Trung Quốc và một số vấn đề an ninh đối với Việt Nam và khu vực

Bình luận về bài viết này

Tác giả: Ngô Vĩnh Long

Thay lời giới thiệu

               Trong trình bày của tôi tại hội thảo về Biển Đông ở Gladfelter Hall, Temple University (Philadelphia) ngày 25 tháng 3 năm 2010 tôi có đưa ra một số nhận xét, trong đó có các điểm chính sau đây:

1.     Đối tượng chính của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, nói chung, và Biển Đông, nói riêng, là Hoa Kỳ. Trung Quốc đã cố tình thách thức, nếu không nói là gây hấn, để mong Mỹ, trong lúc phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở I-rắc và Afghanistan, phải có thái độ nhũn nhặn với Trung Quốc nếu không nói là có thể nhượng bộ những đòi hỏi của Trung Quốc không những trong khu vực Tây Thái Bình Dương hay Biển Đông mà còn trong các lãnh vực kinh tế tài chính. Nếu làm được việc này thì không những Trung Quốc hù dọa các nước khác trong khu vực mà còn lấy điểm với dân chúng họ bằng cách dấy lên lòng tự hào dân tộc. Tôi có trích một vài ví dụ dẫn chứng sau đây: Cuối năm Trung Quốc đòi chia đôi Thái Bình Dương với Mỹ và để Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Tây Thái Bình Dương đến miền tây quần đảo Hawaii. Sau khi Mỹ từ chối thì tháng 3 năm 2009 một số tàu hải quân Trung Quốc đã vây sát đến khoảng 15 thước một tàu một tàu khảo sát của hải quân Mỹ (tên là Impeccable) tại vùng biển cách đảo Hải Nam 75 dặm. Trong tháng 6 năm 2009, một tàu ngầm Trung Quốc đã va chạm với thiết bị định vị kéo theo sau của tàu khu trục Hải quân Mỹ trong khi đang trên đường đến Phi-líp-pin và làm đứt dây cáp kéo thiết bị đó. Phản ứng của Mỹ rất ôn hòa: chính phủ Mỹ gửi công hàm phản đối lên chính phủ Trung Quốc sau sự kiện tàu Impeccable, và tuyên bố vụ va chạm của tàu ngầm Trung Quốc chắc là vì vô ý. Được thể, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bất chấp luật pháp quốc tế, công bố sau sự kiện tàu Impeccable là các tàu Mỹ cần phải xin phép trước khi đi vào khu đặc quyền kinh tế của Trung Quốc. Sau đó Trung Quốc lấn tới bằng cách cho hải quân của họ đụng chìm các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng biển gần đảo Hoàng Sa và bắt nhốt các người này để đòi tiền chuộc.

2.     Riêng tại khu vực Biển Đông thì đối tượng chính của Trung Quốc là Việt Nam vì Việt Nam là nước “núi liền núi sông liền sông” với Trung Quốc, có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong vùng, và có tranh chấp nhiều nhất với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc có thể làm áp lực để cho chính phủ Việt Nam tỏ thái độ nhân nhượng, dưới biển cũng như trên đất liền, thì Trung Quốc có thể ít nhất là trung lập hóa được các nước khác vì họ không có lợi ích nhiều như Việt Nam trong việc tranh chấp với Trung Quốc. Không ai dại gì đưa đầu ra nếu nước bị mất mát nhiều nhất không dám tranh đấu cho quyền lợi của chính mình. Do đó Trung Quốc đã rất khéo léo trong việc hù dọa và chỉ chủ yếu đánh bắt ngư dân Việt Nam. Nhưng việc chính phủ Việt Nam không có thái độ cương quyết đối với Trung Quốc để bảo vệ người dân của mình và việc các nước chung quanh cũng đã không phản đối ra mặt sẽ càng ngày càng khuyến khích Trung Quốc lấn sâu vào Biển Đông.

3.     Vấn đề ở Biển Đông không chỉ là việc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn là an ninh cho toàn khu vực cũng như cho việc thông thương của thế giới. Nếu Việt Nam cứ tiếp tục múa võ mồm (tôi dùng từ “shadow boxing”) với Trung Quốc trong việc tranh chấp chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không nối kết việc tranh chấp này với an ninh chung, dưới biển cũng như trên đất liền, thì các nước khác có thể áp dụng chính sách “bánh còng” (donut strategy) để mặc cho Việt Nam đương đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp hai quần đảo nằm phía trong lổ của bánh còng trong khi họ cùng nhau bảo vệ an ninh hàng hải và hàng không trên các tuyến giao thông bên ngoài hai quần đảo đó. Trong trường hợp này thì Việt Nam sẽ bị cô lập và sẽ bị thiệt thòi rất lớn. Việt Nam nên tiếp tục nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa cho thật sâu và thật kỹ để chứng minh cho thế giới là mình có cơ sở như thế nào, ở chỗ nào, hầu vận động được sự ủng hộ của thế giới. Nhưng vấn đề quan trọng là gắn liền việc tranh chấp với việc đấu tranh cho an ninh của toàn khu vực, không phải chỉ an ninh truyền thống mà còn là “an ninh con người.” Một ví dụ là tác hại của các đập được xây dựng trên sông Mê công đối với các nước hạ nguồn mà trong đó Việt Nam là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất.

4.     Trong việc vận động sự ủng hộ của thế giới, từ sau 1975 Việt Nam chủ yếu dựa vào ngoại giao giữa chính phủ với chính phủ (government-to-government diplomacy) mà hầu như quên mất ngoại giao nhân dân (people-to-people diplomacy.) Việt Nam đã thắng Mỹ trong chiến tranh một phần nào là đã dựa vào ngoại giao nhân dân. Riêng tại Mỹ đã có bao nhiêu lượt triệu người biểu tình đòi Hoa Thịnh Đốn ngưng chiến tranh ở Việt Nam và hàng chục nghìn người khác thường vận động hành lang ở khắp mọi nơi. Nay, nếu chính phủ Mỹ thật tình muốn ủng hộ Việt Nam trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông đến mấy đi nữa mà không có sự vận động và thúc đẩy của quần chúng Mỹ cũng như của các nước khác thì chưa chắc gì chính phủ Mỹ có thể thi hành được chính sách của họ một cách lâu dài. Chính phủ Mỹ cần sự trợ giúp của nhân dân Việt Nam và các nước khác trong khu vực để có thể triển khai các chính sách của họ ở Đông Nam Á. Ngoại giao nhân dân là để nhân dân tự làm: tự do thông tin, tự do nghiên cứu, tự do tranh luận.

Một số diễn biến trong mấy tháng qua

            Trong bài này tôi sẽ không trích lại những tài liệu dùng trong bài tiếng Anh đã được trình bày ngày 25 tháng 3 năm 2010 vì trong mấy tháng qua có một số diễn biến mà phần nào đã giúp xác định một số điểm mà tôi vừa đề cập ở trên.

            1. Đối với Hoa Kỳ thì theo một bài đăng trên báo Mainichi của Nhật ngày 4 tháng 7 năm 2010, trong thượng tuần tháng 3 chính phủ Trung Quốc đã chính thức cảnh báo trong cuộc gặp gỡ với Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Mỹ James Steinberg và ông Jeffrey Bader, vụ trưởng Vụ Quan Hệ Châu Á tại Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ, rằng Trung Quốc coi Biển Đông như một trong những khu vực “quyền lợi cốt lõi” (tiếng Trung Quốc là “hạch tâm quyền lợi”) của họ. Bài báo cho biết là trước đó Trung Quốc chỉ coi Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương là những khu vực quyền lợi cốt lõi của họ và nhất quyết sẽ không bao giờ chịu thỏa hiệp về bất cứ điều gì tại những khu vực này. Giờ đây, với việc nhập khu vực Biển Đông vào danh sách quyền lợi cốt lõi của họ, Trung Quốc đã khẳng định quyết tâm bảo vệ quyền lợi hàng hải của họ từ Bắc Á đến Ấn Độ Dương. Một chi tiết cho biết tầm quan trọng của chánh sách mới của Trung Quốc là hai quan chức Mỹ đã gặp mặt với ông Đái Binh Quốc (Dai Bingguo), người điều phối hết tất cả các vấn đề ngoại giao của Trung Quốc, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) và Thứ trưởng Ngoại giao Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai). Và chính ông Đái Binh Quốc đã là người đưa ra thông điệp trên.[1]

            Ngày 23 tháng 4 năm 2010 tờ The International Herald Tribune cũng đã đưa thông tin trên và cho biết phía Trung Quốc đã nói với hai quan chức Mỹ rằng Trung Quốc sẽ không cho phép bất cứ một sự can dự của ngoại bang nào đối với các vấn đề lãnh thổ tại vùng Biển Đông. Bài báo còn cho biết thêm rằng chiến lược hải quân mới của Trung Quốc là với ra khỏi vùng Biển Đông và Phi-líp-pin cho tới tận “chuỗi các hải đảo thứ hai” (“second island chain”) trong vùng mà hải quân Mỹ đang ngự trị. Không những Trung Quốc có thái độ thách thức đối với Mỹ mà còn dương oai đối với Nhật. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, ông Toshimi Kitazawa, tiết lộ vào giữa tháng 4 năm 2010 là ngày 10 tháng 4 hai chiếc tiềm thủy đỉnh và tám chiến hạm tiêm kích của Trung Quốc đã ngang nhiên đi xuyên qua giữa hai hòn đảo của Nhật trên đường ra Thái Bình Dương. Ông ta nói đây là lần đầu tiên mà một đoàn tàu đông đảo như thế của Trung Quốc đi gần đất liền của Nhật như vậy. Ông Zhang Huachen (Trương Hoa Sâm?), chuẩn đô đốc và phó tổng tư lệnh Hạm Đội Đông Hải của Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã là “Với chiến lược hải quân của chúng ta đã thay đổi, chúng ta đang chuyển từ phòng vệ cận hải đến phòng vệ viễn hải (tầm xa).”[2]

            Trung tuần tháng 5 năm 2010 ngoại trưởng Nhật, ông Katsuya Okada, phản đối việc một chiếc tàu Trung Quốc đã rượt đuổi một chiếc tàu tuần phòng của Nhật đang trắc đặc trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.* Ông Okada cũng cho biết là ngày 10 và ngày 21 tháng 4 không những một hạm đội hải quân Trung Quốc đã di chuyển qua eo biển Miyako của Nhật nhưng mỗi lần đi qua như thế thì các trực thăng của Trung Quốc cũng đã bay lượn sát các tàu chiến của Nhật. Điều mà làm Nhật bực bội là những chiến thuyền này trong Hạm Đội Bắc Hải của Trung Quốc mới vừa trở về sau những cuộc diễn tập mà Trung Quốc gọi là “tập trận đối đầu” (“confrontation excercises”) ở vùng Biển Đông (South China Sea). Bài báo cho biết nạn nhân của chính sách đối đầu này là hải quân Hoa Kỳ vì trong khi ngân sách cho hải quân Mỹ bị cắt xén thì ngân sách của hải quân Trung Quốc đã tăng lên hơn 1/3 toàn bộ ngân sách quốc phòng. Hiện nay Trung Quốc có khoảng 260 chiến thuyền, trong đó có 75 chiến hạm loại lớn và trên 60 tiềm thủy đỉnh. Hoa Kỳ có tất cả là 286 chiến thuyền nhưng phần lớn được cho là tương đối tối tân hơn của Trung Quốc.[3]

            Tuy nhiên Trung Quốc thấy cần phải phô trương sức mạnh để thách đố Mỹ và để hù dọa các nước Đông Nam Á. Do đó, tháng 4 năm 2010 Trung Quốc đã đưa các chiến thuyền hiện đại nhất xuống vùng Trường Sa tập trận gần 3 tuần. Một tiểu hạm đội của Hạm đội Bắc Hải có trụ sở ở Thanh Hải đã tham gia. Trong khi đó, máy bay chiến đấu Trung Quốc từ nhiều sân bay khác nhau trên lục địa đã tổ chức các cuộc diễn tập tàng hình cùng các kỹ năng bay đêm, tiếp nhiên liệu trên không, gây nhiễu ra-đa và các cuộc tấn công giả vờ ném bom vào Biển Đông.[4]

            Hạ tuần tháng 3 năm 2010 một số báo Hồng Công như “Đại công báo,” “Văn hối” và “Đông phương” đã dẫn lời các nhà phân tích Trung Quốc, theo một bài tường thuật của trạm Nghiên Cứu Biển Đông, việc lo ngại nhất của Trung Quốc là “Việt Nam mưu cầu quốc tế hóa vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, lôi kéo các nước ASEAN tham gia đàm phán với Trung Quốc, và Mỹ đang từng bước công khai hóa chính sách can dự vào tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông.” Do đó Trung Quốc phải có những biện pháp đối phó phù hợp như sau:[5]  

Thứ nhất, Chính phủ Trung Quốc cần tuyên truyền để quốc dân hiểu rõ rằng nếu tranh chấp Biển Đông chỉ hạn chế ở mức song phương và khu vực thì chủ trương “gác lại tranh chấp, cùng khai thác” dễ đạt được nhận thức chung. Còn trong bối cảnh có thế lực hùng mạnh bên ngoài can thiệp sâu, tranh chấp hữu quan sẽ chỉ phức tạp thêm chứ không đạt được bất kỳ phương thức giải quyết nào. Cần làm cho các nước ASEAN hữu quan hiểu rằng chính sách can dự sâu của Mỹ vào vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng lợi ích của Trung Quốc, mà còn là thảm họa đối với các nước trực tiếp tranh chấp khác.

