùy thuộc bất cứ ai

22- Thế giới mà  chúng ta tạo ra là  kết quả của mức độ suy nghĩ của ta, nhưng  những vấn đề mà thế giới sinh ra sẽ  không được  giải quyết ở cùng một mức độ

23- Tôi quả quyết rằng tình cảm tôn giáo vũ trụ là tác  nhân  mãnh liệt nhất và  quý phái nhất trong việc  khảo cứu Khoa học

24- Một bài toán  không có  giải đáp là vì bài toán đó đặt câu hỏi sai

25- Một dạ dày rỗng không phải là  một cố vấn chính trị tốt

26- Việc  khó  hiểu nhất trên đời là thuế lợi tức

27- Có những điều hết sức là quan trọng đối với ta nhưng chưa chắc là đã thật sự quan trọng.  Cũng có những điều hết sức là quan trọng nhưng chưa chắc là đã thật sự quan trọng đối với ta.

28-  Không phải tôi là người quá thông minh mà chỉ vì tôi ở lại với những vấn đề  lâu hơn

29- Chính trị  tuy  phù du nhưng là  một phương trình vĩnh cửu

30- Không phải vì sức hấp dẫn quả đất mà  người ta  bị thu hút lẫn nhau.

31- Tiến bộ kỹ thuật như một cái rìu nằm trong tay kẻ bị  bệnh tâm thần

32- Giá trị  con người giữ được  nhờ người đó có khả năng cho chớ  không  nhận

33- Tôi thích nghĩ đến hình ảnh mặt trăng cho dù tôi không nhìn thấy nó.

34- Hiếm có kẻ nhìn bằng chính con mắt của  họ và cảm nhận bằng chính năng lực cảm giác của họ.

35- Cái khó  hiểu chính là hiểu được  thế giới

36- Hy sinh để phục vụ cho đời  tương đương với  sự ban ơn

37- Nhìn bề ngoài thì cuộc đời không có ý nghĩa tuy nhiên không thể nào không có nó được.

38- Tôi ngủ không  lâu nhưng tôi mau ngủ

39- Ðừng nên cố trở thành một người thành công mà hãy gắng trở thành một người có giá trị.

40- Ðiều làm tôi quan tâm thật sự là muốn biết Chúa có  sự chọn  lựa nào không khi tạo ra thế  giới

41- Những tâm hồn lớn thường hay gặp sự đối chọi dữ tợn của những đầu óc  tầm thường.

42- Hỡi ơi ngày nay kỹ thuật đã hiển nhiên vượt qua tình nhân loại

43- Tôi muốn biết những  suy tư của  Chúa. Tất cả  những gì còn lại chỉ  là chi tiết.

44- Tôi không hề nghĩ đến thì tương lai vì  nó đến quá nhanh

45- Không gì  gần sát cái đúng bằng cái sai.

46- Tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Kiến thức bị giới hạn. Tưởng tượng bao vây thế gìới.

47- Lý thuyết, là  ta biết hết mọi thứ nhưng không thứ nào hoạt động được. Thực hành là  việc gì cũng  chạy mà  ta không biết tại sao. Nơi đây ta gom chung  lý thuyết với thực hành: chẳng  cái nào chạy cả… và  không ai biết lý do vì sao!

48- Bổn  phận thiết thực nhất của  thầy dạy là đánh thức lòng  ham thích học hỏi và  hiểu biết của  học sinh

49- Có hai cách để sống trên đới: một là xem như không  có phép lạ nào cả, hai là xem tất cả đều là phép lạ.

50- Con người thường tránh không muốn công nhận sự thông minh của kẻ khác, trừ khi đó là của kẻ thù mà  họ tình cờ gặp phải

51- Ðịnh mệnh do ta  làm ra

52- Sống trên đời nguy hiểm quá. Không chỉ do những người gây thiệt hại cho ta mà có những kẻ nhìn thấy mà vẫn  để  yên cho họ làm

53- Ðạo đức có giá trị  hơn thông minh: không thể  thay thế giá trị  đạo đức  bằng giá trị thông  minh và tôi xin  thêm: tạ ơn Chúa!

54- Một ngày kia, máy móc sẽ  giải đáp tất cả  những câu hỏi nhưng  không máy nào đặt được câu hỏi.

55- Bậc thang Khoa  học giống như cái thang của  Jacob. Nó chỉ dừng lại  nơi chân Chúa

56- Cuộc đời như chiếc xe đạp, phải tiến tới để  khỏi mất thăng bằng

57- Con người là  một phần của tất cả mà  ta gọi là  “Vũ trụ”… Một phần giới hạn trong  thời gian và không gian.

58- Không gì ích lợi cho sức khoẻ và làm tăng cơ hội sống còn  cho sự sống trên trái đất bằng việc dùng rau quả trong ăn uống (vegetarian)

59- Tôi biết vì sao người ta thích chặt cây. Ðó là  một sinh hoạt mà người ta thấy ngay kết quả.

60- Cái đem lại giá trị thực sự cho con người là giải thoát khỏi cái tôi của  họ.

61- Người cô độc suy nghĩ  một mình và  sáng tạo những giá trị mới cho cộng đồng.

62- Khoa học  không   tôn giáo thì què quặt, tôn giáo không  khoa học thi mù lòa

63- Làm đánh đổ một thành kiến khó hơn làm phân hủy một nguyên tử

64- Khoa  học  là một cái gì  tuyệt vời khi không  phải dùng nó để  kiếm sống

65- Ðừng  lo là  bạn có  nhiều khó  khăn về  Toán, tôi bảo đảm với bạn những khó khăn của tôi quan trọng  hơn nhiều

66- Khi để  bàn  tay bạn trên  lò lửa một phút , ta tưởng như lâu một giờ . Khi ngồi gần cô gái đẹp một giờ ta  tưởng chỉ  mới một phút. Ðó là sự tương đối.

67- Sự điên rồ, là  xử sự như nhau nhưng chờ đợi một kết quả  khác

68- Vấn đề ngày nay không  phải là  nguyên tử năng mà là trái tim con người.

69- Cái đẹp nhất mà chúng ta có thể cảm nhận đó là sự huyền bí của cuộc sống

70- Tôi không thất bại, tôi đã tìm ra mười ngàn cách nhưng chúng lại không thành

© http://vietsciences.free.fr và http://vietsciences.net  Phạm Văn Tuấn và Võ Thị Diệu Hằng

Einstein, cuộc đời, sự nghiệp và liên quan lịch sử

Bình luận về bài viết này

Vietsciences- Võ Thị Diệu Hằng

Ðời sống và công trình nghiên cứu

* 14/03/1879: Sinh tại Ulm, , Württemberg, Ðức

* 1880: Gia đình Einstein đến ở Munich

 

* 1895: Einstein thi rớt trường Ðại học Bách Khoa ở Zurich

* 1896: Lần này ông thi đậu và ra trường EPZ (Ecole Polytechnique de Zurich) năm 1990

 

* 1901: Einstein vô quốc tịch Thụy Sĩ

* 1900-1902: dạy học

* 1902: Ðược bổ nhiệm làm giám định viên hạng ba cho văn phòng bảo vệ bằng sáng chế thuế quan Berne (Thụy Sĩ). Trong khi rảnh, ông suy nghĩ  về ánh sáng và đìện động (électrodynamique).

* 1903: Cưới Mileva Maric, bạn cùng Ðại học (Toán). 1904 sinh con trai: Hans Albert.

* 1905: Ðăng những bài khảo luận khoa học trên những vật thể đang chuyển động trên căn bản thuyết Tương Ðối Thu Hẹp và một giả thiết về Ánh Sáng

* 1907: Planck, rồi Born, Minkowski ghi thuyết Tương đối vô trong chương trình Vật lý.

* 1908: Ðược làm giáo sư Ðại học Berne rồi tại Ðại học Bách Khoa Zurich (EPZ)

Ðược tước danh dự Doctor Honoris Causa. Nổi tiếng toàn cầu.

* 1910: Sinh đứa con thứ hai, Edouard

* 1911: Một năm tại Prague (Tiệp Khắc) rồi trở lại Zurich năm 1912

* 1913: Einstein được bầu làm hội viên Hàn Lâl viện Khoa học Prusse (Phổ quốc)

* 1914: Einstein đến ở tại Berlin. Chia ly với Mileva

* 1915: Hoàn tất thuyết Tương đối Ðại cương và những công trình  về Cợ học lượng tử.

* 1919: Li dị Miléva. Ông cưới em bà con của ông là Elsa, họ có 2 con là Ilse và Margot.

Những nhà Thiên văn Anh quốc và Eddington về sự lệch của những tia sáng, sau một nhật thực.

* 1920: Hội nghị  tổ chức tại Berlin chống lại thuyết Tương Ðối. Sự chạm trán giữa einstein với những nhà Khoa học Ðức.

* 1921: Du lịch qua Hoa kỳ

* 1922: Du lịch qua Pháp và Nhật Bản. Ðược giải Nobel về Vật lý

Càng ngày càng lấn vô lãnh vực chính trị quan trọng: chủ nghĩa hòa bình và chủ nghĩa phục quốc (Sionisme, Do Thái).

* 1924: Mở Viện Einstein tại Potsdam (20 km Tây Nam Berlin)

 

 

* 1927: Hội nghị Solvay: thảo luân công cộng giữa Einstein và Niels Bohr về Cơ học Lượng Tử

 

 

 

 

* 1930: Du lịch sang Hoa Kỳ

* 1933: Ðến ở tại Princeton.

* 1934: Tổng thống Roosevelt tiêp Einstein. 

* 1936: Elsa mất

* 1939: Einstein viết cho Roosevelt để ra hiệu cho ông sự cần thiết tạo một bom nguyên tử.

* 1940: Ông nhận quốc tịch Hoa Kỳ  nhưng vẫn giữ quốc tịch Thụy sĩ.

* 1943: Tham vấn (consultant) tại văn hpòng chất nổ của Hải quân Hoa Kỳ

* 1946: Làm Chủ tịch Ủy ban Khẩn cấp của những nhà Khoa học Nguyên tử  (Emergency Committee of Atomic Scientists). 

Thư cho Liên Hiệp Quốc (ONU) đòi thành lập một chính phủ quốc tế thực sự

* 1947: Giáo sư tại Berkeley

* 1950: Ðại Học Jérusalem Do Thái được ký thác những tác phẩm của Einstein

* 1952: Ông được đề nghị làm chủ tịch Israël nhung ông từ chối.

* 1955: Einstein ký bản tuyên ngôn (manifeste) bỏ việc sử dụng khí giới hạch tâm.

* 18 tháng Tư 1955: Ông mất tại Princeton, New Jersey, USA

 Ðời sống trí thức, kỹ thuật và văn hóa* 1880: (Technique). Ðèn nóng sáng (lampe à incandescence) do Edison phàt minh* 1882: (Khoa học) Darwin từ trần

* 1883: (Triết học) Karl Marx mất

* 1886: (Kỹ thuật) Ðưòng dây điện đầu tiên

* 1887: (Văn chương nghệ thuật) Chagall ra đời

* 1889: Triển lãm quốc tế tại Paris

* 1890 (Văn chương nghệ thuật) Van Gogh mất.  (Kỹ thuật) Ðường xe điện ngầm đầu tiên tại Luân đôn.

* 1895:  (Kỹ thuật) Chiếu ciné lần đầu tiên tại Paris

*  1896: Thế vân hội Olympique đầu tiên

* 1896-1898: (Khoa học) Khám phá ra chất phóng xạ Radium do ông bà Curie. Becquerel làm việc trên chất phóng xạ

* 1901: Henri Dunant được giải Nobel nhờ mở ra hôi Hồng Thập Tự. (Kỹ thuật) Những thử nghiệm đầu tiên về Ðiện thoại không dây của Marconi

 

 

 

 

 

* 1905-1910:  (Kỹ thuật) ““Principia Mathematica”  của Whitehead và  Russell (Nguyên tắc toán học)  

 

 

 

 

 

 

* 1910 : (Âm nhạc) Vũ Ballets Nga. Diaghilev, Stravinski.

 

 

 

 

 

* 1916:  (Khoa học) Freud đưa ra khoa Phân tâm học

 

 

 

 

 

 


* 1921: (Triết học) Wittgenstein : Tractatus logico-philosophicus. (Technique)  Phát sóng đầu tiên bằng Radio bằng làn sóng trung bình

* 1924: (Văn chương nghệ thuật) Tuyên ngôn về thuyết Siêu thực (Breton). 

(Khoa học) Hubble khám phá ra Vũ trụ bành trướng

* 1925: ( Văn chương nghệ thuật) Kafka: Le procès (vụ kiện)

Âm nhạc: A. Berg  Wozzeck.