 

Thứ hai, Trung Quốc có thể thông qua kênh trao đổi ngoại giao hoặc trao đổi chuyên ngành với các nước ASEAN để nhấn mạnh rằng lập trường của Philíppin trong vấn đề quy thuộc chủ quyền đảo Hoàng Nham (Scarborough), hành động khiêu khích bắt giữ ngư dân Trung Quốc của Inđônêxia và những hành động mở rộng thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông… đều chỉ khiến tình hình an ninh Biển Đông trở nên xấu hơn.

 

Thứ ba, áp dụng biện pháp cực đoan như giúp Bắc Triều Tiên thực hiện chương trình phát triển hạt nhân. Hiện nay, Mỹ coi việc ngăn chặn phổ biến hạt nhân và tấn công chủ nghĩa khủng bố là trọng điểm ưu tiên trong thực hiện mục tiêu chiến lược đối ngoại, đồng thời yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ. Đây cũng chính là nhược điểm của Mỹ mà Trung Quốc có thể lợi dụng để “mặc cả” hoặc đạt được thỏa thuận “ngầm” với Mỹ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Nói cụ thể hơn, trong vấn đề này, Trung Quốc không chỉ không yêu cầu Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân, mà càng cần giúp đỡ Bắc Triều Tiên thực hiện chương trình phát triển hạt nhân. Trong một chừng mực nhất định, đây có thể coi là sách lược tối ưu để Trung Quốc ngăn chặn Mỹ can dự vào tranh chấp chủ quyền Biển Đông. 

Một ví dụ về việc thách đố của Trung Quốc đối với Mỹ được miêu tả trong một bài báo The Washington Post ngày 8 tháng 6 năm 2010. Tại một cuộc gặp mặt ngày 24 tháng 5 với 65 quan chức của Mỹ trong một phái đoàn nhiều người nhất mà Mỹ đã bao giờ gởi sang Trung Quốc, Chuẩn đề đốc Quan Hữu Phi (Guan Youfei) dõng dạc tố cáo Hoa Kỳ là một nước “bá quyền” chuyên mưu toan bao vây Trung Quốc với những liên minh chiến lược. Ông ta nói tiếp là tất cả mọi việc xấu đã xẩy ra trong quan hệ Mỹ-Trung là do phía Hoa Kỳ; còn tất cả những gì tốt là do phía Trung Quốc tạo nên. Đề đốc Quan Hữu Phi là một người được các quan chức Mỹ gọi là “người chuyên trị bọn mọi rợ” (“barbarian handler”), tức là một chuyên gia trong việc đối xử với người nước ngoài, chứ không phải chỉ là một tướng cầm quân. Tại cuộc Đối thoại Shangri-La ở Xing-pa-po vào đầu tháng 6 Bộ trưởng Quốc phòng Robert M. Gates gạt qua chuyện này qua một bên và nói Đề đốc Quan Hữu Phi và quân đội Trung Quốc là các phần tử ngoại vi chống lại việc cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông ta cho rằng phần đông các quan chức trong chính phủ Trung Quốc muốn quan hệ tốt với Hoa Kỳ. Nhưng trong các cuộc phỏng vấn với phóng viên báo Washington Post các quan chức và các tướng lãnh cao cấp đều cho là Mỹ không muốn cho Trung Quốc trỗi dậy. Trái lại, họ cho là Mỹ có mưu đồ làm cho Trung Quốc bị tê liệt trong các mạng lưới quan hệ đa phương. Họ nói tuyên bố của Đề đốc Quan Hữu Phi là những gì họ đều nghĩ trong thâm tâm của họ.[6] 

            2. Đối với Việt Nam thì Trung Quốc vẫn gây áp lực từ mọi phía mặc dầu bên ngoài họ vẫn nói là họ tăng cường quan hệ với Việt Nam. Chính phủ và báo chí Việt Nam vẫn rất cẩn thận và dè dặt trong việc thông tin các hành động gây hấn của Trung Quốc. Thế nhưng những chuyện phần đông ai cũng đã biết nhưng không nói đến thì có thể gây bất mãn trong nhân dân và làm suy yếu tính chính danh của chế độ.  Do đó người đọc vẫn thấy rãi rác các bài về các hành động đe dọa của Trung Quốc tại Biển Đông chẳng hạn. Sau đây xin trích vài đoạn đăng trong hai bài báo trên Vitinfo. Bài “Trung Quốc có cố tình gây hấn tại biển Đông?” viết:

Như chúng ta đã biết, ngày 30/04 Trung Quốc đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là một hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của Việt Nam đồng thời gây ra những khó khăn lớn cho ngư dân Việt Nam tiến hành tác nghiệp trên biển. Bởi hiện nay, Trung Quốc có một lực lượng tàu ngư chính, tàu hộ ngư, tàu hải cảnh, tàu hải tuần tương đối hiện đại, cùng với đó là các tàu này được trang bị vũ trang tác nghiệp ngày điêm trên khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn định ra các mức xử phạt đối với các ngư dân vi phạm lệnh cấm đánh bắt này của họ. Điều này thực sự là một thách thức đối với ngư dân của chúng ta.[7]

Bài “Trung Quốc tập trung 3 hạm đội hải quân tại Biển Đông diễn tập quy mô lớn” có những đoạn như sau:

Hiện, tại Biển Đông của Việt Nam đã xuất hiện sự có mặt của cả 3 hạm đội thuộc quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc là: Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải.

 

Được biết, hiện trên khu vực Biển Đông có 7 tàu chiến thuộc Hạm đội Bắc Hải với biên chế hơn 1000 sỹ quan và binh lính. Hạm đội này gồm các tàu chiến như: Tàu hộ vệ tên lửa 537, 535, tàu khu trục 115, tàu ngầm hạt nhân, và tàu tiếp tế hậu cần.

 

Trong khi đó hạm đội Đông Hải có 10 tàu chiến các loại. Đặc biệt đi theo lần này còn có 2 tàu lớp Kilo hiện đang rời quần đảo LiuQiu (nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan) hướng xuống Biển Đông. Theo tin mới nhất, hiện nay hạm đội này đã tiếp cần khu vực Biển Đông.

 

Trong khi đó, Hạm đội Nam Hải với các tàu khu trục, hộ vệ tên lửa, tàu ngầm và tàu tiếp tế hậu cần hiện đang diễn tập phối hợp cung cấp hậu cần, phản ứng nhanh trên một khu vực biển “lạ” thuộc Biển Đông.

 

Bên cạnh đó có nhiều khả năng sau ngày 18 tháng 4, biện đội hộ hàng số 4 đang thăm Philipin (gồm hai tàu hộ vệ tên lửa và tàu khu trục) sẽ lên phối hợp diễn tập với các hạm đội trên.

 

Đây được cho là một hoạt động “không mấy bình thường” của hải quân Trung Quốc. Bởi rất hiếm khi người ta thấy cả ba hạm đội này cùng một lúc có mặt trên một vùng biển như vậy. Đặc biệt là Biển Đông – xưa nay chỉ được coi như một “cái ao” bé nhỏ. Vậy, lý do nào thỏa đáng nhất giải thích cho các hành động này?

 

Trả lời báo giới Bộ quốc phòng Trung Quốc đã trấn an dư luận khi cho rằng, lần diễn tập này hoàn toàn bình thường và đã nằm trong kế hoạch diễn tập hàng năm của nước này. Tuy nhiên, xét theo tình hình căng thẳng tại Biển Đông hiện nay, thì việc phô diễn sức mạnh quân sự này không những là một cuộc thử nghiệm quan trọng về khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các hạm đội mà nó còn là một hành động nhằm “nắn gân” một số nước láng giềng.[8]

 

            3. Rõ ràng các động thái của Trung Quốc đe dọa an ninh không những của tất cả các nước trong khu vực mà còn của tất cả các nước sử dụng các đường hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Trung tuần tháng 5 năm 2010 Mỹ phái Đô đốc Robert Willard, tư lệnh Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, sang Bắc Kinh gặp bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, tướng Mã Hiểu Thiên (Ma Xiaotian), để tìm cách cải thiện quan hệ. Nhưng cuộc gặp gỡ này đã làm cho Mỹ thất vọng vì phía Trung Quốc khăng khăng đòi Mỹ phải chấp nhận việc không được di chuyển qua khu vực “đặc quyền kinh tế” của Trung Quốc nếu không được Trung Quốc cho phép. Hơn thế nữa Trung Quốc không chịu cho phép Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates viếng thăm Trung Quốc như đã dàn xếp trước đó. Do đó ngày 5 tháng 6 tại diễn đàn “Đối thoại Shangri-La” hợp tại Xing-ga-po, trước sự hiện diện của nhiều nhân vật từ gần 30 quốc gia, Bộ trưởng Robert Gates đã chỉ trích Trung Quốc trực diện (tuy không nói tên) là Mỹ “phản đối mọi hành động hù dọa đối với các công ty Mỹ hoặc bất cứ nước nào đang hoạt động kinh tế chính đáng” ở khu vực Biển Đông. Ông Gates nhắc lại vài lần là cần phải có các đối thoại và cố gắng đa phương để giải quyết các tranh chấp trong khu vực Biển Đông một cách hòa bình và trong khuôn khổ luật quốc tế. Ông đề cập đến Quy Tắc Ứng Xử Biển Đông mà Trung Quốc đã ký kết với các nước ASEAN năm 2002 nhưng không thi hành. Hơn thế nữa ông nói tiếp ngay sau đó là đối với vấn đề an ninh trong khu vực chính sách quốc phòng của Mỹ là thiết lập khả năng của các đối tác trong khu vực để cho họ không những có thể bảo vệ an ninh lãnh thổ của chính họ mà cũng có thể “xuất khẩu an ninh sang các nước khác.”[9] Việc này có nghĩa là Mỹ hứa sẽ cố gắng giúp thiết lập và củng cố một hệ thống bảo vệ an ninh trong khu vực để đối phó với bất cứ ai đe dọa an ninh tại đây. Để chứng minh là Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ trách nhiệm ông Gates lập đi lập lại nhiều lần là trong 60 năm trước đó Hoa Kỳ đã có sự hiện diện quân sự rất lớn trong khu vực. Sau diễn đàn an ninh Shangri-La Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên trách các vấn đề chính trị-quân sự Andrew Shapiro và Tư lệnh Bộ chỉ huy Quân đội Mỹ sang thăm Việt Nam và trong cùng ngày 7 tháng 6 họ có hai cuộc họp báo. Ông Willard nhắc lại quan điểm của Mỹ về mong muốn các bên thực hiện Tuyên bố Ứng tại Biển Đông (DOC) trong nỗ lực đạt được một bộ Quy tắc Ứng xử (COC) chặt chẽ hơn trong tương lai. Ông nói tiếp: “Vấn đề Biển Đông cần phải được xử lý tại một diễn đàn đa phương. ASEAN chính là diễn đàn để giải quyết vấn đề như vậy.” Về phần mình, ông Shapiro cũng nói sẽ mang chủ đề Biển Đông ra thảo luận với phía Việt Nam tại Đối thoại Chiến lược lần thứ ba về chính trị, an ninh và quốc phòng Việt-Mỹ diễn ra trong ngày 8 tháng 6.[10] 

            Với sự đồng tình, nếu không nói là khuyến khích, của Mỹ ngày 20 tháng 7 sau cuộc họp cấp ngoại trưởng lần thứ 43 tại Hà Nội, Hiệp hội các nước Đông Nam Á đã ra bản tuyên bố chung trong đó vấn đề Biển Đông đã được các ngoại trưởng ASEAN đặc biệt chú ý và dành hẳn một phần riêng cho hồ sơ này trong thông cáo chung.[11] Điều 28  

…khẳng định lại tầm quan trọng của Tuyên bố về Ứng xử của Các bên ở Biển Đông (DOC) với tư cách một văn kiệnmang tính cột mốc giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết chung nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và tin cậy lẫn nhau và bảo đảm giải quyết hòa bình các tranh chấp trong khu vực. Chúng tôi nhấn mạnh cần tăng cường các nỗ lực đảm bảo thực hiện hiệu quả Tuyên bố và trông đợi việc hoàn tất một Bộ Quy tắc Ứng xử Khu vực tại Biển Đông (COC).

Và Điều 29 ghi như sau:

Chúng tôi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông và khuyến khích việc tất cả các bên liên quan tiếp tục kiềm chế và thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin trong khu vực này. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các bên tôn trọng tự do hàng hải và tự do hàng không bên trên Biển Đông như đã được qui định trong các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế. Chúng tôi hoan nghênh cam kết của tất cả các bên liên quan muốn giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với tinh thần của DOC và các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).

Trước sự đe dọa và đòi hỏi phi lý của Trung Quốc có thể nói đây là một thắng lợi lớn về ngoại giao của ASEAN. Mỹ tuyên bố ủng hộ nghị quyết về Biển Đông trích ở trên, và ngày 23 tháng 7 Ngoại trưởng Hilary Clinton nói rằng Hoa Kỳ “có quyền lợi quốc gia” trong việc tự do lưu thông hàng hải và hàng không và hứa sẽ giúp điều phối các thương lượng giải quyết các vấn đề tranh chấp trong khuông khổ luật pháp quốc tế. Trước đó bà đã nói tại cuộc họp các ngoại trưởng nói trên là vấn đề tranh chấp trong khu vực biển chiến lượt này đã là một “ưu tiên ngoại giao hàng đầu” (“leading diplomatic priority”). Nhưng giờ đây nó đã trở thành vấn đề “an ninh mấu chốt cho khu vực” (“pivotal to regional security”).[12]

Phản ứng của Trung Quốc

Theo những nhà ngoại giao có mặt tại buổi họp Bộ trưởng Ngoại Giao Dương Khiết Trì đã tỏ ra rất bực tức vì cuộc thảo luận về Biển Đông tại cuộc họp và đã phản ứng rất mạnh và đầy xúc động rằng cuộc thảo luận đó là một cuộc vận động có kế hoạch trước (pre-planned mobilisation) để tấn công Trung Quốc. Về phần mình Trung Quốc đã vận động trong rất nhiều tháng để áp lực ASEAN cản trở Việt Nam trong việc “quốc tế hóa” vấn đề tranh chấp vì Trung Quốc chỉ muốn giải quyết tay đôi để có thể uy hiếp từng nước nhỏ một. Do đó Trung Quốc cho rằng việc can dự của Mỹ cho việc thương lượng đa phương là một thách đố lớn đối với Trung Quốc.[13] Và họ Dương cho rằng thương lượng đa phương chỉ làm có việc giải quyết các tranh chấp càng khó khăn thêm.[14]

Dường như để chứng minh trọng lượng của sự đe dọa trên có chỉ vài ngày sau trang nhất của tờ nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), ngày 26/7, hải quân Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn ở Biển Đông. Giám sát cuộc tập trận này có Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Đức. Ông Đức cho biết, PLA đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến và chuẩn bị “sẵn sàng cho các cuộc đụng độ quân sự lớn”.  Theo trích dẫn của VietNamNet, “Tờ Văn hối báo của Hong Kong dẫn quan điểm của các chuyên gia quân sự Bắc Kinh rằng, cuộc diễn tập và phát biểu của ông Đức cho thấy, PLA có thể sẽ dùng biện pháp quân sự về vấn đề Biển Đông trong tương lai, đồng thời cũng để thể hiện sức mạnh quân sự nhằm hậu thuẫn cho các biện pháp ngoại giao.”[15] Trong cuộc phỏng vấn với Việt Hà của RFA giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc, trường đại học New South Wales, chuyên gia châu Á cho biết thêm: “Đây là một cuộc tập trận chưa từng có về mức độ. Họ kết hợp hai hạm đội, họ có thêm yếu tố không quân…. Báo chí Trung quốc cho thấy những hình ảnh hỏa tiễn được bắn ra và người bình thường mà nhìn thì cũng thấy sợ. Rồi một số lượng tàu chiến cũng tham gia tập trận. Chúng ta tham gia một trò chơi tuyên truyền mà ở đó Trung quốc đang cố gắng gây một ấn tượng rằng khả năng quốc phòng của Trung quốc có thể đương đầu được với Hoa kỳ. Những cuộc tập trận lặp đi lặp lại liên tiếp đã khiến các nước Đông nam á phải chú ý đến giới hạn mà họ có trong việc chỉ trích cũng như chống lại Trung quốc.”[16]

Trước những đe dọa và thách thức như trên, nếu Mỹ không tăng cường sự hiện diện của mình để bảo vệ an ninh trong khu vực thì sẽ bị Trung Quốc tiếp tục cho Mỹ là “con hổ giấy.” Nhưng sau khi tuần dương mẫu hạm USS George Washington và chiến thuyền tiêm kích USS John McCain viếng thăm Việt Nam thì báo chí và các tướng lãnh Trung Quốc lập tức chỉa mũi dùi vào Việt Nam với những lời lẽ rất thô bạo.[17] Một tờ báo Việt Nam đã trả lời Trung Quốc với lời lẽ nghiêm túc như sau:[18] 

Chuyến thăm viếng tàu sân bay USS George Washington hôm Chủ nhật 8-8 của phái đoàn Chính phủ và quân đội Việt Nam cũng vậy; không phải là sự kiện mới mà từ năm ngoái phái đoàn này đã viếng thăm tàu sân bay USS John C. Stennis. Từ năm 2003 đến nay năm nào cũng có tàu chiến Mỹ ghé thăm các hải cảng Việt Nam, giống như tàu chiến của quân đội nhiều nước khác, kể cả Trung Quốc. Hơn thế nữa, các hoạt động nhân đạo và hợp tác của hải quân Mỹ với hải quân Việt Nam đang diễn ra đều nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 15 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

 

Vậy thì tại sao Trung Quốc lại lên án Việt Nam trước những hoạt động có tính “thông lệ” này? Theo giới phân tích, cái gai trong mắt người Trung Quốc không phải là Việt Nam mà là Mỹ và sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Barack Obama đối với khu vực Đông Á và Đông Nam Á…

 

Giờ đây người Mỹ đã quay lại Đông Nam Á, thách thức trực tiếp những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông và đề xuất cơ chế giải quyết xung đột trên vùng biển này. Nếu là một cường quốc có trách nhiệm, muốn giải quyết những bất đồng về chủ quyền trên biển Đông một cách công bằng và hòa bình, Trung Quốc nên ủng hộ một sự tham vấn quốc tế như đề nghị của Mỹ thay vì khăng khăng coi biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình, không thương thảo và không nhân nhượng. Cũng nên lưu ý rằng, khi mới lên cầm quyền, tổng thống Mỹ Barack Obama đã chủ trương chính sách “giao kết” (engagement), muốn Trung Quốc thể hiện trách nhiệm cùng phương Tây giải quyết những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, cân bằng thương mại, chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, Bắc Triều Tiên… nhưng gần hai năm qua kỳ vọng ấy đã không được phía Trung Quốc đáp ứng. Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn tới xung đột Trung-Mỹ hiện nay không chỉ ở hồ sơ biển Đông mà trong nhiều lĩnh vực khác.

 

Lẽ ra phải nhìn thẳng vào sự thật và tìm cách giải quyết với Mỹ, Trung Quốc lại quy trách nhiệm cho các nước nhỏ như Việt Nam “lôi kéo Mỹ vào biển Đông để ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc”. Lối tư duy đó không phản ánh đúng bản chất của vấn đề.

 

Thực chất của vấn đề là Trung Quốc đã và đang còn dọa an ninh không chỉ ở “biển Đông mà trong nhiều lĩnh vực khác” và vì thế Việt Nam phải vận động các nước trong khu vực và trên thế giới bảo vệ an ninh chung ấy. Mỹ hứa sẽ giúp điều phối các hoạt động đa phương để đem lại an ninh chung, dưới biển cũng như trên đất liền. Nhưng, không ít thì nhiều, trách nhiệm là trách nhiệm chung của tất cả các nước trong khu vực.

 Ngô Vĩnh Long

 

Chú thích

 

[1] “China tells U. S. that South China Sea is ‘core interest” in new policy,” The Mainichi Daily News: http//mdn.mainichi.jp/mdnnews/business/news/20100704p2g00m0bu022000c.html. Bài này được tờ Vitinfo của Việt Nam thuật lại ngày 19 tháng 7 năm 2010 tại: http://vitinfo.com.vn/Print/LA78789/default.htm.

Đây là một trong những giọt nước tràn ly đối với Mỹ và các nước Đông Nam Á và cho họ biết là không thể im lặng đối với những yêu sách của Trung Quốc được dù không có cơ sở và vô lý đến đâu đi nữa. Số là ngày 7 tháng 5 năm 2009 phái đoàn thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc gởi ông Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc một công văn (số CML/17/2009) trong đó có đính kèm bản đồ mà Việt Nam gọi là đường lưỡi bò và tiếng Anh gọi là “đường chính đoạn đứt khúc” (nine-dotted-lines map) bao gồm gần 80% của tất cả Biển Đông (South China Sea) và nói rằng đây là vùng chủ quyền không thể tranh cãi được của Trung Quốc. Yêu sách này quá vô lý và không có căn cứ lịch sử hay luật pháp gì để Liên Hiệp Quốc xét đoán. Nhưng Trung Quốc coi như im lặng là đồng ý nên Trung Quốc dùng nó làm căn bản để đưa ra cảnh báo với Mỹ là vùng Biển Đông là vùng “quyền lợi cốt lõi” của Trung Quốc để bắt Mỹ và các nước khác nhượng bộ. Ngoài phản ứng của Mỹ nói trên, In-đô-nê-sia cũng đã gởi một bức công hàm số 480/POL-703/VII/10 ngày 8 tháng 7 năm 2010 đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon với đầy đủ chi tiết để đi đến kết luận rằng yêu sách “bản đồ chín đoạn đứt khúc” của Trung Quốc “rõ ràng là không có một nền tảng luật pháp quốc tế nào cả và có tác động tương đương với việc phá vỡ Công Ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.” Nguyên văn công hàm này có thể tải về từ: www.inodnesiamission-ny.org; hay viết thư xin tại: ptri@indonesiamission-ny.org.

[2] Edward Wong, “China asserts role as a naval power,” The International Herald Tribune, ngày 23 tháng 4 năm 2010. Bài này có thể tải về từ: http://www.viet-studies.info/kinhte/china_as_a_naval_power.htm.

* Để so sánh xin nhắc lại việc Trung Quốc đã bao vây chiếc Impeccable của Mỹ khi nó đang trắc đặc 75 dặm cách đảo Hải Nam vì Trung Quốc cho nơi này thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc.

[3] Robert Maginis, “China’s High Sea Aggression,” Human Events.com, http://www.humanevents.com/article.php?print=yes&id=37081.

[4] Michael Richardson, “Beijing projects power in South China Sea,” The Japan Times Online: http://search.japantimes.co.jp/print/eo20100509mr.html. Bài lược dịch của RFA ở tại đây: http://www.rfa.org/vietnamese/people_stories/China-show-power-at-Ocean-NThu-05102010160328.html.

[5] Phương Nga, “Báo Hồng Công: Đối sách của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông,” tại: http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/761-bao-hong-cong-i-sach-ca-trung-quc-trong-tranh-chp-ch-quyn-bin-ong-.

[6] John Pomfret, “In Chinese admiral’s outburst, a lingering distrust of U.S,” The Washington Post, ngày 8 tháng 6 năm 2010: http://www.washingtonpost.com/wp-dyn/content/article/2010/06/07/AR2010060704762_pf.html.

[7] http://vitinfo.com.vn/Print/LA76874/default.htm

[8] http://vitinfo.com.vn/Print/LA75626/default.htm

[9] Xem toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Gates tại: http://us.mg4.mail.yahoo.com/dc/blank.html?bn=397.8&.inl=us&.lang=en-US.