* 1926: (Kỹ thuật) Những thử  nghiệm đầu tiên về ngành truyền hình (John Baird) tại Anh quốc.

* 1924-27: (Khoa học) Tranh luận quanh về Cơ học lượng tử (Shrödinger, Bohr, de Broglie, Heisenberg).

* 1928: (Triết học) Heidegger : L’Être et le temps (Con người và thời gian)

(Âm nhạc) Brecht-Orff : L’opéra de quatre sous. (Nhạc kịch rẻ tiền)

1929 : (Triết học) Cercle de Vienne (Carnap, Wittgenstein). Chủ nghĩa tân nhân thực chứng (Néo-positivisme).

 

.

 

 


* 1942: (Kỹ thuật) Hỏa tiễn thượng khí quyển đầu tiên (Von Braun).

* 1943: (Kỹ thuật) Dự kiến Manhattan về Bom Nguyên tử

* 1944 : (Triết học) Sartre : Thuyết hiện sinh (L’existentialisme)

 

 

* 1946: (Kỹ thuật) Thế hệ máy vi tính đầu tiên bằng ống điện tử.

 

 

 

 

* 1954: (Kỹ thuật) Phóng tiềm thủy đĩnh hạt nhân đầu tiên, tàu Nautilus

 

Biến cố chính trị

* 1889 : IIème Internationale Socialiste.(Chủ nghĩa Xã hội  quốc tế thứ II)

* 1890 :  Bismarck  từ chức (Ðức).

* 1897 : Hội nghị Quốc tế Phục quốc đầu tiên

* 1898-99 : Vụ kiện Dreyfus tại Pháp

 

* 1901 : Người Do Thái trốn sang Nga vì bị ngược đãi

        Những thuộc địa đầu tiên của Do Thái tại Palestine

* 1905: Cuộc đảo chánh Nga thất bại lần đầu

* 1908 : Sự sát nhập Bosnie-Herzégovine bởi đế quốc austro-hongrois.

* 1914 : Quận công nước áo bị ám sát ở  Sarajevo.  Khởi động Chiến tranh Thế giới lần thứ I

* 1916 : Hoa Kỳ bước vào chiến tranh

1917 : Cách mạng Nga

1918 : Cuối cuộc chiến. Hiệp uớc Versailles (Traité de Versailles).

* 1922 :  Mussolini nắm quyền ở Rome.

* 1925 : Hitler in  quyển Mein Kampf (Sự tranh đấu của tôi)

* 1927 : Trotski bị loại khỏi chính quyền Nga. Staline nắm quyền tối cao.

* 24 tháng 10 năm1929 : “Thứ Năm đen”  Chứng khoán Wall Street phá sản . Khởi đầu cuộc khủng hoảng kinh tế

* 30 /01/ 1933 : Hitler và Nazi cầm quyền

Tháng Ba, 1933 : Khai trương trại  Dachau.  Pogrom bắt đầu chống dân Do Thái. New Deal (Chương trình cải cách chính trị, xã hội và kinh tế) tại  USA.

1936 : Mặt trận Dân tộc (Front Populaire) tại Pháp. Chiến tranh Tây Ban Nha

1939 : Thế chiến thứ II

1941 : Tấn công tại cảng Pearl Harbor.  Hoa Kỳ gia nhập cuộc chiến

1943 : Stalingrad.

25 Janv. 1945 : Giải phóng Auschwitz.

Fév.1945 : Cuộc họp Ialta.

* 6 và 9 /8/1945 :  Mỹ thả bom nguyên tử ở  Hiroshima-Nagasaki.

* 1946 : Bước đầu Chiến tranh lạnh. Hủy bỏ chế  độ phong kiến

* 1947 : Chương trình Marshall

* 14 Mai 1948 : Quốc gia Israël ra đời

1953 : Staline chết.

 Eisenhower, tổng thống hoa Kỳ

Viết ngày 27/07/2004

Bổ sung ngày 14/06/2007

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr Võ Thị Diệu Hằng

Bí ẩn thiên tài của Einstein

Bình luận về bài viết này

Trần Hữu Quốc Huy

 

Einstein (1879-1955) Nhà Vật lý học, cha đẻ thuyết Tương Ðối và bom nguyên tử.

Dù đã mất từ năm 1955, ngày nay Albert Einstein vẫn còn cái để dạy cho chúng ta. Lần này là một bài học về khoa học thần kinh, và có lẽ là cả bài học về nuôi dạy trẻ. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng chất xám trong bộ não đã sản sinh ra một loạt đột phá khoa học, bao gồm cả Thuyết Tương Đối, các nhà nghiên cứu Canada đã đi đến kết luận: Bộ não của Einstein thật sự khác lạ. Đặc biệt là họ đã phát hiện thấy phần não liên quan đến việc lập luận toán học rộng hơn 15% so với bình thường, và không bị phân chia bằng một nếp gấp như vẫn thường thấy trong não của tất cả chúng ta.

Bộ não của Einstein là một mẫu vật có giá trị vì những lý do vượt ra ngoài việc Einstein có năng lực suy nghĩ siêu phàm. Trước hết là, não của ông có hình dạng cực tốt khi ông không còn dùng đến nó. Định mệnh đã can thiệp vào chuyện này bằng cách đã cho ông cái chết đột ngột, ông bị phình tắc động mạch chủ bụng. Einstein đã biết trước và đã sắp xếp để lại bộ não của mình cho các nhà khoa học nghiên cứu. Chính vì vậy, trong vòng 7 giờ sau khi Einstein mất, não của ông đã được lấy ra khỏi hộp sọ. Để tránh bị hư hỏng, nó đã được tiêm, và rồi được treo lơ lửng trong Formalin. Sau đó, bộ não của ông được đo đạc, chụp ảnh và cắt nhỏ thành 240 khối nhỏ, mỗi khối có kích thước như một thỏi đường. Các khối này được ngâm trong celloidin và một số đã được cắt thành những phần nhỏ hơn để xét nghiệm bằng kính hiển vi.

Những gì mà Einstein cho phép những người khác làm với chính bộ não của mình trong khi ông vẫn còn dùng đến nó đã khiến cho mẫu vật não mà ông để lại hữu ích hơn nhiều. Tự đánh giá có cái gì đó đặc biệt trong cách mà não của chính mình làm việc, Einstein đã cố gắng hết sức để giúp cho các nhà khoa học đồng nghiệp làm sáng tỏ bí ẩn này, bằng cách đồng ý xét nghiệm điện não để ghi lại hoạt động sóng não của mình. Ông cũng chấp nhận các cuộc phỏng vấn, trong đó ông giải thích là ông đã giải quyết các vấn đề như thế nào. Cách giải thích của ông nghe hết sức lạ thường. Có lần Einstein nói: “Chữ dường như chẳng có vai trò gì, mà là có ít hay nhiều các hình ảnh rõ ràng”. Quan sát này đã cung cấp manh mối lâm sàng cho Sandra F.Witelson, trưởng nhóm nghiên cứu đại học McMaster, nhóm này xem ra đã khám phá ra bí ẩn bộ não của thiên tài Einstein.

BỘ BẢN ĐỒ NÃO

Các thầy thuốc Hy Lạp cổ đại thường hồ nghi: Các chức năng khác nhau có mối liên hệ với các phần khác nhau của não? Đặc biệt, họ chú ý thấy những cú đấm vào đằng sau sọ có thể gây mù lòa. Điều này càng được khẳng định một cách khoa học hơn trong suốt Chiến tranh Thế giới lần thứ I bởi các bác sĩ phẫu thuật trong quân đội Đức, những người đã phẫu thuật binh lính bị thương ở đầu. Ngày nay, đã có một “bộ bản đồ” chi tiết định vị các phần của não điều khiển các hoạt động khác nhau của cơ thể.

Vì chức năng khác nhau cư trú ở các vị trí khác nhau, nên các nhận xét của Einstein về sự hình dung – mường tượng có ý nghĩa quan trọng đối với Witelson. Ở mức độ mà ở đó Einstein khám phá thiên nhiên, thì các vấn đề vật lý mà ông giải quyết là các bài toán. Nhìn vào phần não của Einstein liên quan đến việc lập luận toán học và so sánh nó với cùng khu vực đó ở các bộ não bình thường hơn, có thể sẽ cung cấp cho chúng ta chìa khóa giải đáp được bí ẩn thiên tài của Einstein.

Bà Witelson hiểu biết nhiều về các bộ não thông thường: Bà đã sưu tập chúng. Witelson đã nghiên cứu bộ sưu tập của mình và khôi phục lại não của những người đóng góp vào đây. Bộ sưu tập này gồm não của những người khỏe mạnh về mặt cơ thể lẫn tinh thần, có chỉ số thông minh từ 107 đến 125. Không có não của những người đần độn, nhưng cũng không có não của các nhà khoa học tên lửa.

Lần so sánh đầu tiên làm mọi người thấy ngượng vì bộ não của vị thiên tài tột đỉnh này rõ ràng là không có gì khác thường. Bà Witelson nói: “Giải phẫu thể đại não của Einstein nằm trong các giới hạn bình thường, trừ các thùy đỉnh. Sự nhận thức về thị giác và không gian, sự hình thành lập luận toán học và sự tưởng tượng về chuyển động đều được thực hiện chủ yếu thông qua trung gian là vùng đỉnh sau bên phải và bên trái”. Nếu như bạn đã có lần tát vào bên đầu mình sau khi nói cái gì đó ngu ngốc, thì bạn đã đánh đúng chỗ đó rồi đấy. Trong não Einstein, các vùng này rộng hơn 15% so với bình thường và đang có khuynh hướng mất dần đi một cấu trúc gấp được tìm thấy trong não của tất cả những người bình thường như chúng ta.

Phát hiện này hoàn toàn không gây ngạc nhiên. Các nhà nghiên cứu trước đây cũng đã nhìn thấy những vùng não lớn ra tương tự như vậy. Bà Witelson cho biết: “Trong não của nhà toán học Gauss và nhà vật lý học Siljestrom, cũng thấy có sự phát triển rộng ra của các vùng đỉnh dưới”.

DÙNG ĐẾN HAY ĐỂ MẦT?

Xét nghiệm của nhóm nghiên cứu Witelson không trả lời câu hỏi sâu hơn về việc liệu sự phát triển của các phần đặc biệt trong não có thể có liên quan đến sự thông minh hay không. Xét nghiệm này cũng không giải thích vùng não này đã lớn ra như thế nào. Bước kế tiếp các nhà nghiên cứu sẽ tiến hành là xét nghiệm các nhà toán học tình nguyện, những người này sẽ làm toán trong khi được chụp PET(positron emission tomography: chụp tia X cắt lớp phát positron). Được dùng chủ yếu trong các phòng thí nghiệm nghiên cứu, các máy chụp cắt lớp PET tạo ra các hình ảnh cho thấy phần nào của não làm việc khi đối tượng thí nghiệm đang làm các công việc khác nhau. Kỹ thuật này đã từng được dùng đến để xác định các phần nào của não có liên quan khi chúng ta nhìn, nói hay suy nghĩ. Nếu như vùng đỉnh sau phát triển cực mạnh hơn bình thường ở những người có tài năng toán học, thì hình hiển thị của máy chụp PET sẽ sáng rực lên như cây thông Nô-en.

Nếu điều này xảy ra, các nhà khoa học sẽ đối mặt với một vấn đề thậm chí lớn hơn: Có phải một số người mới sinh ra đã có bộ não được điều chỉnh tự nhiên cho việc lập luận toán học? Hay là, sự khác biệt về mặt vật chất này là sản phẩm của sự trải nghiệm? Ý kiến cho rằng những gì mà một đứa bé nhìn, nghe và cảm nhận ảnh hưởng tới sự phát triển của não bộ từ lâu đã không còn là xa lạ. Ngày càng có nhiều chứng cứ cho thấy: Các trải nghiệm thời thơ ấu có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của não bộ. Chẳng hạn như những đứa bé bị bệnh đục nhân mắt bẩm sinh sẽ bị mù lòa nếu như bệnh không được chữa ngay. Các tế bào liên quan đến việc phân giải hình ảnh nhìn thấy, ở một mức độ nào đó, đơn giản là bị chết dần đi. Não của trẻ em xem ra cũng được “cài đặt” để học cách hiểu nhiều ngôn ngữ, miễn là chúng được dạy khi chúng còn rất nhỏ. Khi chúng đến tuổi trung học, các mối liên hệ thần kinh cho phép học nhanh các ngôn ngữ đã mất đi lâu rồi. Vì trường hợp trên là đã được xác nhận, nên có lẽ người ta sẽ tìm thấy được chìa khóa để trở thành thiên tài trong thời thơ ấu, và các trải nghiệm và kích thích mà trẻ trải qua.