[10] BBC Vietnamese, “Mỹ ráo riết chuyện Biển Đông,” ngày 8 tháng 6: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/lg/vietnam/2010/06/100608_us_vietnam_biendong.shtml.

[11] Toàn bộ tuyên bố chung này ở đây: http://vovnews.vn/Utilities/PrintView.aspx?ID=149885.

[12] Greg Torode, “Clinton stand on a Chinese ‘core interest’ causes tension at forum,” South China Morning Post, ngày 24 tháng 7 năm 2010. Bài này có thể tải về từ: http://www.viet-studies.info/kinhte/clinton_and_chinese_core_interest.htm. Toàn bộ phát biểu của Ngoại trường Clinton đăng ở đây: http://www.state. gov/secretary /rm/2010/07/ 145095.htm

[13] 
Như trên. Và bài “Trung Quốc bực tức trước sự đả kích về vấn đề quần đảo Trường Sa” của VOA tại: http://surfert.nl/index.php5?q=aHR0cDovL3d3dzEudm9hbmV3cy5jb2…ZS9uZXdzL2NoaW5hLXZuLTA3LTIzLTIwMTAtOTkxMTAwMjQuaHRtbA%3D%3D#.

[14]   http://thecable.foreignpolicy.com/posts/2010/08/06/is_the_obama_administration_getting_tough_on_china.

[15] http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/201008/Trung-Quoc-gay-hoai-nghi-ve-tuyen-bo-phat-trien-hoa-binh-927408/

[16] “Mục đích cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc?” http://surfert.nl/index.php5?q=aHR0cDovL3d3dy5yZmEub3JnL3ZpZXR…uZHVjdGVkLW5hdmFsLWV4ZXJjaXNlLVZIYS0wNzMwMjAxMDEzMDY0My5odG1s.

[17] “PLA hawks accuse US of provocation over military drills”, South China Morning Post

August 14, 2010. Bài này có thể tải về từ: http://viet-studies.info/kinhte/pla_hawks_accuse_us_of_provocati.htm. “U.S. show of force in Asian waters a threat to China”: http://english.sina.com/china/2010/0814/333946.html.

[18] “Ai làm dậy sóng biển Đông?” Saigon Times Online: http://www.thesaigontimes.vn/ArticlePrint.aspx?ID=39002

© Thời Đại Mới

Mỹ can dự ngày càng nhiều vào vấn đề sông Mekong

Bình luận về bài viết này

Đoạn sông Mekong ở vùng Kandal, thuộc Cam Bốt (REUTERS/Chor Sokunthea)

Đoạn sông Mekong ở vùng Kandal, thuộc Cam Bốt (REUTERS/Chor Sokunthea)

Theo tin của nhật báo Thái Lan The Nation, Trung tâm Stimson tại Washington, một cơ quan tham vấn của Mỹ về các vấn đề an ninh toàn cầu, vừa lên tiếng báo động là với những kế hoạch xây đập thủy điện trên thượng nguồn, sông Mekong có nguy cơ trở thành “sông Trung Quốc”, nếu 6 nước trong vùng không ngồi lại bàn cách giải quyết vấn đề.

Cho tới giờ, Bắc Kinh đã có bốn đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong ở khu vực tỉnh Vân Nam và dự trù sẽ xây bốn đập nữa, mặc dù chưa rõ là chúng sẽ có tác động như thế nào đến các nước hạ nguồn Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Miến Điện và Việt Nam. Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, ông Richard Cronin còn cảnh báo là các đập thủy điện xây ở hạ nguồn Mekong cũng sẽ có tác hại đến an ninh lương thực.

Ông Richard Cronin đã tuyên bố như trên trong một cuộc hội thảo tại trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok. Tại cuộc hội thảo, một giáo sư trường đại học này, ông Ukrit Pathmanand cũng cảnh báo là việc xây thêm các đập thủy điện trên sông Mekong có thể dẫn đến bất ổn xã hội do việc người dân ở lưu vực mất nguồn thu nhập từ đánh cá hoặc giảm diện tích đất canh tác.

Vì là quốc gia nằm ở cuối sông Mekong, Việt Nam đặc biệt quan ngại về những đập thủy điện không chỉ của Trung Quốc, mà còn của Cam Bốt và Lào. Nhưng theo tờ báo điện tử Asia Times Online, mối đe doạ đến an ninh và đời sống do vấn đề các đập thủy điện Mekong cũng thu hút sự quan tâm của các nước ngoài Đông Nam Á. Tờ báo nhắc lại là bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Hà Nội vào tháng trước, Nhật Bản đã mở một cuộc họp với các nước sông Mekong để thảo luận về sáng kiến “Mekong xanh” cho thập kỷ tới.

Trung Quốc không quan tâm đến các nước hạ lưu Mekong

Nhưng đáng nói hơn cả, theo Asia Times Online, là sự can dự ngày càng nhiều của Hoa Kỳ vào vấn đề sông Mekong, như lả một phần trong nỗ lực nhằm kềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Cũng bên lề Hội nghị ASEAN trong tháng bảy, Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã gặp các ngoại trưởng Cam Bốt, Lào, Thái Lan và Việt Nam trong khuôn khổ nhóm Sáng kiến hạ lưu Mekong, được thành lập tại Thái Lan năm 2009 theo sáng kiến của Mỹ. Trong cuộc họp này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã hứa sẽ giúp bốn nước nói trên đối phó với những tác động biến đổi khí hậu.

Nhưng trong bài báo của Asia Times Online, ông Richard Cronin cảnh báo rằng đưa những vấn đề hết sức phức tạp của sông Mekong vào cuộc tranh giành thế lực Mỹ-Trung có thể gây cản trở cho việc đề ra những biện pháp cần thiết để giải quyết một cách hiệu quả tương lai của con sông này. Tuy vậy, ông cho rằng sư quan tâm ngày càng lớn của Hoa Kỳ vào vấn đề sông Mekong ít ra sẽ buộc Trung Quốc phải lắng nghe nhiều hơn các nước khác trên lưu vực.

Có thể đó là lý do giải thích vì sao vào tháng sáu vừa qua, Bắc Kinh đã quyết định đưa các quan chức Đông Nam Á đi tham quan một số đập thủy điện ở miền Nam nước này, sau khi có nhiều lời chỉ trích là các đập của Trung Quốc trên thượng nguồn khiến cho hạn hán ở khu vực sông Mekong thêm trầm trọng.

Nhưng theo Asia Times Online, do đang cần ngày càng nhiều năng lượng cho phát triển kinh tế và do đang cảm thấy Mỹ và Đông Nam Á đang bắt tay ngăn chận quyền lợi của mình, Trung Quốc chắc là sẽ vẫn không quan tâm đến số phận của các nước hạ lưu Mekong.

Nguồn: RFI

*********

Mỹ cảnh báo về việc Trung Quốc xây dựng thủy điện trên sông Mekong

Một đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng trên sông Mekong

Tờ Asia Times cho biết, Trung tâm Stimson tại Washington, một cơ quan tham vấn của Mỹ về các vấn đề an ninh toàn cầu, vừa lên tiếng báo động là với những kế hoạch xây đập thủy điện trên thượng nguồn, sông Mekong có nguy cơ trở thành “sông Trung Quốc”, nếu 6 nước trong vùng không ngồi lại bàn cách giải quyết vấn đề.
Cho tới giờ, Bắc Kinh đã có bốn đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong ở khu vực tỉnh Vân Nam và dự trù sẽ xây bốn đập nữa, mặc dù hiện nay vẫn chưa có con số thống kê đầy đủ về tác hại sẽ có tác động như thế nào đến các nước hạ nguồn Thái Lan, Campuchia, Lào, Mianma và Việt Nam. Giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, ông Richard Cronin còn cảnh báo là các đập thủy điện xây ở hạ nguồn Mekong cũng sẽ có tác hại đến an ninh lương thực.
Ông Richard Cronin đã tuyên bố như trên trong một cuộc hội thảo tại trường Đại học Chulalongkorn ở Bangkok. Tại cuộc hội thảo, một giáo sư trường đại học này, ông Ukrit Pathmanand cũng cảnh báo là việc xây thêm các đập thủy điện trên sông Mekong có thể dẫn đến bất ổn xã hội do việc người dân ở lưu vực mất nguồn thu nhập từ đánh cá hoặc giảm diện tích đất canh tác.

Vì là quốc gia nằm ở cuối sông Mekong, Việt Nam đặc biệt quan ngại về những đập thủy điện không chỉ của Trung Quốc, mà còn của Campuchia và Lào. Nhưng theo tờ báo điện tử Asia Times, mối đe doạ đến an ninh và đời sống do vấn đề các đập thủy điện Mekong cũng thu hút sự quan tâm của các nước ngoài Đông Nam Á. Tờ báo nhắc lại là bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Hà Nội vào tháng trước, Nhật Bản đã mở một cuộc họp với các nước sông Mekong để thảo luận về sáng kiến “Mekong xanh” cho thập kỷ tới.

Trung Quốc không quan tâm đến các nước hạ lưu Mekong?

Theo Asia Times, sự can dự ngày càng nhiều của Hoa Kỳ vào vấn đề sông Mekong, như là một phần trong nỗ lực nhằm kềm chế ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. Cũng bên lề Hội nghị ASEAN trong tháng bảy, Ngoại trưởng Mỹ Clinton đã gặp các ngoại trưởng Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam trong khuôn khổ nhóm Sáng kiến hạ lưu Mekong, được thành lập tại Thái Lan năm 2009 theo sáng kiến của Mỹ. Trong cuộc họp này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã hứa sẽ giúp bốn nước nói trên đối phó với những tác động biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, ông Richard Cronin cảnh báo rằng đưa những vấn đề hết sức phức tạp của sông Mekong vào cuộc tranh giành thế lực Mỹ-Trung có thể gây cản trở cho việc đề ra những biện pháp cần thiết để giải quyết một cách hiệu quả tương lai của con sông này. Tuy vậy, ông cho rằng sự quan tâm ngày càng lớn của Hoa Kỳ vào vấn đề sông Mekong ít ra sẽ buộc Trung Quốc phải lắng nghe nhiều hơn các nước khác trên lưu vực.

Có thể đó là lý do giải thích vì sao vào tháng sáu vừa qua, Bắc Kinh đã quyết định đưa các quan chức Đông Nam Á đi tham quan một số đập thủy điện ở miền Nam nước này, sau khi có nhiều lời chỉ trích là các đập của Trung Quốc trên thượng nguồn khiến cho hạn hán ở khu vực sông Mekong thêm trầm trọng.

//

Hải Dương – Vitinfo ( Theo AsiaTimes)

Báo chí Trung Quốc đưa tin “Mỹ đã quay trở lại Đông Nam Á”

Bình luận về bài viết này

Báo chí Trung Quốc đưa tin “Mỹ đã quay trở lại Đông Nam Á”

Nhân sự kiện tàu sân bay của hạm đội 7 của Hoa Kỳ thăm Việt Nam nhân kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ hai nước, hang loạt báo chí Trung Quốc đã có bài viết đánh giá đối với sự kiện quan trọng này.

Theo đánh giá, qua sự kiện này có thể thấy rằng quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ngày càng ấm dần lên. Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với Việt Nam đồng thời nó cũng chứng tỏ rõ ràng hơn khi Mỹ quyết định “quay trở lại” Đông Nam Á, đồng thời sẽ không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong thời gian tiếp theo.

Có thể nói, sự kiện tàu sân bay Mỹ ghé thăm Đà Năng là một “hiệu ứng” liên tiếp sau khi ngoại trưởng nước này tuyên bố Mỹ sẽ trở lại khu vực này và không cho phép nước nào dùng vũ lực đối với vấn đề Biển Đông. Bởi Mỹ cũng như các nước khác có lợi ích quốc gia trên tuyến đường thủy thông thương quốc tế quan trọng này.

Điều này hiển nhiên sẽ gây cho “ông anh” Trung Quốc những lo âu nhất định, bởi sự trở lại của Mỹ trong khu vực vốn được coi là “đất làm ăn” của Trung Quốc thì vô hình chung sẽ hạn chế sự bành chướng của Trung Quốc tại đây. Đây thực sự là một trở ngại lớn đối với “tham vọng” độc chiếm biển Đông của Trung Quốc, đồng thời sự xuất hiện của lực lượng hải quân hùng hậu của Mỹ sẽ là một “hòn đá cản đường” rất lớn đối với tham vọng “vươn ra biển khơi” của hải quân Trung Quốc.

RenHuaiFeng-thuộc viện nghiên cứu biển Đông Trung Quốc đánh giá, kể từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, sự ổn định và hòa bình của khu vực biển Đông đã có nhiều thay đổi và biến động. Xuất phát từ yêu cầu hòa bình ổn định của khu vực này, nhiều nước đã mở rộng quan hệ kinh tế, chính trị và quân sự. Trong đó đặc biệt là việc buôn bán vũ khí, diễn tập quân sự, hợp tác an ninh phi truyền thống ngày càng được tăng cường. Bên cạnh đó, có “một số quốc gia” (ám chỉ Mỹ) lấy lý do bảo đảm tự do thương mại trên biển đã “xâm nhập” khu vực này, đồng thời gây ra áp lực và tìm cách bao vây Trung Quốc.
Ông RenHuaiFeng đánh giá, điều này có thể sẽ gây mất ổn định khu vực, và sẽ khiến các nhân tố an ninh bất định ngày càng tăng thêm, môi trường an ninh sẽ ngày càng phức tạp, đồng thời thế cục của khu vực sẽ bị thay đổi.

Nguồn:

// Hải Dương

VITINFO

Tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc tăng tốc

Bình luận về bài viết này

Tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc tham gia cuộc thao diễn hải quân quốc tế ngày 24/04/2009 ngoài khơi Thanh Đảo, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc.

 

Tàu ngầm và chiến hạm Trung Quốc tham gia cuộc thao diễn hải quân quốc tế ngày 24/04/2009 ngoài khơi Thanh Đảo, nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc. REUTERS/Guang Niu

Mai Vân

Quyết định của Bắc Kinh đặt Biển Đông vào diện “quyền lợi quốc gia thiết yếu”, thể hiện một tham vọng độc chiếm khu vực được mệnh danh là « Vịnh Ba Tư của Châu Á ». Hành động này trực tiếp xâm phạm lợi ích quốc gia của nhiều nước Đông Nam Á, và thách thức Hoa Kỳ nhưng Trung Quốc vẫn tiến hành vì Biển Đông đã trở thành cần thiết và Bắc Kinh tự cho rằng đã đủ khả năng khống chế. 

Trong bài phân tich ngày 13/07/2010 mang tựa đề ‘’Full steam ahead for China’s territorial ambitions’’, Peter Hartcher, biên tập viên quốc tế của nhật báo Úc Sydney Morning Herald phân tích các yếu tố thúc đẩy tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Quyết định về Biển Đông là yếu tố mới nhất trong một loạt những hành động gần đây nhằm thực hiện chủ thuyết mới về Hải quân của Bắc Kinh. Điều được tác giả nêu bật là thái độ của Trung Quốc coi thường phản ứng quá yếu ớt của các nước Đông Nam Á, và trong tình hình quyền lợi của Mỹ cũng bị đụng chạm, Hoa Kỳ sẽ phải gánh vác trách nhiệm tìm ra giải pháp. RFI xin hân hạnh được chuyển dịch bài viết này để quý vị độc giả tham khảo.

Trong một câu châm ngôn nổi tiếng, cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình kêu gọi đồng hương của mình “che giấu vẻ hào nhoáng để chờ thời”. Đó là cách đây hơn 20 năm. Giờ đây, dường như giới lãnh đạo Trung Quốc đã hoàn tất việc chờ thời.

Với chủ trương định nghĩa lại một cách quyết đoán vị trí của mình trên thế giới, Trung Quốc đã đặt biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) vào diện “quyền lợi quốc gia thiết yếu”, tức là nơi mà không ai khác có thể đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ – tương tự như Đài Loan và Tây Tạng. Trung Quốc đã vạch một đường màu đỏ trên bản đồ châu Á và thách thức bất cứ ai vượt qua.

Điều này đã đẩy Trung Quốc vào thế xung đột trực tiếp với các đòi hỏi của năm nước láng giềng, và thách thức vai trò thống trị của Hải quân Mỹ trên vùng biển. Một phần ba của tất cả hàng hóa chuyển vận bằng đường thủy đều đi qua vùng biển mà giờ đây Trung Quốc tuyên bố độc quyền, giáp Đài Loan ở phía bắc, Việt Nam ở phía tây, Philippines ở phía đông, Malaysia và Brunei ở phía nam.

Vùng này chứa các mỏ dầu khí; một số nhà phân tích Trung Quốc đã gọi nơi này là “vịnh Ba Tư ở châu Á” do tiềm năng dầu hỏa dồi dào và trải rộng của khu vực. Chủ trương của Trung Quốc đặc biệt khiêu khích, vì như vậy họ đã bác bỏ thỏa thuận không ràng buộc năm 2002 với các nước láng giềng Đông Nam Á để giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua thương lượng hòa bình.

Đây là một cuộc khủng hoảng, nhưng là một cuộc khủng hoảng thầm lặng. Lý do chủ yếu là vì các nước bị đụng chạm đang phản ứng một cách dè dặt đầy lo âu trước người láng giềng đang vươn lên của họ. Việt Nam đã minh thị yêu cầu Trung Quốc thực hiện thỏa thuận, nhưng những nước khác đã gần như im hơi lặng tiếng.

Còn Hoa Kỳ thì sao ? Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, Kurt Campbell, đã nói với nhật báo Úc Herald: “Tôi nghĩ rằng Mỹ và Trung Quốc có một cuộc đối thoại phong phú ở cấp nhà nước trên một loạt vấn đề. Trong bối cảnh bao quát đó, luôn luôn có các vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc bất đồng với nhau, và chúng tôi hiểu rằng những khác biệt đó liên quan không chỉ đến vấn đề quyền của Đài Loan hoặc các vấn đề như Tây Tạng, nhưng cũng liên quan đến các vấn đề như biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

Chúng tôi đã tìm cách hợp tác chặt chẽ để thiết lập một cuộc đối thoại, không chỉ với Trung Quốc mà với cả những bạn bè của chúng tôi ở Đông Nam Á, sao cho chúng tôi có thể hoàn toàn hỗ trợ tiến trình năm 2002 giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á nhằm giải quyết mọi vấn đề nổi cộm thông qua ngoại giao.”

Nói cách khác, Mỹ cũng muốn Trung Quốc trở lại nguyên trạng trước đây, đàm phán thay vì đơn phương đòi hỏi. Như thường lệ, Hiệp hội các nước Đông Nam Á lại vô dụng khi phải đối mặt với rắc rối. Vai trò tìm kiếm một giải pháp một lần nữa lại phải do Mỹ gánh vác.

Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), có thêm Trung Quốc, Mỹ, Úc và một loạt các nước khác, họp lại tại Hà Nội ngày 23 tháng bảy. Biển Đông là một chủ đề nóng.

Tại sao Trung Quốc nhòm ngó Biển Đông ? Bởi vì đó là điều cần phải làm, theo như lời một quan chức hàng đầu của hải quân Trung Quốc. Chuẩn Đô đốc Trương Hoa Trần, Phó Tư lệnh Đông Hải Hạm đội, đã nói với nhật báo Singapore The Straits Times: “Với việc mở rộng quyền lợi kinh tế của Trung Quốc, lực lượng hải quân muốn bảo vệ tốt hơn các tuyến giao thông vận tải, và đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải chủ chốt của mình.”

Walter Russell Mead, chuyên gia thuộc Hội đồng Đối ngoại (Council on Foreign Relations) không tán đồng : “Giải thích này rất nghèo nàn nếu xét đến những tham vọng thương mại của Trung Quốc; họ bảo vệ loại thương mại nào? Trung Quốc đang cần đến nguồn năng lượng và nguyên liệu từ khắp nơi trên thế giới.

Trung Quốc đẩy mạnh tham vọng ở Biển Đông vì đã có khả năng làm việc này, theo Tô Quang Vũ, một viên tướng Trung Quốc đã về hưu. Ông nói với nhật báo Hồng Kông South China Morning Post: “Sự vắng mặt lâu dài của Trung Quốc tại vùng biển đặc quyền kinh tế trong các thập kỷ qua là một điều bất thường trong lịch sử, và bây giờ mới bắt đầu trở lại hoạt động bình thường. Sở dĩ chúng tôi lặng yên trong việc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng trong quá khứ , đó là vì hải quân của chúng tôi chưa đủ sức bảo vệ các khu kinh tế của mình, nhưng bây giờ thì hải quân đã có khả năng thực hiện nhiệm vụ.”

Vào lúc này, Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể điềm nhiên thúc đẩy tham vọng lãnh thổ mà vẫn vô sự. Theo Vương Hàn Linh, một chuyên gia về các vấn đề hàng hải tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc : “Trên thực tế, tranh chấp đã nẩy sinh từ khi dầu mỏ và các nguồn tài nguyên đại dương khác được phát hiện dưới quần đảo Điếu Ngư [mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền dưới tên gọi Senkaku] ở vùng biển Hoa Đông , và quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở khu vực biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) trong thập niên 1970.”

Vào thời đó, đã từng có suy nghĩ là các quốc gia Đông Nam Á có thể hình thành một mặt trận chung chống lại Trung Quốc, một khả năng “từng làm Bắc Kinh lo ngại“, theo lời ông Vương, nhưng mối quan ngại này ngày nay đã tan biến sau ba thập kỷ bất động từ phía các nước Đông Nam Á. “Chúng tôi thấy rằng bản thân các nước láng giềng còn tranh chấp lãnh thổ với nhau, và có lợi ích quốc gia để bảo vệ, cho nên khó mà xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc. Ngay cả khi họ thành công trong việc liên kết với nhau, thì họ vẫn không đủ mạnh để đánh bại Trung Quốc “.

Xác định Biển Đông là vùng quyền lợi quốc gia thiết thân là một trong nhiều động thái Bắc Kinh tiến hành trong năm nay để mở rộng phạm vi thống trị của Hải quân Trung Quốc. Đầu tiên hết, họ đã loan báo một chủ thuyết hải quân mới mang tính bành trướng. Cho đến nay, khu vực hoạt động của Hải quân Trung Quốc được giới hạn ở cái gọi là Chuỗi đảo thứ nhất, trải dài từ Nhật Bản đến Philippines. Nhưng bây giờ Bắc Kinh tuyên bố chính sách “phòng ngự viễn dương”, vươn tới Chuỗi đảo thứ hai, một khu vực trải dài và vươn ra mọi hưóng xuống đến tận đảo Guam, Indonesia và Úc.

Kế đến, Trung Quốc đã tung ra những chiến dịch tuần tra hung hãn hơn và những cuộc tập trận hải quân để bổ sung hiệu năng tác chiến cho học thuyết mới. Trong tháng tư 2010 chằng hạn, một hạm đội gồm 10 chiếc tàu đã vượt qua Chuỗi đảo thứ nhất, một cuộc diễn tập có quy mô chưa từng thấy đối với Trung Quốc.

Động thái thứ ba là Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường năng lực cho hải quân, trong đó việc xây dựng một căn cứ tàu ngầm dưới mặt đất trên đảo Hải Nam, và một hàng không mẫu hạm chiến đấu, dự trù triển khai trong vài năm tới.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Robert Willard, cho biết trong tháng tư : “Đặc biệt đáng quan ngại là các yếu tố hiện đại hóa quân sự đó của Trung Quốc lại có dấu hiệu là nhằm thách thức quyền tự do hành động của chúng ta trong khu vực.”

Với nền kinh tế thịnh vượng và năng lực ngày càng gia tăng, Bắc Kinh không còn chờ thời nữa mà đang hành động để khẳng định bản thân.

Nguồn: RFI

“Vũ khí Trung Quốc lan rộng tại Đông Nam Á”

Bình luận về bài viết này

Tờ Asahi dẫn lời các chuyên gia cho hay, các quốc gia Đông Nam Á ngày càng mua nhiều vũ khí Trung Quốc trong khi quốc gia khổng lồ này đang mở rộng tầm ảnh hưởng của họ trong khu vực. Điều này đe dọa đến vai trò an ninh của Mỹ vốn được Nhật Bản ủng hộ.
 
Vũ khí của Trung Quốc tương đối rẻ, ít hạn chế trong sử dụng và triển khai. Với việc mua trang thiết bị quân sự của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á có thể đẩy mạnh khả năng phòng thủ của họ trong khi đối mặt với các vấn đề an ninh ngày càng gia tăng với những nước láng giềng trong khi mở rộng quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.

Ian Storey, quan chức thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, cho biết, thu nhập từ các thỏa thuận vũ khí của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á vẫn còn ở mức nhỏ.