Nếu như dòng lý luận khoa học ngày nay đi khám phá hoạt động của não trở nên mệt lử (như nhiều người hoài nghi là nó sẽ như vậy), thì bài học cuối cùng mà Einstein phải dạy có lẽ là: Sự phát triển của não bộ tuân thủ theo cùng quy luật tự nhiên như mọi phần khác của cơ thể. Nói cách khác, các bậc cha mẹ, nếu không khiến cho trẻ nhỏ dùng não bộ của mình, chúng sẽ mất nó. Và một trong những hậu quả có thể là: trẻ sẽ chẳng còn cảm giác khó chịu khi bị người lớn cấm xem ti vi!

@ Chú thích: Bộ não của Einstein đã được cắt ra thành những khối nhỏ và được nghiên cứu bởi các đồng nghiệp của ông, những người mà giờ đây khẳng định rằng bộ não của Einstein thực sự khác lạ

(Theo Popular mechanics)

Einstein bông đùa như thế nào?

Bình luận về bài viết này

Bích Hạnh

Trong những năm tháng cuối đời, Albert Einstein đã cố gắng làm khuây khỏa con vẹt rầu rĩ của mình bằng cách nói với nó những câu hài hước tục tĩu và giả vờ ốm để tránh mặt khách đến thăm. Một cuốn nhật ký mới được tìm thấy của một người phụ nữ tiết lộ điều đó.

Người phụ nữ này là bạn gái cuối cùng của Einstein. Ngoài những lời tự bạch về sự khổ nhọc trong những công trình vật lý, hầu hết cuốn nhật ký của Johanna Fantova hồi tưởng những quan điểm của Einstein về chính trị thế giới và đời sống riêng tư của ông.

Tài liệu này là “một phác họa chân thực về những nỗ lực đấu tranh dũng cảm của Einstein trước đủ loại phiền hà của bệnh tật và tuổi tác”, Freeman Dyson, một nhà toán học tại Viện nghiên cứu khoa học tiên tiến ở Princeton, bang New Jersey (Mỹ), nhận định.

Cuốn nhật ký 62 trang, ra đời ở Đức, được khám phá vào tháng 2 vừa qua trong hồ sơ của Fantova tại Thư viện Firestone, Đại học Princeton, nơi bà từng làm việc với tư cách người phụ trách. “Điều ngạc nhiên là vật lý được đề cập quá ít trong cuốn nhật ký”, Donald Skemer, người quản lý bản thảo tại Thư viện Firestone, cho biết.

Fantova viết rằng bà ghi lại thời gian ở bên nhà vật lý lừng danh để “làm sáng tỏ vài điều chưa biết của chúng ta về Einstein, không phải như một người đàn ông vĩ đại trở thành huyền thoại trong thời đại mình, cũng không phải như một nhà bác học danh tiếng mà là một Einstein đời thường”.

Fantova trẻ hơn Einstein 22 tuổi. Và mặc dù hai người dành thời gian đáng kể cho nhau bắt đầu từ những năm 1940, nhật ký của bà chỉ ghi lại mối quan hệ của họ từ tháng 10/1953 cho đến khi ông mất vào tháng 4/1955, ở tuổi 76. Bà mất vào năm 1981, khi 80 tuổi.

Cuốn nhật ký thuật lại quan điểm của Einstein về chính trị thời kỳ đó, mô tả ông chỉ trích những lời nói của Adlai Stevenson, cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và cuộc tấn công chống cộng do Thượng nghị sĩ Joshep McCarthy thực hiện với nhà khoa học J. Robert Oppenheimer.

“Sự đàn áp chính trị đối người bạn đồng liêu của ông là một nguyên nhân khiến ông vỡ mộng”, Fantova viết. Ngoài chính trị, Fantova còn viết về sự cởi mở của Einstein và nỗ lực của ông để trả lời thư những người lạ mặt, một số trong đó cố gắng biến ông thành người theo đạo Cơ Đốc. Ông nói: “Tất cả những người điên trên thế giới đều viết thư cho tôi”.

Cuốn nhận ký cũng ghi lại vào lần sinh nhật thứ 75 của mình, Einstein nhận được một quà tặng là một con vẹt. Sau khi nhận thấy nó trở nên u sầu, nhà bác học đã cố gắng thay đổi tâm trạng của nó bằng những câu đùa tục tĩu. Vào thời gian này, Einstein thường giả bộ ốm nặng để tránh khách tới thăm và muốn chụp ảnh ông, và tự tìm cách giải trí ngay cả khi ốm đau thật.

“Sức khỏe của Einstein bắt đầu sa sút nhưng ông vẫn tiếp tục tự buông thả theo những sở thích của mình như đi thuyền. Hiếm khi tôi thấy ông vui vẻ và rạng rỡ như trên con thuyền bé nhỏ cổ xưa kỳ lạ ấy”, Fantova viết. Einstein còn gửi thư cho Fantova, mà một số trong đó được bà ghi lại vào nhật ký. Thư viện Princeton hiện cũng giữ một bộ sưu tầm các bài thơ, thư tay và ảnh mà Einstein gửi cho Fantova.

Einstein và người vợ thứ hai Elsa, đến Princeton năm 1933, khi Viện Nghiên cứu khoa học tiên tiến mới được thành lập. Elsa qua đời 3 năm sau đó. Fantova gặp nhà bác học vào năm 1929 ở Berlin. Bà đến Mỹ một mình năm 1939 và với sự thúc giục của Einstein, đã xin vào làm ở thư viện Đại học Bắc Carolina.

(theo AP)

Albert einstein (1879 – 1955 ), vĩ nhân thứ tám

Bình luận về bài viết này

Albert Einstein

Vietsciences- Phạm Văn Tuấn             17/04/2005

Albert einstein (1879 – 1955 ), vĩ nhân thứ tám

 

Thủ bút bằng tiếng Ðức của một bài báo đăng bằng tiếng Anh  về  E = mc² tựa đề:  “The Most Urgent Problem of Our Time”. Ðăng trong  tờ Science Illustrated, 1946.

Sau khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt, có một nhà đại bác học được toàn thế giới ca ngợi về một phương trình lừng danh nhất của Khoa Học, đó là phương trình cho biết năng lượng của vật chất: E=mc2. Trong hàng chục năm trời, E = mc2 vẫn chỉ là đề tài của các cuộc tranh luận về mặt lý thuyết, nhưng sự san bằng thành phố Hiroshima vào năm 1945 do quả bom nguyên tử đã chứng minh sự thật của phương trình đó.

Trước lời ca tụng, trước vinh quang rực rỡ, Albert Einstein, tác giả của phương trình lừng danh kể trên lại, giữ một bộ mặt thẹn thùng, xa lạ. Sự quảng cáo thanh danh đã quấy nhiễu ông suốt đời nhưng tất cả đều bị ông coi thường, lãnh đạm. Einstein chỉ khao khát độc nhất sự trầm lặng để có thể suy nghĩ và làm việc.

1- Thời niên thiếu.

Albert Einstein sinh ngày 14-3-1879 tại Ulm, miền Wurtemberg, nước Đức. Cái tỉnh nhỏ bé này không mang lại cho Albert một kỷ niệm nào cả vì năm sau, gia đình Einstein đã di chuyển tới Munich. Sống tại nơi đây được một năm, một người em gái của Einstein ra chào đời và từ đó không có thêm tiếng trẻ thơ nữa. Chủ gia đình, ông Hermann Einstein là người lạc quan, tính tình vui vẻ. Còn bà mẹ, bà Pauline Koch, đã tỏ ra có óc thẩm mỹ ngoài bản tính cần cù, tế nhị. Bà hay khôi hài và yêu thích âm nhạc.

Vốn dòng dõi Do Thái nhưng gia đình Einstein lại sinh sống như người Đức vì tổ tiên của họ đã sinh cơ lập nghiệp tại nước Đức lâu đời. Các phong tục Do Thái cũ đều còn lại rất ít, trong khi tôn giáo bao giờ cũng là thứ mà họ giữ gìn. Vào các ngày lễ riêng của đạo Do Thái, nhóm dân này thường cử hành các buổi lễ theo nghi thức cổ truyền. Ngoài ra, cứ vào ngày thứ năm, gia đình Einstein thường mời một sinh viên Do Thái nghèo túng đến dùng cơm rồi cùng nhau nhắc nhở lại các điều răn trong Thánh Kinh

Cha HermannMẹ Pauline

Cha Hermann Einstein                                           Mẹ Pauline Koch

Munich, thành phố mà Albert Einstein đã sống trong thời thơ ấu, là trung tâm chính trị và văn hóa của nước Đức tại miền nam. Ông Hermann đã mở tại thành phố này một cái xưởng nhỏ về điện cơ. Ông có một người em là kỹ sư điện nhiều kinh nghiệm, hai anh em cùng góp sức vào việc khai thác nguồn lợi: anh trông nom về mặt giao dịch buôn bán còn em cai quản phần kỹ thuật chuyên môn.

Từ ngày lọt lòng mẹ, cậu Albert chẳng có gì khác hơn những đứa trẻ thông thường. Cậu chậm biết nói đến nỗi lên 3 tuổi mà còn bập bẹ tiếng một khiến cho cha mẹ tưởng cậu bị câm. Hai ba năm sau, Albert vẫn còn là đứa trẻ ít nói, rút rát, thường lánh xa mọi đứa trẻ cùng phố. Cậu ít bạn và không ưa thích đồ chơi. Đoàn lính bằng chì của cha tặng cho cũng không làm cậu vui thích, điều này quả là khác thường bởi vì xứ sở này phải gọi là quê hương của những đoàn quân thiện chiến, của các tướng lãnh lừng danh như Bismarck, như Von Moltke. Cách giải trí mà cậu ưa thích là hát khe khẽ các bài thánh ca khi dạo mát một mình ngoài cánh đồng. Einstein đã sống trong tình thương của cha mẹ và bên cạnh người chú tài ba. Chính nhờ ông này mà Einstein có được các khái niệm đầu tiên về Toán Học.

Hình lớp học tại Munich năm 1889. Einstein đứng thứ hai, bên phải, hàng đầu. Câu chỉ giỏi toán và la tinh (Hình của Stadtarchiv, Ulm )
Thời bấy giờ tại nước Đức, các trường tiểu học không phải do chính phủ mở ra mà được các giáo hội phụ trách. Tuy theo đạo Do Thái nhưng ông Hermann lại cho con theo học một trường tiểu học Thiên Chúa giáo, có lẽ ông muốn con mình về sau này sinh sống như một đứa trẻ Đức. Einstein đã theo dần các lớp tiểu học mà không hề cảm thấy mình là một đứa trẻ khác đạo. Tại trường học, Albert Einstein không tỏ ra xuất sắc. Bản tính rút rát và ưa tư lự của cậu khiến cho các bạn thường chế riễu cậu là người mơ mộng.

Wilhelm II, hoàng đế Đức, vua Phổ,

Năm lên 10 tuổi, Albert Einstein rời trường tiểu học vào Gymnasium tức là trường trung học Đức. Việc học của các thiếu niên Đức từ 10 tới 18 tuổi đều do Gymnasium quyết định và cho phép lên Đại Học hay bước sang các ngành kỹ thuật. Tại bậc trung học, học sinh phải học rất nhiều về tiếng La-Tinh và Hy Lạp. Kỷ luật nhà trường rất nghiêm khắc, các giáo sư thường độc đoán và xa cách học sinh. Sống tại một nơi có nhiều điều bó buộc như vậy, Albert Einstein cảm thấy khó chịu. Có lần cậu nói: “Tại bậc tiểu học, các thầy giáo đối với tôi như các ông Thượng Sĩ, còn tại bậc trung học, giáo sư là các ông Thiếu Úy”. Sự so sánh này làm nhiều người liên tưởng tới đội quân của Vua Wilhelm II, với các ông Thượng Sĩ là những người thô tục và tàn bạo còn sĩ quan thường ưa thích uy quyền, lại tỏ ra bí mật và quan trọng.

Từ thuở nhỏ, Albert Einstein đã yêu thích học hỏi về Vật Lý. Cậu còn nhớ khi lên 5 tuổi, cha cậu cho cậu một chiếc địa bàn. Chiếc kim lúc nào cũng chỉ về một hướng làm cho cậu bé này thắc mắc, suy nghĩ. Lớn lên, Einstein ưa thích đọc các loại sách Khoa Học. Chàng sinh viên Do Thái tới ăn cơm vào ngày thứ năm đã khuyên Einstein đọc bộ sách “Khoa Học Phổ Thông” của Aaron Bernstein. Nhờ cuốn này mà Einstein hiểu biết thêm về Sinh Vật, Thực Vật, Vũ Trụ, Thời Tiết, Động Đất, Núi Lửa cùng nhiều hiện tượng thiên nhiên khác.

Về Toán Học, không phải nhà trường cho cậu các khái niệm đầu tiên mà là gia đình và ông chú ruột đã chỉ dạy cho cậu rõ ràng hơn các giáo sư tại Gymnasium. Nhà trường đã dùng phương pháp cổ điển, cứng rắn và khó hiểu bao nhiêu thì tại nhà, chú của cậu lại làm cho cách giải các bài toán trở nên vui thích, dễ dàng, nhờ cách dùng các thí dụ đơn giản và các ý tưởng mới lạ.

Năm 12 tuổi, Albert Einstein được tặng một cuốn sách về Hình Học. Cậu nghiền ngẫm cuốn sách đó và lấy làm thích thú về sự rõ ràng cùng các thí dụ cụ thể trong sách. Nhờ cuốn này, cậu học được cách lý luận phân minh và cách trình bày thứ tự của một bài tính. Do đó, cậu hơn hẳn các bạn về môn Toán. Vì được cha mẹ cho học đàn vĩ cầm từ khi lên 6 tuổi nên càng về sau, Einstein càng yêu thích âm nhạc và cảm thông được vẻ trong sáng và bay bướm trong các nhạc phẩm của Mozart. Năm 14 tuổi, Albert Einstein đã được dự vào các buổi trình diễn âm nhạc và nhờ vậy, cậu thấy mình còn kém về kỹ thuật vĩ cầm.

Đời sống tại nước Đức càng ngày càng khó khăn. Vào năm 1894, ông Hermann đành phải bán cửa hàng của mình rồi sang Milan, nước Ý, mở một cơ xưởng tương tự. Ông để con trai ở lại nước Đức theo nốt bậc trung học, vì chính nơi đây sẽ cho phép con ông bước lên bậc Đại Học. Vốn bản tính ưa thích Tự Do, Albert Einstein cảm thấy ngạt thở khi phải sống tại Gymnasium. Rồi quang cảnh ngoài đường phố nữa: vào mỗi buổi chiều, khi đoàn lính đi qua, tiếng trống quân hành đã kéo theo hàng trăm đứa trẻ. Các bà mẹ Đức thường bế con đứng xem đoàn thanh niên trong bộ quân phục diễn qua, và ước mơ của các thiếu nhi Đức là một ngày kia, chúng sẽ được đi đứng hiên ngang như các bậc đàn anh của chúng. Trái với sở thích chung kể trên, Albert Einstein lại rất ghét Quân Đội, rất ghét Chiến Tranh. Về sau này, có lần Einstein đã nói: “Tôi hết sức kinh rẻ kẻ nào có thể vui sướng mà đi theo nhịp quân hành, nếu họ có một khối óc thì quả là nhầm lẫn rồi, một cái tủy xương sống là đủ cho họ”.

Nền kỹ nghệ phát triển rất nhanh tại nước Đức đã khiến cho con người hầu như quên lãng thiên nhiên. Trái lại tại nước Ý, cảnh thiên nhiên rực rỡ và bầu trời trong sáng của miền Địa Trung Hải đã khiến cho Einstein tin tưởng đó là thiên đường nơi hạ giới. Vì sống trong cảnh cô đơn quá đau khổ nên nhiều lần Albert Einstein đã định bỏ trường học mà sang nước Ý sống với cha mẹ. Cuối cùng cậu tìm đến một y sĩ và xin giấy chứng nhận mình bị suy yếu thần kinh, cần phải tĩnh dưỡng tại nước Ý trong 6 tháng. Ông Hermann rất bực mình khi biết con bỏ dở việc học mà theo sang Milan. Albert lại cho cha biết ý định từ bỏ quốc tịch Đức bởi vì cậu đã chán ghét sự bó buộc của xứ sở đó. Nhưng cuộc sống tại Milan không phải dễ dàng. Ông Hermann cũng không quyết định cư ngụ tại nơi đây và việc xin cho Albert nhập quốc tịch Ý chưa chắc đã thành công trong một thời gian ngắn, như vậy Albert sẽ là một người không có tổ quốc. Ông Hermann khuyên con trai nên chờ đợi.

Thời gian sống tại nước Ý đối với Einstein thật là sung sướng. Cậu lang thang khắp các đường phố, đâu đâu cũng vang lên tiếng hát của người dân yêu thích âm nhạc. Cậu đi thăm rất nhiều viện bảo tàng, và các lâu đài tráng lệ với các tác phẩm nghệ thuật đã làm cho mọi người phải say sưa, lưu luyến. Phong cảnh của nước Ý thực là hữu tình nên đã khiến cho con người yêu mến thiên nhiên. Người dân tại nơi đây không làm việc như một cái máy, không sợ quyền hành, không bị ràng buộc vào các điều lệ nhân tạo gò bó mà trái lại, tất cả mọi người đều cởi mở, vui vẻ và hồn nhiên.

Tại Milan, nghề điện đã không giúp được cho gia đình Einstein sung túc. Ông Hermann phải bảo con trai đi kiếm một việc làm nuôi thân. Albert tính rằng để có thể tiếp tục sự học, điều hay nhất là cậu xin vào một trường nào cấp học bổng. Vì không tốt nghiệp từ Gymnasium, Albert không thể nào xin lên đại học được, vả lại cậu khá về toán học nên một trường kỹ thuật sẽ hợp với cậu hơn.

2- Lúc trưởng thành.

Tại châu Âu vào thời kỳ đó, ngoài các trường kỹ thuật của nước Đức ra, trường Bách Khoa tại Zurich là nơi danh tiếng. Trường này thuộc Liên Bang Thụy Sĩ là một nước có nền chính trị trung lập ở châu Âu. Các sinh viên ngoại quốc nào không thể theo đuổi sự học tại nước mình vì lý do chính trị, có thể tiếp tục sự học tại nơi đây. Vì vậy trong trường Bách Khoa, số sinh viên nước ngoài cũng khá đông. Muốn vào trường, sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển. Einstein cũng nộp đơn dự thi nhưng chàng bị rớt: chàng thiếu điểm về môn sinh ngữ và vạn vật, tuy rằng bài toán của chàng thừa điểm. Thực vậy, sự hiểu biết của Einstein về Toán đã vượt hơn các bạn.

Sau khi thi rớt, Einstein bắt đầu lo ngại. Cái viễn ảnh đen tối hiện lên trong trí óc chàng. Cuộc mưu sinh của cha chàng tại nước Ý cũng gặp nhiều trắc trở. Einstein tự trách đã nông nổi bỏ sang nước Ý và hối tiếc sự học tại Gymnasium khi trước, tuy bó buộc thực nhưng đủ bảo đảm cho tương lai. Nhưng may mắn cho Albert, bài làm xuất sắc về Toán của chàng đã khiến cho viên giám đốc trường Bách Khoa chú ý. Ông ta khuyên chàng nên theo học tại một trường khá nổi danh thuộc tỉnh Aarau. Einstein tự hỏi liệu nơi mình sẽ tới học có giống như các trường tại nước Đức không? Cái hình ảnh cũ của ký túc xá hồi còn nhỏ khiến cho chàng sợ hãi lối sống cũ và phân vân trước khi bước vào một nơi học mới. Bất đắc dĩ, Einstein đành phải nhận lời.

Khi tới Aarau, Einstein đã ngạc nhiên hết sức: tất cả các điều ước đoán của chàng khi trước đều sai hết. Nơi đây không có điều gì giống Gymnasium của nước Đức. Tinh thần của thầy trò nơi đây khác hẳn: kỷ luật sắt không có, giáo sư cố công hướng dẫn học sinh biết cách suy nghĩ và tự làm việc. Các bậc thầy đều là những người cởi mở, luôn luôn tiếp xúc với học sinh, bàn bạc cùng cho họ những lới khuyên bảo chân thành. Tinh thần học hành tại nơi đây đã theo đường lối dân chủ thì phương pháp học tập cũng được canh tân theo đà tiến bộ. Học sinh được làm lấy các thí nghiệm về Vật Lý và Hóa Học, được xem tận mắt các máy móc, các dụng cụ khoa học. Còn các môn học khác cũng được giảng dạy bằng cách căn cứ vào các dẫn chứng cụ thể, rõ ràng.

Sau một năm theo học tại Aarau, Einstein tốt nghiệp trung học và được nhận vào trường Bách Khoa Zurich mà không phải qua một kỳ thi nào khác. Trường kỹ thuật này đã cho chàng các sự hiểu biết căn bản về Vật Lý và Toán Học. Ngoài ra, vào các thời giờ nhàn rỗi, Einstein thường nghiền ngẫm các tác phẩm khoa học của Helmholtz, Kirchhoff, Boltzmann, Maxwell và Hertz.

Càng chú tâm đọc sách Vật Lý , Einstein lại càng cảm thấy cần phải có trình độ hiểu biết rất cao về Toán Học. Tuy nhiên, vài giờ Toán tại trường đã không khiến cho chàng chú ý, phải chăng do giáo sư toán thiếu khoa sư phạm? Thực vậy, ông Hermann Minkowski, Giáo Sư Toán, đã không hấp dẫn được sinh viên vào các con số tuy rằng ông là một nhà toán học trẻ tuổi nhưng xuất sắc. Dù sao, những ý tưởng về các định luật Toán Học do ông Minskowski đề cập cũng đã thấm nhập ít nhiều vào trí óc của Einstein và giúp cho chàng phát triển về môn Vật Lý sau này.

 Đám cưới Mileva và AlbertTại nước Ý, cơ xưởng của ông Hermann chỉ mang lại một nguồn lợi nhỏ nên Albert Einstein sống nhờ vào tiền trợ cấp của một người trong họ. Hàng tháng chàng nhận được 100 quan Thụy Sĩ. Tuy món tiền này quá nhỏ nhưng Einstein phải để dành 20 quan, hy vọng sau này sau khi tốt nghiệp, chàng có đủ tiền xin được quốc tịch Thụy Sĩ. Vì cách tiết kiệm này, chàng phải chịu cảnh thiếu thốn và không hề biết tới sự xa hoa.

Từ thuở nhỏ, Einstein đã ít chơi đùa cùng các đứa trẻ trong xóm thì ngày nay khi sống tại trường đại học, chàng cũng vẫn là một sinh viên dè dặt. Tuy vậy, không phải Einstein không có bạn thân. Chàng hay tiếp xúc với Friedrich Adler. Anh chàng này là người Áo, con một nhà lãnh tụ phe Dân Chủ Xã Hội thuộc thành phố Vienna và ông này không muốn con trai của mình dính dáng tới chính trị nên đã gửi Adler tới Zurich theo học. Einstein còn có một cô bạn gái rất thân: cô Mileva Maritsch, người Hung. Cô này thường trao đổi bài vở với Einstein.

Vào năm 1901, Albert Einstein tốt nghiệp trường Bách Khoa và cũng trở nên công dân Thụy Sĩ. Đối với những sinh viên mới ra trường và có năng khiếu về Khoa Học thì ước mơ của họ là làm thế nào có thể xin được một chân giúp việc cho một giáo sư đại học nhiều kinh nghiệm rồi nhờ vậy có thể học hỏi thêm những phương pháp khảo cứu khoa học của ông ta. Einstein cũng mong ước như thế nhưng các đơn xin đều bị khước từ. Không xin được việc tại trường đại học, Einstein quay sang việc nạp đơn vào một trường trung học, nhưng mặc dù có nhiều thư giới thiệu nồng nàn, mặc dù xuất thân từ trường Bách Khoa và có quốc tịch Thụy Sĩ, Einstein vẫn không xin được việc làm. Phải chăng người ta đã không coi chàng như một người dân chính gốc mà chỉ là một công dân trên giấy tờ?

Chờ mãi thì phải có việc: một người bạn của Einstein giới thiệu chàng với ông Haller, giám đốc Phòng Văn Bằng ở Berne. Văn Phòng này đang thiếu một người thạo về các phát minh khoa học trong khi Einstein lại chưa có một kinh nghiệm gì về kỹ thuật cả. Nhưng sau một thời gian thử việc, Einstein được chấp nhận. Bổn phận của chàng là phải xem xét các bằng sáng chế: công việc này không phải là dễ vì các nhà phát minh thường là các tài tử, không biết diễn tả những điều khám phá theo thứ tự, rõ ràng.