“Tuy nhiên, thông qua các thỏa thuận này, Trung Quốc sẽ cố gắng tăng tầm ảnh hưởng của họ tại Đông Nam Á”, ông khẳng định.

Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro phát biểu với Asahi Shimbun rằng quốc gia của ông sẽ mua tên lửa tầm ngắn, chống tàu C-802 của Trung Quốc.

Theo ông Purnomo Yusgiantoro, Indonesia đã nhận được các đơn chào hàng tương tự từ những quốc gia khác. Nhưng Jakarta đã chọn Trung Quốc bởi vì Indonesia muốn bán các sản phẩm liên quan đến quân sự của họ, trong đó có quân phục và ủng chiến đấu, cho Trung Quốc.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, Indonesia có mối quan hệ thân thiết với Mỹ như một chỗ dựa chống lại chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, Mỹ đã đóng băng việc trợ giúp quân sự cho Indonesia  sau khi quân đội nước này dính líu đến các vụ bạo động tại Đông Timor vào năm 1999.

Khi vũ khí của Jakarta trở nên lỗi thời và “quá đát”, Trung Quốc đã tiếp cận với Indonesia.

Vào cuối tháng 5, ông Purnomo đã gặp các sĩ quan thuộc quân đội Trung Quốc đang ở thăm Indonesia.

Malaysia cũng đang trông cậy vào sự tăng trưởng của Trung Quốc nhằm giúp nền kinh tế của họ.

Kuala Lumpur mua vũ khí của Trung Quốc dựa trên quan điểm rằng việc đẩy mạnh và bình ổn các mối quan hệ với Bắc Kinh sẽ có lợi hơn nhiều so với việc làm gia tăng xung đột.

Gần đây, Malaysia đã mua tên lửa đất-đối-không FN-6 của Trung Quốc và đây là lần đầu tiên họ nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi phát biểu trên một tờ báo địa phương rằng Malaysia nên đánh giá cao công nghệ quốc phòng tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc.

Chiến lược tăng trưởng kinh tế của cả Indonesia và Malaysia bao gồm mở rộng buôn bán với Trung Quốc.

“Điều chúng tôi muốn là tăng cường buôn bán và hợp tác với Trung Quốc”, một nhà ngoại giao Indonesia cho hay.

Trung Quốc cũng đang mở rộng mối quan hệ an ninh với các quốc gia Đông Nam Á kém phát triển hơn. Ví dụ, Campuchia đã nhận được sự trợ giúp của Trung Quốc, cụ thể là tháng 6 vừa qua Trung Quốc đã tặng 257 xe quân sự cho Campuchia. Đông Timor cũng đã mua hai tàu bảo bệ bờ biển từ Trung Quốc trong tháng 6.

Theo nhận định của Asahi, lí do khiến Bắc Kinh háo hức đẩy mạnh quan hệ an ninh tại Đông Nam Á là nhằm kiểm soát trên eo biển Malacca và Biển Đông. Các tàu chở dầu thô trên đường tới Trung Quốc từ Trung Đông qua các khu vực biển này. Malacca và Biển Đông được coi là tuyến giao thông huyết mạch trong việc vận chuyển năng lượng cho Trung Quốc.

“Trung Quốc sẽ thách thức vai trò thống trị của Mỹ và Nhật Bản trong khu vực. Và đó là điều họ quan ngại”, Andrew Tan, giáo sư cộng tác tại Đại học New South Wales ở Australia, nhận định.

 

//

NM (Theo Asahi)
 

Trung Quốc muốn mở rộng chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông

Bình luận về bài viết này


Đường 9 vạch : phạm vi đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông (DR)

Nhật báo Le Figaro hôm nay dành hai bài bình luận về tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, chủ đề thời sự đang thu hút quan tâm của khu vực và thế giới.

Bài thứ nhất có tựa đề : « Bắc Kinh muốn mở rộng chủ quyền biển xuống phía Nam ». Le Figaro cho biết, Biển Đông ngày càng trở nên quan trọng trong các ưu tiên chiến lược của Trung Quốc. Cách đây vài tuần, Bắc Kinh chính thức tuyên bố Biển Đông là một trong những “quan tâm sống còn” của Trung Quốc, bên cạnh Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc sẽ không bao giờ chấp nhận nhượng bộ về vấn đề này.

Hôm qua, ngoại trưởng Mỹ bà Hillary Clinton khẳng định nguyên tắc tự do thông thương hàng hải trong khu vực là một « quan tâm cấp quốc gia » của Hoa Kỳ. Hồi tháng 5, Trung Quốc đã đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Các nước bên bờ Biển Đông cho rằng lệnh cấm này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang dần dần muốn áp đặt chủ quyền trên vùng biển tranh chấp. Các chuyên gia thì nhận định tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh đã quá rõ ràng : Trung Quốc muốn dần thiết lập quyền pháp lý trên toàn khu vực.

Tờ báo cho hay, gần đây Trung Quốc không ngừng hiện đại hóa hải quân. Tàu tuần tra Trung Quốc được trang bị vũ khí hạng nặng. Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền của « vùng đặc khu kinh tế » trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Philippines, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền một phần trong khu vực.

Vào tháng ba, Trung Quốc đã tiến hành diễn tập quân sự với sự hiện diện của Hạm Đội Bắc Hải. Tờ báo nhận định : sở dĩ Bắc Kinh xem trọng vấn đề Biển Đông như vậy, vì ở đó có nguồn tài nguyên dầu mỏ và tài nguyên hải sản, vì trên đảo Hải Nam, Trung Quốc cho xây dựng một căn cứ mới dành cho tàu ngầm tấn công và tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc.

Tờ báo cũng nhắc lại là đầu năm nay, Trung Quốc thông báo ý định khai thác du lịch ở quần đảo tranh chấp Hoàng Sa. Việc này đã khiến cho phía Việt Nam phản ứng dữ dội. Tờ báo cũng nhắc lại sự kiện năm 1974, Bắc Kinh đã dùng võ lực để chiếm quyền kiểm soát ở quần đảo này. Cuối cùng, Le Figaro tiên lượng : « Đánh bắt hải sản và du lịch sẽ là chủ đề gây tranh chấp sắp tới ở khu vực này ».

Cũng về Biển Đông, bài viết thứ hai của Le Figaro đề tựa : « Mỹ và Trung Quốc đọ sức trên biển ». Chủ nhật ngày 25 tháng 7 tới, Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ có cuộc tập trận chung với qui mô lớn. Cuộc tập trận này có sự tham gia của hàng không mẫu hạm Georges Washington của Mỹ, với khoảng 20 tàu chiến và tàu ngầm và khoảng 100 máy bay.

Tờ báo cho rằng cuộc phô diễn sức mạnh quân sự này trước tiên nhắm vào Bắc Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng đánh chìm tàu Cheonan của Hàn Quốc. Từ Việt Nam, hôm qua ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng : « Bình Nhưỡng phải thay đổi cách xử sự ». Bà cũng kêu gọi các nước Châu Á ủng hộ cho nỗ lực của Hoa Kỳ. Về phần mình, Bắc Kinh cho rằng cuộc tập trận Mỹ-Hàn là nhằm thị uy trước Trung Quốc và Bắc Kinh cảm thấy khó chịu khi Mỹ và Hàn quốc tập trận ngay sát cửa nhà mình. Hôm thứ tư, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh quan ngại sâu sắc về những hành động có thể làm căng thẳng thêm tình hình trong khu vực. Trên tờ Nhân Dân Nhật Báo, đại diện của Học viện Quân sự Trung Quốc phân tích : Hoàng Hải là cửa ngõ vào Trung Quốc, trong khi cuộc tập trận Mỹ Hàn chỉ cách Bắc Kinh chừng 500 cây số. Trung Quốc lập tức đáp trả bằng cuộc thao diễn quân sự trên Biển Đông. Tàu chiến Trung Quốc diễn tập trong khu vực biển giữa Trung Quốc và Hàn quốc.

Với Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang so kè. Mùa xuân vừa rồi, Nhật Bản đã phản ứng quyết liệt việc một hạm đội hải quân Trung Quốc gồm 2 tàu ngầm và 8 chiến hạm đã đi ngang khu vực đảo phía nam của Okinawa và Myako. Hạm đội này sau đó đã diễn tập trong vùng biển phía nam đảo Okinawa. Tờ báo cho biết thật ra vùng biển gần đó có nhiều quặng khí đốt và hiện tại đảo Okinawa là nơi đồn trú của hơn một nửa số 47.000 lính Mỹ ở Nhật Bản.

Tờ báo nhận định, Trung Quốc luôn theo đuổi chiến lược mở rộng lãnh hải về phía Nam cũng như phía Bắc.Trung Quốc cố tình diễn giải theo cách riêng về Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc.
Tờ báo kết luận : Trung Quốc cho rằng các tàu quân sự ngoại quốc không được vào trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc, nhưng lại cố tình quên khái niệm vùng biển quôc tế.

Nguồn: RFI

Bá chủ: Đích tới của hải quân Trung Quốc

2 bình luận

Tác giả bài báo là James Kraska, cựu chuyên gia tư vấn về chính sách và chiến lược của Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ, làm việc tại Trường Chiến tranh hải quân Mỹ và Học viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại. Đây là quan điểm riêng của tác giả, không đại diện cho chính sách hay quan điểm chính thức của một nước nào. Để có cách nhìn nhiều chiều về vấn đề này, chúng tôi xin giới thiệu bài báo:

Hải quân Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện lớn mạnh của họ xung quanh Đông Á. Một chỉ huy hải quân Mỹ từng đưa ra câu hỏi liệu Mỹ có thể làm được những gì trước thực tế này.

Tàu chiến và trực thăng của Hải quân Trung Quốc (Ảnh Getty Images)
Tàu chiến và trực thăng của Hải quân Trung Quốc (Ảnh Getty Images)

 

 

Vào đêm 26/3, Cheonan, một tàu khu trục nhỏ của Hải quân Hàn Quốc thực hiện nhiệm vụ tuần tra Hoàng Hải, đã bị vỡ làm hai mảnh trong một vụ nổ bí ẩn và chìm xuống đáy biển. Chiếc tàu chỉ vừa mới rời đảo Baengnyeong, gần Đường giới hạn phía Bắc – là đường phân cách thỏa thuận giữa hai miền Triều Tiên. Trong số 104 thủy thủ trên tàu, chỉ còn 58 người sống sót. Các thông tin cho rằng, tàu đã vướng vào ngư lôi sức công phá mạnh mang đầu nổ 200kg của Triều Tiên.

Trao đổi và so sánh các đặc điểm từ hai miền Triều Tiên, rồi từ Trung Quốc và Mỹ, cũng như vụ tàu Cheonan gặp thảm họa thực sự là cơn ác mộng trong hình dung của nhà phân tích mà tôi đã viết trên tờ Orbis (Tạp chí hàng đầu về quan hệ đối ngoại của Mỹ) với tiêu đề “Mỹ sẽ thất bại trong cuộc chiến hải quân năm 2015 như thế nào”.

Bài báo đưa ra giả thuyết về một cuộc tấn công bất ngờ của Trung Quốc khi họ sử dụng tên lửa đạn đạo chống hạm mới chống lại hàng không mẫu hạm Mỹ, chiếc USS George Washington. Ở đây có một sự tương đương, một mối quan hệ kỳ lạ giữa giả tưởng năm 2015 đăng trên Orbis với thảm họa tàu Cheonan.

Trong cảnh giả thuyết, Trung Quốc bắn tên lửa đạn đạo tiên tiến DF-21 vào tàu sân bay của Mỹ, sau đó phủ nhận khiến Mỹ rơi vào tình trạng lúng túng khó xử giống như Hàn Quốc hiện tại. Bất cứ một phản ứng phòng thủ nào cũng là nguy cơ dẫn tới cuộc chiến tranh lớn.

Viễn cảnh Trung Quốc thực hiện vụ tấn công bất ngờ, dĩ nhiên là có thể có nhiều tranh cãi. Nhưng dù sao, vấn đề lớn hơn là ở chỗ, Trung Quốc đã đầu tư thế nào trong nhiều thập niên nay qua một chiến dịch đầy kiên nhẫn và gây hấn nhằm dần dần đẩy các quốc gia khác ra khỏi Biển Đông và Biển Đông Trung Hoa (Trung Quốc gọi tắt là Đông Hải).

Hải quân Mỹ là mục tiêu chính, khi chính nó là trở ngại lớn nhất với chiến lược của Bắc Kinh. Kết quả: một chiến dịch phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn đến hoàn hảo của áp lực luật pháp, chính trị và quân sự – đôi khi gây hấn – cuối cùng đã đặt những vùng duyên hải vào sự chi phối của Trung Quốc.