Nhờ làm việc tại Phòng Văn Bằng, Einstein được lãnh lương 3 ngàn quan. Cuộc sống tương đối dễ chịu khiến chàng nghĩ đến việc hôn nhân. Einstein cưới cô bạn gái cũ là Mileva Maritsch tuy nàng hơn chàng vài tuổi. Mileva là người có tư tưởng hơi tiến bộ lại không biết cách sống hòa mình với các người chung quanh, vì vậy gia đình Einstein không được hạnh phúc lắm. Ít lâu sau, hai người con trai ra đời, đứa con cả cũng mang tên Albert như cha. Einstein đã tìm được hạnh phúc bên hai đứa con kháu khỉnh.

3- Thời kỳ khảo cứu Khoa Học.

Sau nhiều tháng sống tại Berne, Albert Einstein thấy rằng các công việc tại Phòng Văn Bằng càng ngày càng trở nên dễ dàng hơn, vì vậy ông có đủ thời giờ để tâm tới môn Vật Lý Toán Học.

Tuy Einstein ưa thích lối sống cô đơn nhưng không phải là ông không có cảm tình với các người chung quanh. Tư tưởng cởi mở của ông khiến cho ông có nhiều bạn. Sự vui đùa và cách châm biếm khiến ông luôn luôn vui nhộn và đầy nhựa sống. Nụ cười hiện ra trên môi làm cho mọi người phải chú ý đến ông. Người nào đã sống gần Einstein đều nhận thấy rằng sự cười đùa của ông là một nguồn vui, song đôi khi nó còn là sự chỉ trích. Hình như Einstein có cảm tình với bất cứ ai, nhưng ông lại không thích đi tới sự quá thân mật khiến cho ông thiếu tự do. Phải chăng sự ưa thích sống cô đơn để hy sinh hoàn toàn cho Khoa Học đã làm cho Einstein xa cách các bạn bè trong khi nội tâm của ông lại có tình cảm với tất cả mọi người. Mãi về sau, vào năm 1930, Einstein đã phân tích cái trạng thái tình cảm đó như sau: “vì tôi say mê sự công bằng và nhiệm vụ xã hội nên tôi đã phạm phải một điều tương phản kỳ lạ khá quan trọng là tôi thiếu sự hợp tác trực tiếp với mọi người. Tôi là một con ngựa tự thắng lấy yên cương”.

Ernest Mach (1838-1916) Nhà vật lý và triết gia Áo Emmanuel Kant Schopenhauer

 

Henri Poincaré (1854 -1912) Pháp.  Nhà khoa học lớn cuối tk 19 Nietzsche David Hume

 

Tại Berne, ngoài thời giờ khảo cứu về Toán và Vật Lý Học, Einstein còn để tâm đến Triết Học. Vài triết gia đã giúp ông học được các nguyên tắc đại cương của phương pháp luận lý. Chính phương pháp này cho phép các nhà bác học diễn tả những điều nhận xét trực tiếp thành các định luật rõ ràng. David Hume, Ernest Mach, Henri Poincaré và Emmanuel Kant thuộc vào hạng các triết gia kể trên. Còn Schopenhauer và Nietzsche khiến Einstein chú ý vì các vị này đã phát biểu các tư tưởng đôi khi không cần thiết, đôi khi tối nghĩa bằng các câu văn đẹp đẽ, gợi lên cho người đọc những cảm xúc, khiến cho người ta phải mơ màng, suy nghĩ, chẳng khác gì một người biết nhạc được thưởng thức vài khúc tiết tấu nhịp nhàng. Tuy nhiên, David Hume (1711-1776, người Anh)  vẫn là người được Einstein ưa thích nhất. Nhiều người biết rằng triết gia gốc Anh này là người khởi xướng phương pháp luận lý thực nghiệm và cách trình bày suy luận của ông ta thực là sáng sủa, phân minh.

Suốt trong 5 năm trường, từ 1901 tới 1905, các cố gắng tư tưởng của Einstein đã mang lại kết quả: ông đã nghiên cứu và lập ra định luật liên kết thời gian và không gian. Vào một buổi sáng tháng 6 năm 1905, viên chủ nhiệm tạp chí Annalen der Physik tại Munich tiếp một thanh niên tóc đen không chải, quần áo cũ kỹ. Thanh niên đó đưa viên chủ nhiệm một cuộn giấy 30 trang và yêu cầu đăng trên tạp chí khoa học.

Albert Einstein đã trình bày “Thuyết Tương Đối” của mình trên tờ báo vật lý Annalen der Physik. Ông đã đề cập đến sự tương quan của năng lượng và khối lượng bằng một phương trình lừng danh nhất của Khoa Học: E = MC2. Nói một cách đại cương, phương trình trên có nghĩa là năng lượng của vật chất thì bằng khối lượng nhân với bình phương tốc độ của ánh sáng. Theo lý thuyết này, nếu người ta biết một phương pháp kỹ thuật, thì với một ký than gỗ, hay một ký đá sỏi, hay một ký mỡ heo, người ta có thể rút ra một năng lượng tương đương với 25 ngàn triệu (tỷ) kilowatt-giờ điện lực [1], nghĩa là số điện lực sản xuất thời bấy giờ của tất cả các nhà máy phát điện tại Hoa Kỳ chạy suốt trong một tháng mà không nghỉ.

Sau khi bài khảo cứu của Albert Einstein được phổ biến tại châu Âu, thì Henri Poincaré ở Pháp, Hendrik Lorentz ở Hòa Lan, Max Planck ở Đức, cùng tất cả các đầu óc khoa học vĩ đại thời bấy giờ đều sửng sốt và đã viết thư hỏi tòa báo : – “Ai đã viết bài báo đó ? Có phải là một giáo sư đại học không? “. Tòa báo đã trả lời : – “Một thanh niên Do Thái, quốc tịch Đức, 26 tuổi, giúp việc tại Phòng Văn Bằng tại Berne”.

Bài khảo cứu của Einstein đã làm cho nhiều người thắc mắc, nghi ngờ. Vào thời kỳ đó, ít người đo lường nổi sự quan trọng lớn lao của học thuyết Einstein nhưng dù sao, lý thuyết đó đã cách mạng hóa quan niệm của con người về Vũ Trụ. Henri Poincaré khi đó đã viết về Albert Einstein như sau: “Ông Einstein là một trong các đầu óc khoa học phi thường mà tôi chưa từng thấy. Đứng trước một bài tính vật lý, ông Einstein đã không bằng lòng với các nguyên tắc cổ điển sẵn có, mà còn nghiên cứu tất cả các trường hợp có thể nhận được”.

Thật là kỳ lạ khi công trình khảo cứu có giá trị lớn lao đó lại do một nhân viên xoàng của Phòng Văn Bằng phổ biến. Người ta vội mời ông giảng dạy tại trường Đại Học Zurich. Mọi người đều biết rằng tại các trường Đại Học, trước khi trở thành một giáo sư thực thụ, ai cũng phải trải qua thời kỳ của một giảng sư. Einstein nhận giữ chân này theo lời khuyên của Giáo Sư Kleiner.

Chân Giáo Sư môn Vật Lý Lý Thuyết tại trường Đại Học Zurich bị trống. Vì vấn đề chính trị, hội đồng quản trị đại học mời Friedrich Adler, giảng sư, lên phụ trách, nhưng Adler đã từ chối và nói: – “Nếu có thể có một người như Einstein vào Đại Học của chúng ta thì việc gọi đến tôi thật là vô lý. Tôi thú nhận rằng trình độ hiểu biết của tôi không thấm vào đâu với Einstein. Chúng ta không nên vì vấn đề chính trị mà không mời một người có thể làm cho mức hiểu biết tại bậc đại học được cao hơn”. Vì vậy vào năm 1909, Einstein được bổ nhiệm làm “Giáo Sư Đặc Cách” của trường Đại Học Zurich.

Tuy bước lên một địa vị cao hơn trong xã hội, nhưng lúc nào Einstein cũng thản nhiên, bình dị. Cuộc sống mới này tuy khá hơn trước về mặt tài chính, nhưng bà vợ ông vẫn phải chứa trọ các sinh viên để kiếm thêm tiền. Trước tình trạng vật chất còn eo hẹp đó, Einstein đã có lần nói đùa như sau: “Trong Thuyết Tương Đối của tôi, tôi đã đặt rất nhiều đồng hồ tại khắp nơi trong Vũ Trụ nhưng thực ra, tôi thấy không có đủ tiền mua nổi một chiếc để đặt ngay trong phòng của chính mình”. Thời gian sinh sống tại Zurich thật là phẳng lặng, hai ông bà Einstein cùng hồi tưởng thời sinh viên và coi cái tỉnh này như một tổ quốc nhỏ bé, nhưng yêu dấu.

Năm 1910, Đại Học Đường thuộc Đức tại Prague, Tiệp Khắc, thiếu một chân giáo sư vật lý lý thuyết. Đây là trường đại học cổ nhất của miền Trung Âu. Trong hậu bán thế kỷ 19, các giáo sư Tiệp và Đức cùng nhau giảng dạy, nhưng rồi cuộc tranh chấp chính trị đã khiến cho nhà cầm quyền quyết định rằng từ năm 1888, trường đại học này được phân ra làm hai, một đại học Đức, một đại học Tiệp. Sự phân chia đó đã làm cho các giáo sư và sinh viên của hai đại học đường không liên lạc gì với nhau và còn hiềm khích nhau nữa.

Theo nguyên tắc, trường đại học đề nghị các giáo sư vào các ghế trống, còn ông Bộ Trưởng Giáo Dục chỉ định vị được tuyển dụng nhưng thực ra vào thời kỳ đó, quyền chọn lựa thuộc về nhà vật lý học Anton Lampa, một người đã có công trong việc canh tân phương pháp giáo dục. Lúc bấy giờ có 2 người đủ khả năng: Gustave Jaumann, giáo sư thuộc Viện Kỹ Thuật Brno và Albert Einstein là người thứ hai. Theo quy luật, thứ tự các người được chọn lựa phải căn cứ vào công cuộc khảo cứu khoa học của họ, và vì lý thuyết của Einstein được nhiều người biết tới, Einstein được xếp lên trên Jaumann. Nhưng cuối cùng, ông Bộ Trưởng Giáo Dục lại trao chức vụ cho Jaumann, vì ông ta không muốn bổ nhiệm một người ngoại quốc. Jaumann từ chối. Chức vụ về tay Einstein.

Einstein và Max PlanckPhải rời bỏ Zurich để đến một nơi xa lạ là một điều gia đình Einstein không muốn, ông do dự nhưng cuối cùng nhận lời. Sống tại Prague, Einstein thường gặp gỡ Ernest Mach, Viện Trưởng Đại Học và cũng là một nhân vật nổi danh về một ngành Triết Học. Trong thời gian giảng dạy tại Prague, ngoài việc xây dựng lý thuyết về trọng lực, Einstein còn để tâm tới lý thuyết về Quanta ánh sáng của Max Planck. Thuyết ánh sáng truyền theo làn sóng của Augustin Fresnel và thuyết Điện Từ của James Maxwell đã không thể cắt nghĩa được hiện tượng Quang Điện (photoelectric effect). Einstein liền dùng công cuộc khảo cứu của Planck vào các điều suy đoán của mình.

Vào năm 1911, một hội nghị khoa học nhỏ được tổ chức tại Bruxelles, nước Bỉ. Người đứng ra tổ chức là nhà triệu phú Ernest Solvay. Ông này là một kỹ nghệ gia về Hóa Chất và đã thành công lớn. Tuy giàu có nhưng Solvay vẫn yêu thích Khoa Học và có khảo cứu chút ít về Vật Lý. Solvay muốn được nhiều người chú ý đến công lao của mình.

Trong số các bạn, nhà triệu phú Solvay thường giao du với Walther Nernst, một nhà hóa học danh tiếng. Walter Nernst nghĩ đến ý thích của Solvay và đến ích lợi của Khoa Học, nên đề nghị với nhà triệu phú chịu phí tổn cho một hội nghị gồm các nhà bác học danh tiếng của châu Âu và các vị này sẽ bàn luận về các trở ngại của “Nền Vật Lý Mới” rồi nhân dip này, Solvay có thể trình bày lý thuyết của mình. Ernest Solvay ưng thuận. Hội nghị được tổ chức. Sir Ernest Rutherford đại diện cho Anh Quốc, Henri Poincaré và Paul Langevin thay mặt cho Pháp Quốc, Max Planck và Walther Nernst đại diện cho Đức Quốc, H.A. Lorentz là đại biểu của Hòa Lan, xứ Ba Lan được thay mặt bởi bà Marie Curie khi đó đang làm việc tại Paris, còn Albert Einstein đại diện cho Áo Quốc cùng với Franz Hasenohrl.