Ví dụ, bắt đầu từ năm 2000, Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tập trận của máy bay và tàu chiến, thậm chí còn bắt đầu sử dụng các tàu hải dương học và tàu giám sát ngư nghiệp để cố gắng cản trở, làm gián đoạn lộ trình thực hiện sức mệnh giám sát, thăm dò của quân đội Mỹ tại Biển Đông Trung Hoa.

Và nó khiến người ta nhớ đến vụ việc năm 2001 khi một máy bay do thám của Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam vì va chạm với một máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Trung Quốc sau đó đã thả 24 phi hành đoàn của Mỹ khi Mỹ lên tiếng xin lỗi.

Năm 2001, máy bay do thám EP-3 của Hải quân Mỹ đã va chạm mạnh với một máy bay chiến đấu của Trung Quốc. Kết quả là chiếc EP-3 hư hỏng nặng phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Năm 2003, một vụ việc tương tự mang tính chất “ngăn chặn” lại xảy ra.

Cách đây không lâu, báo chí Mỹ đã bàn luận nhiều tới một số vụ mà họ cho rằng Trung Quốc “quấy nhiễu” lực lượng không quân, hải quân nước này. Vào 7/3/2009, lực lượng hàng hải Trung Quốc bắt đầu “theo đuổi” tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của Mỹ. Một tàu tình báo, một tàu nghiên cứu hải dương học, một tàu giám sát ngư nghiệp và hai tàu hàng thương mại đã vượt qua mũi tàu Impeccable, và lập tức dừng ở phía trước con tàu.

Tổng thống Mỹ Obama đã điều động USS Chung-Hoon để hỗ trợ vũ trang cho tàu thăm dò. Đáp trả lại, Trung Quốc nhanh chóng triển khai tàu tuần tra giám sát hải dương thuộc loại lớn nhất, hiện đại nhất của mình – Ngư chính 311, tới Biển Đông nhằm xác định “quyền và lợi ích” của Trung Quốc.

Ba trường hợp kể ra trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Mùa hè năm 2001 và trở lại lần nữa năm 2002, các tàu và máy bay Trung Quốc đã khiêu khích và đe dọa USNS Bowditch và USNS Sumner, đang hoạt động ở Đông Hải. Không lâu sau Impeccable, tới lượt USNS Victorious bị quấy nhiễu. Trong từng trường hợp, Trung Quốc đã không tuân thủ bổn phận của mình theo quy định của luật pháp quốc tế là thể hiện sự tôn trọng quyền các tàu, máy bay của các quốc gia khác hoạt động ở Biển Đông và Biển Đông Trung Hoa.

Cùng thời điểm đó, Trung Quốc không ngừng đưa ra tuyên bố “chủ quyền” với gần như toàn bộ Biển Đông.

Đáng chú ý là, khu vực Hoàng Sa và Trường Sa nằm cách xa Trung Quốc, nhưng lại trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Công ước Liên hợp quốc về Luật biển quy định rằng, mỗi quốc gia có vùng lãnh hải 12 hải lý và các đặc khu kinh tế – là các khu vực biển mở rộng 200 hải lý (370km) từ bờ biển của một quốc gia – để cho họ đặc quyền khai thác và sử dụng tài nguyên biển. Đặc khu kinh tế cho phép một nước quyền khai thác dầu khí, cá và các tài nguyên khác cùng quyền kiểm soát nghiên cứu hàng hải.

Tuy vậy, trong tháng 3, tờ New York Times đưa tin rằng, quan chức Trung Quốc đã nói với Thứ trưởng Ngoại giao James B. Steinberg rằng, Trung Quốc sẽ không chấp thuận “sự can thiệp của nước ngoài” vào “lãnh thổ” của họ ở Biển Đông. Đây là lần đầu tiên, Bắc Kinh coi “vùng lưỡi bò” như một lợi ích sống còn của quốc gia.

Steinberg nổi tiếng với cụm từ “chiến lược tái khẳng định” cho rằng, Mỹ nên tái đảm bảo với Trung Quốc là, việc gia tăng ảnh hưởng của họ được hoan nghênh, nhưng đổi lại, Trung Quốc cần tái đảm bảo với các nước láng giềng rằng, sự gia tăng này là hòa bình.

Song, bằng tuyên bố Biển Đông là “lãnh thổ”, Trung Quốc đã vươn tay quá xa khỏi vùng bờ biển của họ…

* (Còn tiếp)

Nguồn:

  • Thái An (Theo diplomat) – VietNamNet

Chiến lược “Sức mạnh mềm” của Trung Quốc tại Đông Nam Á

Bình luận về bài viết này

Ảnh minh họa

– Đông Nam Á được coi là mục tiêu đỏ trong chiến lược hướng Nam của Trung Quốc. Để tạo ảnh hưởng sâu rộng tại đây, Trung Quốc đã kết hợp nhiều chiêu bài sức mạnh khác nhau, trong đó sức mạnh mềm vẫn được xác định là con bài chiến lược phục vụ cho quá trình xâm nhập và dần thẩm thấu khu vực này.


Khi nói về sức mạnh mềm của Trung Quốc tại Đông Nam Á, đa số các nhà nghiên cứu chiến lược đều cho rằng, hiện nay đang là cơ hội ngàn vàng cho người Trung Quốc thực thi chiến lược sức mạnh mềm tại các quốc gia Đông Nam Á, vì giai đoạn này có 02 cái lợi chính.

Thứ nhất:

Mỹ bị chi phối khá lớn cả công và của vào cuộc chiến tại Iraq, Afghanistan, và cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố. Lợi dụng vào lúc này sẽ mang lại thành công lớn cho Trung Quốc thực thi chiến lược mềm của mình.

Thứ hai:

Hiện nay một số quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Lào, Campuchia, Myanma,…. là những quốc gia được xếp trong danh sách nghèo nàn, lạc hậu, tham nhũng đang hoành hành và nhiều nguyên nhân khác có lợi cho quá trình thực hiện sức mạnh mềm của người Trung Quốc.

Vấn đề tác động ảnh hưởng trong sức mạnh mềm chủ yếu được “dã tâm hữu hảo” thực hiện qua chiêu bài “thuyết phục”, khai thác đặc điểm văn hóa dân tộc, nhu cầu kinh tế, và bối cảnh phát triển đồng ý thức hệ mà đánh thẳng vào hệ tư tưởng của nhiều thế hệ con người, tạo cho họ cảm xúc hay cảm giác tin cậy vào Trung Quốc và sẵn sàng trao mình cho họ. Khi đã khống chế được truyền thông đại chúng, Trung Quốc tạo ra cảm giác nghi ngờ, phá tan sự đoàn kết dân tộc, làm nản lòng mọi người, nghi ngờ hệ thống lãnh đạo ở tất cả các cấp, và sau đó tiến tới thiết lập công cụ “Thiên An Môn” sẵn sàng đàn áp. Một khi đã rơi vào trận đồ bát quái của “chiến lược mềm” toàn bộ xã hội sẽ bị khủng bố tin tức. Tin tức bị bóp méo “nghi nghi hoặc hoặc, đúng đúng sai sai, thật thật ảo ảo”. “Thiên Tử” sẽ không ngần ngại xiết sợi dây thòng lọng mà nạn nhân không thể kêu được, bởi thông tin hoặc sẽ không thể đến với thế giới, hoặc sẽ bị chế biến, bóp méo một cách tinh vi khiến cho kẻ bị hại nghi ngờ ngay chính bản thân mình.

Công cụ và biện pháp trong thực hiện nội dung của “thuyết phục” là khá đa dạng. Quy trình này được thực hiện lần lượt đối với từng quốc gia trong khu vực thông qua chiêu bài hỗ trợ phát triển, cho vay tài chính với lãi cực thấp thậm chí không hoàn trả, ký kết các hiệp định thương mại, tuyên truyền văn hóa và lịch sử Trung Quốc, giáo dục tư tưởng, đào tạo ngôn ngữ, ủng hộ và đào tạo giúp nguồn nhân lực…

Trong sự trợ giúp, điều đáng quan ngại là vấn đề đào tạo giúp nguồn nhân lực cho các nước trong khu vực. Vấn đề này được đánh giá là khá quan trọng trong việc tác động trở lại đối với chiến lược sức mạnh mềm của Trung Quốc. Các nguồn nhân lực được đào tạo cả về chuyên môn và tư tưởng Trung Quốc, khi trở về nước chính các nguồn nhân lực này sẽ là lực lượng chính để thao túng và giúp sức cho quá trình thực hiện sức mạnh mềm của Trung Quốc tại mỗi nước sở tại.

Trong vài năm trở lại đây Trung Quốc đã tăng tốc mạnh tiến trình thực hiện chiến lược sức mạnh mềm vào Đông Nam Á trên nhiều lĩnh vực và có phần chi phối mạnh tới việc định hướng tại một số quốc gia trong khu vực. Sức mạnh mềm đã trở thành thanh nam châm hút các quốc gia kém phát triển này đi theo hướng của Trung Quốc, từng bước buộc họ phải thay đổi chính sách để thích nghi với hệ giá trị mà Trung Quốc đã xác lập.

Tại Lào, Trung Quốc không ngừng thúc đẩy chiến lược sức mạnh mềm thông qua việc chuyên chở ngày càng nhiều các gói tiền hỗ trợ, giúp đỡ dưới nhiều hình thức như: Đầu tư cho giáo dục, thể thao, văn hóa, trồng trọt, khai khoáng, đào tạo nhân lực. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại Lào như đường xá, cầu cống, trường học…các khoản tiền của Trung Quốc đã giúp phát triển kinh tế nước này trong khi vẫn tạo ra một cơ sở hạ tầng xuất nhập khẩu, phục vụ cho xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên sang Trung Quốc và nhập khẩu trở lại các hàng hóa từ Vân Nam, Quảng Tây và Tứ Xuyên. Theo Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư Lào – Sinlavong Khoutphaythoun, hiện tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc tại Lào đã lên tới 3,577 tỷ USD, đứng thứ hai sau Thái Lan.

Hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Lào bắt đầu từ năm 1998 – 1999. Trong đó lĩnh vực chủ yếu bao gồm khai thác khoáng sản (112 dự án), công nghiệp (4 dự án), và các dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng…đặc biệt chú ý là dự án phát triển đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở bắc Lào và dự án nhà máy sản xuất giấy ở tỉnh Savannakhet.

Theo như hiệp định thương mại tự do Asean – Trung Quốc, năm 2010, Lào và Trung Quốc đã giảm thuế cho hàng hóa của nhau xuống còn 0 – 5% đối với tất cả mặt hàng, trừ những mặt hàng nhạy cảm và gây ảnh hưởng đến an ninh mỗi nước. Theo đó chính phủ hai nước đề ra chỉ tiêu thương mại song phương đạt 1 tỷ USD năm 2010.

Tại Campuchia, trong vài năm trở lại đây Trung Quốc đã tăng tốc mạnh tiến trình thực hiện chiến lược sức mạnh mềm vào Camphuchia trên nhiều lĩnh vực và có phần chi phối mạnh tới việc định hướng cho quốc gia này. Trung Quốc đang đuổi nhau với Mỹ và một số quốc gia khác để trở thành đối tác thương mại lớn của Campuchia. Trung Quốc đã viện trợ hàng triệu đô la cho Campuchia trong thập kỷ qua, đã đồng ý xoá nợ và trao cho Campuchia tình trạng miễn thuế quan đối với khoảng 400 mặt hàng.

Sức mạnh mềm tại Camphuchia đặc biệt được thông qua việc ký kết nhiều thỏa thuận kinh tế trị giá tới hàng tỉ USD với Campuchia. Đây là một phần trong khuôn khổ của quá trình hợp tác sâu rộng mà Trung Quốc muốn tạo dựng tại Campuchia. Bên cạnh đó, các thỏa thuận song phương bao gồm các khoản viện trợ và cho vay của Trung Quốc đối với Campuchia cũng được tăng dần. Từ năm 1992, Trung Quốc đã viện trợ và cho Campuchia vay 930 triệu USD. Phía Trung Quốc cũng cám ơn Chính phủ Campuchia đã giúp trục xuất 20 người Duy Ngô Nhĩ, vốn bỏ trốn sau cuộc bạo loạn tại Tân Cương hồi tháng 7/2009.