Hội nghị Solvay

Hội nghị lấy tên là Solvay và diễn ra trong vòng thân mật. Không ai chỉ trích lý thuyết của ông Solvay cả, tất cả đều tránh vì muốn tỏ lòng biết ơn và lịch sự đối với chủ nhân. Ngoài ra, trong cuộc bàn cãi, mọi người đều kinh ngạc về những ý tưởng mới lạ của Einstein. Sau hội nghị, Solvay nhận rõ chân giá trị của buổi gặp gỡ nên về sau, ông ta thường tổ chức các buổi họp khác mà vai chính là Einstein.

Năm 1912, sau một thời gian sống tại Prague, Einstein lại được giấy mời giữ chân giáo sư môn vật lý lý thuyết tại trường Bách Khoa Zurich. Trường này thuộc quyền của Liên Bang Thụy Sĩ nên rất lớn, và những kỷ niệm của tuổi trưởng thành làm cho Einstein cũng muốn quay về nơi chốn cũ. Hơn nữa, bà Mileva vợ ông, lại cảm thấy khó chịu khi sống tại Prague và mong muốn trở lại Zurich, tổ quốc nhỏ bé của bà. Vì vậy Einstein cùng gia đình rời Prague.

Sự ra đi khỏi thành phố Prague của Einstein làm cho nhiều người xao động. Ai cũng muốn lưu giữ danh tiếng của nhà bác học cho địa phương của mình. Các báo chí cho rằng các bạn của ông đã ngược đãi Einstein và bắt ông xin đổi đi. Có người lại nói vì ông gốc Do Thái, nhà cầm quyền không đối xử tử tế với ông khiến cho Einstein phải từ giã Prague. Đúng ra, các điều kể trên trái với sự thực. Tại Prague, Einstein cảm thấy dễ chịu và người dân nơi này với tính tình cởi mở, đã làm cho ông quý mến họ.

Tới cuối năm 1912, Albert Einstein trở thành Giáo Sư Thực Thụ của trường Bách Khoa Zurich và mang lại danh tiếng cho đại học này. Einstein làm việc không ngừng. Các lý thuyết mới về Toán của các nhà toán học Ý Đại Lợi Ricci và Levi-Civita đã làm cho Einstein chú ý đến. Ông cùng với Marcel Grossmann, một người bạn cũ, khảo cứu các phương pháp toán học mới ngõ hầu có thể dùng cho lý thuyết về Trọng Lực.

Vào năm 1913, một hội nghị các nhà bác học Đức được tổ chức tại Vienna. Người ta mời Einstein tới trình bày lý thuyết về Trọng Lực của ông. Trong buổi thuyết trình này, ai cũng phải sửng sốt về các ý tưởng mới mẻ, quá kỳ dị của Einstein. Mọi người trông chờ ở ông một lý thuyết tổng quát, tân kỳ.

Berlin, thủ đô của nước Đức, dần dần trở nên Trung Tâm Chính Trị và Kinh Tế của châu Âu. Hơn nữa, người Đức còn muốn thành phố này là nơi tập trung Khoa Học và Nghệ Thuật. Riêng về Khoa Học, muốn cho bộ môn này phát triển, cần phải có các viện khảo cứu và nhiều nhà bác học danh tiếng. Tại Hoa Kỳ, ngoài các trường đại học ra, còn có các viện khảo cứu được các nhà tư bản như Rockfeller, Carnegie, Guggenheim trợ giúp. Hoàng Đế Wilhelm II cũng muốn các công chình tương tự được thực hiện tại nước mình. Vì thế các kinh tế gia, kỹ nghệ gia và các thương gia Đức cùng nhau góp công, góp của vào việc thành lập Viện Kaiser Wilhelm Gesellschaft. Được tuyển làm nhân viên của Viện là một danh dự lớn lao, lại được danh hiệu Viện Sĩ, được mặc y phục lộng lẫy và đôi khi được tham dự các buổi yến tiệc với nhà vua.

Walther NernstNgười ta đang tìm kiếm các nhà bác học lỗi lạc và sự chọn lựa được căn cứ theo giá trị khoa học của từng người. Vào thời kỳ đó, Max Planck và Walther Nernst là hai nhân vật dẫn đầu về Khoa Học của nước Đức. Hai ông này khuyên vị Giám Đốc Viện Wilhelm, ông Adolphe von Harnack, gửi giấy mời Albert Einstein, một ngôi sao sáng đang lên của nền trời Vật Lý Mới. Einstein cũng được Planck và Nernst khuyên nhủ nên nhận lời để sau này có thể trở nên nhân viên của Hàn Lâm Viện Hoàng Gia Phổ, một danh dự mà các giáo sư Đại Học Đường Berlin đều ao ước. Einstein được mời vào Viện Hoàng Đế Wilhelm thực.

Công việc của Einstein trong Viện sẽ là nghiên cứu theo ý riêng của mình. Ông lại được mời làm Giáo Sư Đại Học Đường Berlin, tại nơi này công việc giảng dạy nhiều hay ít tùy ý. Việc quản trị đại học đường cùng với việc trông coi các kỳ thi, ông sẽ không phải để tâm tới. Einstein được hoàn toàn tự do khảo cứu.

Riêng đối với Einstein, ông cũng phân vân trước việc trở lại Berlin. Cái xã hội đó không hợp với thâm tâm của ông thực, nhưng địa vị cao sang sẽ giúp cho cuộc sống hàng ngày của ông dễ chịu hơn. Nhà bác học bị giằng co giữa hai ý tưởng: quan niệm sống cho Khoa Học, cho bản thân và ý tưởng về một chủ nghĩa xã hội hợp đạo lý. Ngoài ra tại Berlin, Einstein còn có cô em họ, cô Elsa. Ông có gặp cô này vài lần và thấy có cảm tình với nàng. Cuộc ly dị cách đây vài năm với cô Mileva vì bất đồng ý kiến ở vài điểm, đã khiến Einstein nghĩ tới việc lập lại một gia đình mới. Chính điều này cũng góp đôi phần vào quyết định của Einstein trở lại thành phố Berlin. Einstein từ bỏ Zurich vào cuối năm 1913.

Lise Meitner Erwin Schrödinger

Đúng vào năm 34 tuổi, Albert Einstein là nhân viên của Viện Hàn Lâm Berlin và tượng trưng cho một thanh niên sống giữa các đồng viện hầu hết đều cao tuổi hơn, đều là những bậc lão thành trong cuộc sống đại học. Những vị này thường tự cho là quan trọng, trong khi cách cư xử của Einstein lại dễ dàng, bình dị. Tại Berlin, vài vật lý gia thường họp với nhau để bàn luận các vấn đề Khoa Học. Trong các buổi thảo luận đó, ngoài Einstein, Planck và Nernst ra, người ta còn thấy Max Von Laue, Jacques Franck, Gustave Hertz, cô Lise Meitnervà sau này có Erwin Schrödinger, người đã có công về Thuyết Lượng Tử (theorie quantique).

Einstein sống tại Berlin chưa được một năm thì Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ. Một số các nhà bác học thấy rằng mình cũng phải góp phần với các chiến sĩ ngoài mặt trận. Họ liền hoạt động trong phạm vi của họ, tức là nghiên cứu và chế tạo các dụng cụ chiến tranh. Walther Nernst chế tạo hơi ngạt, Fritz Haber, người bạn thân của Einstein, nghiên cứu việc điều chế ammoniac bằng cách dùng khí nitrogen rút ra từ không khí.

Trong thời gian sống tại Berlin này, Einstein đã gặp cô Elsa, một người em họ, một người bạn từ thuở nhỏ. Cô này lúc bấy giờ góa chồng và có 2 đứa con riêng, song cô là người tính tình vui vẻ, lại đảm đang. Hai người thành hôn với nhau và sống một cuộc đời tương đối đầy đủ, nhưng hạnh phúc.

4- Hoạt động chính trị.

Từ trước, Albert Einstein vẫn ghét chiến tranh. Ông cho phổ biến các ý tưởng của mình. Einstein đã diễn thuyết tại nhiều nơi như Hòa Lan, Tiệp Khắc, Áo, vừa giảng giải về lý thuyết vật lý, vừa biện họ cho ý tưởng hòa bình.

Vào thời bấy giờ tại châu Âu, các người Do Thái thấy rằng cần phải liên kết dòng giống của họ hiện đang sống rải rác khắp bốn phương. Một phong trào phục hưng quốc gia Do Thái đang thành hình. Vào năm 1921, Chaim Weizmann, người lãnh đạo phong trào Do Thái Tự Trị (Zionism) có gửi giấy mời Einstein cùng sang Hoa Kỳ vận động cho việc tái lập một quốc gia Do Thái tại Palestine. Weizmann muốn dùng danh tiếng của Einstein để khiến các nhà triệu phú Do Thái tại Hoa Kỳ giúp tiền thành lập một trường đại học tại thủ đô mới. Einstein nhận lời.

Khi Einstein đến New York vào tháng 5 năm 1921, các phóng viên ùa tới chụp ảnh và phỏng vấn ông. Họ hỏi rất nhiều về Thuyết Tương Đối của ông đến nỗi ông tưởng mình bị vào một kỳ thi vấn đáp. Các nhà báo cũng hỏi bà Elsa xem bà có hiểu gì về lý thuyết của chồng không, thì bà trả lời: “ không, tuy rằng ông Einstein đã cắt nghĩa cho tôi nhiều lần, song sự không hiểu rõ đó không ảnh hưởng tới hạnh phúc của chúng tôi”.

Albert Einstein và vợ đi qua đám người hiếu kỳ đứng đón tại bến tầu. Tay phải ông cầm tẩu thuốc lá, tay trái xách chiếc đàn vĩ cầm, hình ảnh này khiến cho nhiều người tưởng lầm ông là một nhạc sĩ tài ba đến trình diễn tại New York, mà không phải là một nhà bác học đã làm đảo lộn quan niệm của con người về Vũ Trụ.

Tại Hoa Kỳ, Weizmann và Einstein được tiếp đón rất trịnh trọng. Tuy hai nhân vật này chỉ đi bênh vực cho một chủ nghĩa Do Thái, nhưng họ được coi như hai người đại diện thực sự cho dân tộc Do Thái vậy. Einstein đã diễn thuyết tại nhiều nơi bằng tiếng Đức, vì lúc đó ông không thạo tiếng Anh lắm. Vào ngày 9 tháng 5 năm đó, Einstein được trao tặng văn bằng Tiến Sĩ Danh Dự của trường Đại Học Princeton và vị Viện Trưởng đã ca tụng bằng tiếng Đức “một Christopher Columbus của Khoa Học, đã băng qua các đại dương của tư tưởng mới lạ”. Sau khi rời Hoa Kỳ, Einstein sang nước Anh rồi trở về Berlin vào tháng 7 năm 1921.

Paul Painlevé

Paul Langevin

Cuộc hành trình của Albert Einstein đã khiến cho sự giao hảo giữa các nhà bác học Mỹ, Anh và Đức được khả quan hơn. Vì vậy, vài nhà bác học Pháp đã đề nghị mời Einstein sang Paris, tuy rằng tại nơi đây, người ta chưa quên mối thù Pháp-Đức cũ. Trong số các người chủ trương ý tưởng trên, có Paul Painlevé và Paul Langevin là hai nhà toán học. Langevin đề nghị dùng một phần lợi tức của trường Collège de France để mời Einstein sang Pháp. Painlevé tán thành nồng nhiệt trong khi nhiều nhà bác học Pháp lại phản đối ra mặt.

Tại nước Đức, các nhóm tương tự cũng muốn bắt buộc Einstein từ chối nhưng vào thời kỳ đó, cả hai nhóm trên tại Pháp và Đức đều chưa đủ mạnh nên chưa thể ngăn trở cuộc hành trình. Einstein nhận lời sang Pháp. Langevin cùng Charles Nordmann, một nhà thiên văn, tới Jeumont gần biên thùy nước Bỉ, để đón Einstein. Thời đó, một nhóm thanh niên ái quốc Pháp định tổ chức một cuộc phản đối tại nhà ga. Langevin được tin đó do cảnh sát cho biết. Ông ta quyết định cho xe lửa chở Einstein ngừng tại một ga nhỏ, không có người đứng đón, rồi dùng xe điện ngầm về khách sạn có ngờ đâu rằng trong khi đó, con trai ông và các sinh viên khác đang mỏi mắt trông chờ được ngưỡng mộ nhà đại bác học tại ga chính.

Albert Einstein tới Paris vào ngày 22-3-1922. Ngày 31, ông diễn thuyết tại Collège de France. Chỉ những người nào yêu thích Khoa Học và không có ý định biểu tình phản đối mới nhận được giấy mời. Ngày hôm đó, Painlevé là người đến trước tiên và đích thân coi sóc việc kiểm soát. Tại Đại Giảng Đường, nơi mà các đại triết gia Ernest Renan và Henri Bergson đã từng diễn giảng hôm đó đông chật thính giả. Người ta thấy có mặt bà Marie Curie, ông Henri Bergson và nhiều nhân vật danh tiếng. Einstein đã dùng tiếng Pháp để thuyết trình. Giọng nói chậm chạp của ông, đôi khi lạc vào cách phát âm của tiếng Đức, đã làm cho bài diễn giảng thêm phần quyến rũ và bí ẩn.

Sự có mặt của Einstein tại Paris khiến cho Hàn Lâm Viện Pháp chia làm hai phe phản đối nhau, trong khi tại nước Đức, một số nhà bác học cũng không bằng lòng. Tuy nhiên, Einstein chỉ nghĩ đến lợi ích chung của Khoa Học và nghĩ tới sự giao hảo giữa các dân tộc trên Thế Giới. Sau khi từ Pháp về, Einstein lại sang Thượng Hải vào ngày 15-11-1922, rồi sang Nhật Bản và ở tại nơi đó cho tới tháng 2 năm sau mới trở lại Palestine, rồi du lịch qua Tây Ban Nha. Khi Einstein sắp đến châu Á thì vào ngày 10-11-1922, Hàn Lâm Viện Khoa Học Thụy Điển quyết định trao tặng ông Giải Thưởng Nobel về Vật Lý Học.

Thuyết Tương Đối của Albert Einstein tuy được nhiều người biết đến nhưng vào thời kỳ này sự tranh luận còn đang sôi nổi, người ta nghi ngờ không biết lý thuyết đó có phải là một phát minh khoa học hay không. Bởi vì Alfred Nobel quy định rằng Giải Thưởng phải được trao tặng cho nhân vật nào đã phát minh ra thứ gì hữu ích cho Nhân Loại, nên Hàn Lâm Viện Thụy điển đã phân vân trước công trình của Einstein về Khoa Học, rồi sau cùng quyết định như sau: “Giải Thưởng được trao cho Albert Einstein về định luật Quang Điện và công trình của ông trong địa hạt Vật Lý Lý Thuyết”.

Từ lâu, các nhà vật lý đều nhận thấy rằng khi cho một loại ánh sáng có tần số đủ cao chiếu vào một miếng kim loại đặc biệt, sẽ có một dòng điện phát ra. Hiện tượng điện học do ánh sáng mà có này được gọi là hiện tượng Quang Điện. Lý thuyết ánh sáng truyền theo làn sóng của Augustin Fresnel rồi Thuyết Điện Từ của James Maxwell đều không thể cho biết căn nguyên và đặc tính của hiện tượng trên. Einstein đã dùng lý thuyết của Max Planck về Quang Tử (quanta) dẫn vào trong định lý về ánh sáng và đặt giả thuyết rằng trong làn sóng ánh sáng có các quang tử chứa năng lượng. Nhờ giả thuyết này, ông đã tìm ra được định luật Quang Điện và định luật này cho phép các nhà khoa học cắt nghĩa được các hiện tượng có bức xạ.

Vào tháng 7 năm 1923, Albert Einstein sang Thụy Điển nhận giải thưởng và diễn thuyết trước một số đông các nhà bác học tại Goteborg. Vua Thụy Điển cũng tới dự.

Trong năm 1925, Albert Einstein có lần đi Nam Mỹ diễn thuyết, còn các năm sau, ông đều sống tại thành phố Berlin. Từ tháng 3 năm 1929, gia đình Einstein bắt đầu cảm thấy khó chịu. Einstein bị nhiều người dòm ngó và báo chí để ý, vì vậy ông quyết định rời sang một căn nhà bên bờ sông ngoài thành phố. Thấy vắng nhà, các báo chí Đức lại phao lên rằng ông đã sang Hòa Lan rồi sang Mỹ.

Sống tại vùng quê, Einstein cảm thấy dễ chịu. Ông có hai sở thích: lái thuyền và chơi đàn. Ai cũng biết rằng việc lái thuyền buồm đòi hỏi ở người thủy thủ nhiều điều hiểu biết về Cơ Học và Vật Lý. Khéo lợi dụng chiều gió để điều khiển con thuyền đi cho đúng hướng mới là người lái giỏi. Về điểm này, Einstein có đủ. Ông thường mang lương thực xuống thuyền mà đi cho đến gần tối mới trở về.

Albert Einstein rất thích âm nhạc. Âm nhạc đối với ông vừa là môn giải trí, vừa là nguồn an ủi và còn là sự cần thiết nữa. Ông có tai nghe nhạc rất đúng và rất ưa thích các nhạc phẩm của Mozart. Ông không có bàn tay đặc biệt của các nhạc sĩ kỳ tài, các bàn tay này thường dài, dầy dặn, với các ngón tay thon thon, song ông chơi đàn một cách rõ ràng, đúng nhịp, không đi trước mà cũng không bỏ qua các dấu nhạc. Trong các nhạc cụ, Einstein ưa thích vĩ cầm. Nhiều người quý mến ông đã gửi tặng ông các nhạc cụ do những thợ đàn danh tiếng làm, nhưng Einstein lại ưa thích cây vĩ cầm tầm thường của Nhật Bản, hình như cây đàn này đã cho ông nhiều kết quả tốt đẹp.

Thật là may mắn cho Einstein khi gặp được bà vợ thứ hai này: bà Elsa. Tại Berlin, Einstein lấy riêng một căn phòng để làm việc. Không ai được phép vào đây, ngay cả vợ ông. Chính tại căn phòng này, ông nghiên cứu và bàn luận với các bạn bè mà không sợ bị quấy rầy. Einstein ưa thích được tự do, bất chấp cả bụi bậm và sự vô thứ tự trong căn phòng làm việc. Hai điều này đã làm cho bà Elsa luôn luôn ân hận. Bà Elsa thường chăm sóc chồng một cách hiếm có. Bà chỉ cho phép ông mỗi ngày hút một điếu thuốc lá. Chính thức thì ông tuân theo kỷ luật này, nhưng trong phòng của ông lại có một hộp thuốc do các bạn ông bỏ đầy vào. Einstein không uống rượu và không thức khuya, sợ rằng việc làm ngày mai sẽ bị đình trệ.

Trời đã phú cho Einstein bản tính hay cười. Không bao giờ ông quên khôi hài, ngay cả khi bị rủi ro. Có người phàn nàn với Einstein rằng thuyết Tương Đối của ông khó hiểu quá, Einstein liền trả lời – “Có gì là khó hiểu, chẳng hạn như khi ta ngồi cạnh người yêu thì thấy một giờ ngắn bằng một phút, còn nếu ta ngồi trên lò lửa hồng thì một phút lại lâu bằng một giờ”.

Một hôm, có người hỏi Einstein: – “Ông có chắc rằng lý thuyết của ông đúng không ?”. Einstein đáp: – “Tôi tin chắc rằng đúng, nhưng người đời chỉ có được dẫn chứng cụ thể vào năm 1981, khi đó tôi đã chết rồi. Khi đó nếu tôi có lý, thì tại nước Đức người ta bảo tôi là người Đức còn người Pháp lại bảo tôi là dân Do Thái. Nếu lý thuyết của tôi sai, thì người Đức bảo tôi là dân Do Thái còn người Pháp sẽ bảo tôi là dân Đức”.

Einstein có thể chất tốt, tuy rằng ông bị đau dạ dầy và yếu tim. Ông có cái đầu khác thường: tất cả khối óc hầu như được đặt tại đằng trước và gần như ông không có hậu chẩm (occiput). Phải chăng chỉ có cái đầu không ký xứng này mới nghĩ ra được các ý tưởng khoa học phi thường?

Vào mùa đông năm 1930, Albert Einstein được mời tới thành phố Pasadena, thuộc tiểu bang California, Hoa Kỳ, để diễn thuyết tại Viện Kỹ Thuật C.I.T. Trong thời gian này, Einstein có gặp nhà bác học Robert Andrews Millikan, người đã làm cho miền California trở nên một trung tâm danh tiếng về nghiên cứu Khoa Học. Mùa đông năm sau, Einstein trở lại Pasedena và quay về Berlin vào mùa xuân năm 1932, lúc mà nền Cộng Hòa Đức hấp hối. Vào tháng 3 năm 1932, Hindenbourg thắng Hitler trong cuộc tuyển cử và trở thành Tổng Thống của nước Đức.

Cuối năm 1932, Einstein lại sang Pasadena, Hoa Kỳ, và vào tháng 1 năm 1933, khi ông đang ở California thì được tin Hindenbourg mời Hitler làm Chưởng Án. Hitler chủ trương thuyết quốc gia cực đoan và là người rất căm thù dân tộc Do Thái, vì vậy Einstein đã phân vân trước khi quay về Đức.

Einstein trở lại châu Âu vào đầu năm 1933 và ngụ tại Ostende, nước Bỉ. Tại nước Đức, dân chúng đã bắt đầu kỳ thị sắc dân Do Thái. Einstein không biết nên xin ra khỏi Hàn Lâm Viện Phổ hay chờ xem Hàn Lâm Viện này loại trừ ông. Cuối cùng, ông đã xin rút tên ra để tránh cho Max Planck đỡ phải khổ tâm trục xuất một người có công khỏi Hàn Lâm Viện theo mệnh lệnh cuồng tín của đảng chính trị Quốc Xã.

Ít lâu sau, Hitler vu cho Einstein chứa khí giới bất hợp pháp và gia sản của ông bị tịch biên. Hơn nữa, đảng Quốc Xã đã treo giải thưởng chiếc đầu của Einstein với giá là 20,000 marks. Einstein quyết định không trở lại Berlin nữa mà tìm kiến một nơi trú ẩn mới. Rất nhiều trường đại học của châu Âu đã gửi giấy mời nhà bác học đến giảng dạy nhưng Einstein muốn rời khỏi châu Âu. Mùa hè năm 1933, Hoa Kỳ gửi giấy mời Albert Einstein.

5- Cuộc sống tại Hoa Kỳ.

Mấy năm về trước, vào khoảng năm 1930, ông Louis Bamberger và bà Felix Fould, theo lời khuyên của ông Abraham Flexner, đã bỏ ra một số tiền 5 triệu mỹ kim để thành lập một Viện Khảo Cứu và Giáo Dục. Nhờ đó, Viện Nghiên Cứu Cao Cấp (The Institute for Advanced Study) được thành lập tại thành phố Princeton, tiểu bang New Jersey. Flexner đi khắp châu Mỹ và châu Âu để tìm người giúp việc cho Viện. Flexner có gặp nhà bác học R.A. Millikan và được ông này nói tới Albert Einstein. Einstein nhận được giấy mời và đành nhận lời bởi vì thời cuộc lúc đó không cho phép ông trở lại nước Đức.

Từ năm 1938, Otto Hahn và F. Strassmann tại Berlin, Irène Curie và Savitch tại Paris, Lise Meitner và O. Frisch tại Copenhague đã làm nhiều thí nghiệm chứng tỏ rằng khi bắn các nhân nguyên tử Uranium, sẽ có một nhiệt lượng đáng kể phát ra. Rồi Enrico Fermi thành công trong việc phá vỡ nhân nguyên tử.

Thế Chiến Thứ Hai đã bùng nổ. Nhiều nhà bác học tại châu Mỹ lo lắng trước tình trạng tiến triển và khả năng nguyên tử của nước Đức. Họ liền báo động các thẩm quyền quân sự Hoa Kỳ và muốn bắt tay vào các công trình nghiên cứu nguyên tử tương tự. Nhưng cuộc vận động của họ không mang lại kết quả nào. Vì vậy, họ đành phải nhờ tới danh tiếng của Albert Einstein.

Vào ngày 2-8-1939, Einstein viết thư cho Tổng Thống Franklin Roosevelt như sau: “Thời gian vừa qua, tôi được đọc các bản thảo về những công trình khảo cứu của E. Fermi và L. Szilard. Những công trình này khiến tôi thấy rằng chất Uranium có thể trở nên một nguồn năng lượng mới rất quan trọng trong tương lai gần đây Nguồn năng lượng này có thể được dùng vào việc chế tạo một loại bom cực kỳ mạnh. Tôi có đầy đủ tài liệu để quả quyết rằng Đức Quốc Xã cũng đang tiến hành công trình trên. Mỹ Quốc phải vượt lên về phương diện này, nếu không, nền Văn Minh sẽ bị hủy diệt”.

Nhận được thư của nhà bác học Einstein, Tổng Thống Franklin D. Roosevelt liền chú tâm vào việc khởi thảo một chương trình nghiên cứu Nguyên Tử Lực và Hoa Kỳ đã mở đầu một cuộc chạy đua kinh khủng nhất trong Lịch Sử về khí giới chiến tranh. Dự Án Manhattan, tên riêng của dự án chế tạo bom nguyên tử, được thành hình.

Vào năm 1941, Albert Einstein nhập quốc tịch Mỹ cùng với cô Helene Dukas và người con dâu Margot. Dukas là thư ký của Einstein. Cô ta là người thông minh, thứ tự và cương quyết. Khi bà Elsa qua đời vào năm 1936, Dukas đã trở nên nội tướng và đảm đương công việc trong gia đình. Tại thành phố Princeton, New Jersey, Einstein còn có một người em gái là bà Maja, tới sống với ông từ năm 1939.

Cuộc sống tại Hoa Kỳ của Albert Einstein thực là bình thản. Mỗi buổi sáng, ông mặc một bộ đồng phục da màu đen và về mùa lạnh, ông đội một chiếc mũ len đan cũng màu đen giống như chiếc mũ của một chàng lính thủy, với bộ quần áo lố lăng này, ông đi bộ chừng hai cây số để đến nơi làm việc. Người dân của thành phố Princeton thường thấy ông đi dạo trong vườn của Viện Nghiên Cứu từ 4 giờ sáng tinh sương, hai tay vắt sau lưng. Cảnh tịch mịch rất cần thiết đối với ông, nhưng ông không sống như một nhà ẩn dật. Mỗi ngày, ông nhận được hàng trăm bức thư. Đối với các bức thư viết đúng đắn, ông đều trả lời qua đó phản ánh lòng tế nhị của ông. Có một lần, một cậu bé không làm nổi một bài toán ra ở trường, đã gửi đầu bài và nhờ nhà bác học cắt nghĩa giùm. Einstein vui vẻ giảng giải. Lại một lần khác, một nhà toán học trẻ tuổi gửi đến cho ông một bài toán rất hay, giải rất đúng, nhưng trong khi tính toán có hai chỗ lầm. Einstein biết rằng các nhà thông thái thường tự phụ, nên ông viết thư trả lời nhà toán học kể trên và báo cho biết trong bài toán có hai chỗ lầm, nhưng ông lại không nói rõ lầm ở chỗ nào trong bài toán.

Cũng như nhiều nhà bác học khác, Albert Einstein không những đã tìm thấy tại Hoa Kỳ một nơi ẩn náu mà còn tìm được một nơi làm việc và một nơi thuyết trình nữa. Trong căn phòng làm việc tĩnh mịch, ông ngồi hàng giờ, viết các chữ rất nhỏ hay các ký hiệu toán học. Cây viết chì và mảnh giấy là các dụng cụ xây dựng nên công trình khoa học của ông. Ông dùng bộ óc làm phòng thí nghiệm. Khi mới gặp Einstein, ai cũng nhận thấy rằng ngoài mớ tóc rối lộn và bộ ria rậm rạp, hai con mắt của ông có vẻ như mơ màng nhưng khi nhìn lại chứa nhiều vẻ long lanh, tò mò và kiên nhẫn.

Albert Einstein là môn đồ của chủ nghĩa tự do cá nhân. Mặc dù lòng tin tưởng không thể lay chuyển được nơi Thượng Đế, Einstein cũng như nhiều nhà bác học khác vẫn là người vô thần. Vốn bản tâm quảng đại, nhưng không bao giờ ông tham gia một tổ chức xã hội nào. Ông làm việc cho Nhân Loại với tất cả Lương Tâm. Ông không ngừng kêu gọi các nhà bác học khác hãy coi chừng các phát minh của họ và luôn luôn cảnh cáo mọi người về các nguy hiểm sẽ gặp phải. Ông đã nhắc nhở nhiều lần rằng tuy Khoa Học có thể giúp ích cho Nhân Quần Xã Hội thực, song cũng có thể quay lại cung cấp vũ khí cho kẻ thù của Nhân Loại và đưa đến các kết quả tuyệt vọng. Einstein tin tưởng rằng sớm hay muộn, con người có thể giải đáp được mọi thắc mắc về Khoa Học, bởi vì “Tạo Hóa tuy huyền diệu thực, nhưng không bao giờ thâm độc cả”. Chính sự tin tưởng này đã khiến cho ông không bao giờ mất hy vọng trong các công trình tìm tòi, nghiên cứu. Albert Einstein quyết định hiến nốt đời mình cho việc tìm ra lý thuyết “Trường Đồng Nhất” (Champ unitaire) cho phép liên lạc 2 thứ lực là Điện Từ Lực và Lực Hấp Dẫn.

 

Bảng đen cuối cùng

Albert Einstein qua đời vào ngày 18-4-1955. Trước khi chết, ông đã viết giấy tặng bộ óc của mình cho các nhà nhân chủng học nghiên cứu.

Trong tiền bán thế kỷ 20, Thuyết Tương Đối của Albert Einstein đã làm thay đổi quan niệm Khoa Học thông thường của con người và người ta chỉ gặp các cuộc Cách Mạng Tư Tưởng tương tự với Newton và Darwin trong các thế kỷ trước. Vì thế, Đại Văn Hào Bernard Shaw đã không nhầm lẫn khi gọi Albert Einstein là “VĨ NHÂN THỨ TÁM” của Thế Giới Khoa Học, sau Pythagoras, Aristotle, Ptolemy, Copernicus, Galileo, Keplervà Newton

[1]

Công thức của Einstein: E = mc2. Theo hệ đo lường quốc tế SI thì:
m = 1 kg
c = 3×108 m/s
Vậy E = 9×1016  J
Theo giá trị chuyển đổi: 1 J = 2.78 x10-7 kW.h
Thì 1 kg vật chất tương ứng với 25×109 kW.h tức là  25 tỉ kW.h hay 25 ngàn triệu kW.h.

© http://vietsciences.free.fr Phạm Văn Tuấn

Giai thoại Einstein

Bình luận về bài viết này

Vietsciences- Nguyễn Xuân Xanh


  • Einstein đi xuống trong bộ đồ ngủ như thường lệ để ăn sáng, nhưng hầu như không đụng đến cái gì cả. “Em yêu – ông nói – anh có một ý tưởng tuyệt vời”. Sau khi uống cà phê, ông đi đến cây đàn piano và bắt đầu chơi. Thỉnh thoảng ông lại ngừng và ghi chép, rồi lặp lại: “Anh có một ý tưởng tuyệt vời!”. Tôi nói: “Vậy thì hãy kể cho em nghe đi, đừng để em sốt ruột”. Ông nói: “Khó lắm, anh phải triển khai nó cái đã”.
    Ông vẫn tiếp tục đánh piano và ghi chép khoảng nửa giờ, sau đó đi lên lầu vào phòng làm việc, nói với tôi rằng ông không muốn bị quấy rầy và ở đó hai tuần liền. Mỗi ngày tôi dọn thức ăn lên cho ông và buổi tối ông đi dạo để tập thể dục, sau đó trở lên phòng làm việc tiếp. Sau cùng, ông ấy xuống khỏi phòng làm việc, mặt rất tái. “Đây là kết quả”, ông ấy nói, mệt mỏi đặt hai trang giấy trên bàn. Và đó là thuyết tương đối của ông.
    Lời kể của Elsa Einstein (người vợ thứ hai của Einstein), được Charlie Chaplin ghi lại trong nhật ký

  • Einstein rất ghét việc chạy theo thi cử và thành tích: “Thời còn đi học của tôi, ngay khi ngày thi được công bố, tôi bị dồn vào một áp lực đến nỗi tôi có cảm giác mình không phải bước vào một kỳ thi mà bước lên một đoạn đầu đài. Trí óc của tôi sau những kỳ thi (cử nhân) hoàn toàn bị tắc nghẽn một thời gian cho hoạt động nghiên cứu và phân tích khoa học. Khả năng trí óc của tôi hoàn toàn bị cạn kiệt bởi phải học thuộc lòng những thông tin vô bổ”.

  • Einstein trả lời người bạn của gia đình khi ông này hỏi về sự thông minh: “Tôi không thông minh hơn người thường nào. Tôi đơn giản chỉ tò mò hơn một người trung bình, và tôi không bỏ cuộc trước một vấn đề cho đến khi tôi tìm được giải đáp. Ông có thể xem tôi là kiên nhẫn hơn những người trung bình trong việc theo đuổi các bài toán. Không phải thông minh hơn là quan trọng mà là tò mò hơn và có lẽ kiên nhẫn hơn trong vấn đề tìm giải đáp cho một bài toán. Tôi không có một sức mạnh tư duy đặc biệt mạnh (“cơ bắp não”) nào, dù chỉ trong mức độ khiêm tốn. Nhiều người có thứ đó nhiều hơn nhiều mà không mang lại một cái gì đáng để ngạc nhiên”.

 

  • Einstein đi diễn thuyết khoa học khắp nơi đề làm sứ mạng hòa bình, hòa giải và hợp tác. Với Einstein, chưa bao giờ khoa học được đăng quang lên đỉnh cao, chưa bao giờ chiếm ngự thế giới như thế. Tại Prague, người ta đến nghe chật ních cả phòng họp. Trong buổi tiếp tân đêm đó, sau khi nghe nhiều người phát biểu, đến phiên Einstein thì ông nói :“ có lẽ sẽ dễ chịu và dễ hiểu cho quý vị nếu tôi chơi một bản nhạc trên đàn vĩ cầm thay vì đọc một bài diễn văn”. Thế rồi ông lấy đàn ra và chơi một bản sonate của Mozart một cách say sưa. Ông như muốn trình bày bằng âm thanh tính phức tạp của vũ trụ nhưng lại có thể được diễn tả – qua khả năng trí thức của con người – bằng những công thức đơn giản.

 

  • Sau khi Thế Chiến thứ hai chấm dứt, các Hàn Lâm Viện khoa học của Đức lần lượt viết thư mời Einstein trở về làm thành viên nhưng ông đã cương quyết từ chối. Trả lời Hàn Lâm Viện của Phổ, Einstein viết : “Sau tất cả những gì khủng khiếp đã xảy ra, tôi thấy mình không thể nào nhận lời mời của Hàn Lâm Viện Đức được nữa ” . Trả lời thư của Sommerfeld, thay mặt Hàn Lâm Viện Bayern, Eisntein đã viết như sau : “Sau khi người Đức đã giết hại những người anh em Do Thái của tôi, tôi không muốn dính dáng gì nữa với người Đức, cũng không dính dáng đến viện hàn lâm tương đối vô hại. Trừ với vài người riêng lẻ, những người trong khả năng của mình đã vẫn kiên gan. Tôi vui mừng được biết rằng ông thuộc về những người như thế ”. Trả lời thư mời của Otto Hahn, chủ tịch Trung Tâm Max Planck, Einstein viết : “Những tội ác của người Đức quả là cái kinh tởm nhất mà lịch sử các quốc gia được gọi là văn minh có được. Thái độ của những người trí thức Đức – xét như một giai cấp – không khá hơn thái độ của dân đen”.

 

  • Trong những ngày cuối cùng của đời mình, Einstein đã từ chối nhận thuốc giảm đau, cũng như dự tính đưa ông lên bàn mổ lần nữa. Ông muốn ra đi trong sự thanh thản bình yên và chờ đợi cái chết của mình như một hiện tượng tự nhiên. “Tôi sẽ ra đi khi tôi muốn, một cách đường hoàng”. Ông còn viết : “cuộc đời là một vở kịch gây xúc cảm và tuyệt vời. Tôi thích nó. Nếu tôi biết rằng tôi sẽ chết trong 3 giờ, điều đó sẽ ảnh hưởng rất ít ỏi lên tôi. Tôi sẽ suy nghĩ có thể sử dụng 3 giờ này như thế nào tốt nhất. Sau đó tôi sẽ sắp xếp giấy tờ của tôi lại thứ tự, rồi yên tĩnh nằm xuống chờ chết”.

 

  • Sau khi Einstein mất, một ngày kia, con gái nuôi của ông là Margot ra đường gặp một người da đen. Người này nhận ra bà là con gái của Einstein bèn đến chia buồn và kính cẩn nói :“Einstein là người da trắng duy nhất khi gặp chúng tôi ngả mũ chào”.

Trích từ quyển sách  “Einstein” của Nguyễn xuân Xanh

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr  Nguyễn Xuân Xanh

 

Older Entries