Đặc biệt, ngày 23/6, Trung Quốc đã bàn giao cho Campuchia hơn 250 xe quân sự, điều này đã khiến ông Moeung Samphan, Thứ trưởng quốc phòng Campuchia xúc động và nói: “Trung Quốc đã giúp Campuchia trong một thời gian khá dài. những gì mà Campuchia yêu cầu, thì Trung Quốc luôn luôn cung cấp cho chúng tôi bất cứ khi nào họ có thể,”. Việc viện trợ này thực sự đã tác động mạnh vào sự thành công trong thực hiện chiến lược sức mạnh mềm của Trung Quốc tại đây.

Khi nói về sức mạnh mềm của Trung Quốc tại Đông Nam Á, người ta cũng lại nghĩ tới những nguyên nhân chính đằng sau nỗ lực của Trung Quốc. Trước hết với sức mạnh kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, Trung Quốc đang muốn tạo dựng một vị thế cường quốc bền vững, chứ không phải một vị thế lên nhanh và xuống cũng nhanh. Việc thiết lập quyền lực mềm tạo tính bền vững cho vị thế cường quốc của Trung Quốc ở Đông Nam Á sẽ là nền móng cơ bản quan trọng cho tiến trình vươn rộng ra thế giới trong tương lai. Hai là một số nước khu vực Đông Nam Á, đặc biệt Lào và Campuchia là các nhà cung cấp khoáng sản quan trọng của Trung Quốc. Việc thiết lập quan hệ chặt chẽ với các nước này giúp duy trì nguồn cung cấp tài nguyên cho nền kinh tế Trung Quốc.

Cùng với việc Mỹ thể hiện sức mạnh quân sự trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã và đang thể hiện một hình ảnh trái ngược, một cường quốc ủng hộ hòa bình và thịnh vượng, mong muốn xây dựng một thế giới hài hòa. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng trong thời gian gần đây cũng làm cho nhiều nước nghi ngại trước sức mạnh “cứng” tăng lên của Trung Quốc. Thách thức sắp tới của TQ là tiếp tục thể hiện và thực hiện sức mạnh “mềm” của mình một cách lâu dài và bền vững để chiếm niềm tin trọn vẹn của cộng đồng quốc tế. Để làm giảm đi những quan ngại về việc tăng cường quân sự, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện dưới vỏ bọc của chiến lược mới là thúc đẩy “Hoạt động quân sự phi truyền thống” (Military Operations Other Than War), tức là đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhưng không phục vụ cho chiến tranh, nhưng đây chỉ là vỏ bọc cho hình thức tăng quân sự nhằm làm giảm đi nghi ngại của các nước.


Nguồn:
//

Hoài Thương – Vitinfo

Thấy gì trong chuyến thăm Lào của phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình?

Bình luận về bài viết này

Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
 
Không phải ngẫu nhiên mà Tập Cận Bình, người được coi là kế nhiệm của Hồ Cẩm Đào trong nhiệm kỳ tới lại có chuyến “vi hành” dài ngày tại một loạt các nước Châu Á. Trong đó đặc biệt là Lào. Một quốc gia nhỏ bé chỉ vẻn vẹn khoảng 7 triệu dân song lại là nơi cả Việt Nam và Trung Quốc đang không ngừng “tranh giành” sự ảnh hưởng của mình.
 
Tình hình đầu tư của Trung Quốc tại Lào.

Theo bộ trưởng kế hoạch đầu tư Lào – Sinlavong Khoutphaythoun, hiện tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc tại Lào đã lên tới 3,577 tỷ USD, đứng thứ hai sau Thái Lan.

 
Hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Lào bắt đầu từ năm 1998 – 1999. Trong đó lĩnh vực chủ yếu bao gồm khai thác khoáng sản (112 dự án), công nghiệp (4 dự án), và các dự án đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng…đặc biệt chú ý là dự án phát triển đặc khu kinh tế Tam giác vàng ở bắc Lào và dự án nhà máy sản xuất giấy ở tỉnh Savannakhet.

Theo như hiệp định thương mại tự do Asean – Trung Quốc, năm 2010, Lào và Trung Quốc đã giảm thuế cho hàng hóa của nhau xuống còn 0 – 5% đối với tất cả mặt hàng, trừ những mặt hàng nhạy cảm và gây ảnh hưởng đến an ninh mỗi nước. Theo đó chính phủ hai nước đề ra chỉ tiêu thương mại song phương đạt 1 tỷ USD năm 2010.

Hiện nay các công ty Trung Quốc đổ vào làm ăn tại Lào ngày càng một đông đúc. Trong đó chủ yếu bằng hai hình thức đầu tư tư nhân vào nhà nước. Thống kê mới nhất cho biết, tháng 4 năm nay, hơn 100 doanh nghiệp đại diện cho 91 công ty của Lào và Trung Quốc đã gặp gỡ tại tỉnh Bòkẹo để thảo luận và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở tỉnh này và đặc khu kinh tế Tam giác vàng. Hiện nay, Trung Quốc là chủ đầu tư hơn 40% các công trình đầu tư ở Lào. Song song với đó, chính phủ Lào đã đưa dự án xây dựng mạng lưới đường sắt và đường siêu tốc vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011 – 2015, coi đó là ưu tiên chủ chốt trong phát triển đất nước. Theo đó, Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Lào xây dựng hệ thống đường sắt quốc gia, tạo cơ sở pháp lý để Lào và Trung Quốc xây dựng công ty liên doanh, đầu tư cho dự án. Dự án này tạo điều kiện cho Lào trở thành trung tâm vận chuyển của khu vực. Hệ thống đường sắt chạy từ biên giới Trung Quốc đến Viêng Chăn và Thàkhec, di tiếp đến biên giới Lào  – Việt Nam. Trung Quốc sẽ tài trợ dài hạn cho dự án này kèm hình thức cho vay khoảng 4 tỷ USD.

Trung Quốc còn đầu tư trong lĩnh vực sắt thép tại huyện Xaythani với sản lượng khoảng 500000 tấn/ năm, mở rộng đường bay thẳng từ Lào đến Trung Quốc, phát triển du lịch….

Đặc biệt, mới đây trong chuyến thăm chính thức Lào hai ngày 15 và 16/6, phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm với các nhà lãnh đạo cao cấp quốc gia Vạn Tượng đồng thời tiến hành ký kết 18 văn kiện quan trọng, trong đó có hiệp định hợp tác kinh tế kỹ thuật, hiệp định hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, hiệp định khung về việc chính phủ Trung Quốc cho Lào vay đặc biệt trong một số dự án…

Bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng tại Lào như đường xá, cầu cống, trường học…các khoản tiền của Trung Quốc đã giúp phát triển kinh tế nước này trong khi vẫn tạo ra một cơ sở hạ tầng xuất nhập khẩu, phục vụ cho xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên sang Trung Quốc và nhập khẩu trở lại các hàng hóa từ Vân Nam, Quảng Tây và Tứ Xuyên.

Thông qua kinh tế tăng cường sự ảnh hưởng tại Lào.

Có thể nói, với thực lực kinh tế mạnh mẽ của mình, Trung Quốc đang ra sức củng cố vị thế, tung hoành một cách khá rõ rệt tại quốc gia Triệu Voi này theo cái cách của một “gã nhà giàu”.

Và bằng chứng là, Bắc Kinh muốn cân bằng sự ảnh hưởng của mình thông qua hai chính sách ngoại giao quan trọng đó là tăng cường đầu tư kinh tế và cải thiện mối quan hệ với thế hệ lãnh đạo trẻ của Lào, những người trưởng thành sau chiến tranh.

Trong chuyến đi của mình, ông Tập Cận Bình đã hội kiến và có buổi trao đổi thân mật với những nhà lãnh đao cao nhất của Lào, đó là chủ tịch nước Choummaly Sayasone và phó chủ tịch nước Bun nhăng Vo la chit, thủ tướng Lào Bua xỏn Bút phả văn,

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Choummaly Sayasone và ông Tập Cận Bình thảo luận về sự hợp tác trong công tác xây dựng đảng và đào tạo cán bộ.

Ông Choummaly Sayasone nêu rõ quan hệ giữa hai đảng và hai nhà nước Lào và Trung Quốc tiếp phát triển và mở rộng, quan hệ song phương giữa hai nước đã được nâng tầm lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện từ năm ngoái nhân chuyến thăm của ông đến Bắc Kinh

Chuyên gia Ian Storey, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á – ISEA, tại Singapore nhận định, “mục đích không nói ra của Trung Quốc là tìm cách hất cẳng Việt Nam, còn Hà Nội thì ra sức nhăn cản để duy trì ảnh hưởng của mình”. Ông này cũng phân tích thêm, Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến dự án thủy điện và lập các đồn điền trồng cây cao su tại Lào để cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp xe hơi. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng bỏ khá nhiều tiền để cải tạo, nâng cấp mạng lưới giao thông tại Lào, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng của Trung Quốc sang Thái Lan.

Việc Asean có tham vọng xây dựng mạng lưới giao thông giữa các thành viên, vô hình chung đã phù hợp với những toan tính của Trung Quốc. Bởi đây là điều kiện để hàng hóa Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào thị trường Asean. Chính vì thế mà không phải ngẫu nhiên khi Bắc Kinh tỏ ra “khá tích cực” trong việc đề nghị cho Lào vay vốn để xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt của mình.

Tuy nhiên, một vấn đề mà Trung Quốc đang khá lo ngại đó chính là việc đầu tư và hàng hóa đổ vào Lào tăng cao cũng khiến cho khối lượng người Trung Quốc tới quốc gia này cũng ngày càng lớn hơn điều này dấy lên một quan ngại trong giới chức Lào.

//

Cao Phong ( Tổng Hợp)
Nguồn: Vitinfo

Trung Quốc thử nghiệm thất bại ở Đông Nam Á?

Bình luận về bài viết này

Ngọc Thu dịch từ The Jakarta Post
2010-06-11

Với tất cả những lời nói khoa trương trong dịp kỷ niệm 60 năm quan hệ Trung – Indonesia trong vài tháng qua, nhiều người dường như không để ý đến những phát triển gần đây trên Biển Đông.

AFP PHOTO / TED ALJIBE

Hải quân Trung Quốc đứng trên boong tàu khu trục hạm tên lửa Task Force 525, tại cảng quốc tế ở Manila vào ngày 13 Tháng 4 năm 2010, sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ các tàu quốc tế chống lại hải tặc Somali trong 128 ngày.

Phô trương sức mạnh

Trong hai tuần qua, các chi tiết cho thấy rõ về sự quyết đoán ngày càng tăng của Hải quân Trung Quốc và khả năng phô trương sức mạnh hải quân trong khu vực.

Trong một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một đội tàu nhỏ gồm sáu tàu từ Hạm đội Bắc Hải khởi hành ngày 18 tháng 3 cho “cuộc diễn tập huấn luyện đường dài” ở vùng biển tiếp giáp với Đá Chữ thập trong quần đảo Trường Sa, và theo tin tức, cũng có luyện tập gần eo biển Malacca.

Giữa tháng 4, các phương tiện truyền thông Nhật Bản đưa tin, một lực lượng đặc nhiệm thứ hai với ít nhất 10 tàu chiến từ Hạm đội Đông Hải (gồm các tàu khu trục lớn và tàu khu trục nhỏ) đi qua eo biển Miyako, dừng lại phía Đông của Đài Loan, và tiến hành diễn tập chiến tranh chống tàu ngầm.

Nhóm này dường như chỉ dừng lại khi nhận được tin các ngư dân Việt Nam vây quanh các tàu tuần tra đánh cá Trung Quốc trên Biển Đông – mà họ được gửi tới ứng cứu – rút khỏi khu vực.

Trích dẫn lời của Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải, nói rằng: “Trung Quốc cần phải bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của mình qua việc phô trương sức mạnh hải quân đường dài”.

Các phát triển này báo hiệu khả năng hải quân của Trung Quốc lớn mạnh – và họ có ý định có thể sử dụng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Sau cùng, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong khi lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng xem Trung Quốc là một sức mạnh phòng thủ, Bắc Kinh đã sẵn sàng sử dụng “lực lượng hiệu chuẩn” trong quá khứ, đặc biệt là khi nói đến tranh chấp lãnh thổ.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, Trung Quốc đã giải quyết hầu hết các vấn đề biên giới một cách hòa bình (17 trong số 23 tranh chấp kể từ năm 1949), mà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng cần thiết để tập trung vào phát triển kinh tế và để cho thế giới thấy rằng họ có thể là một nước lãnh đạo thế giới có trách nhiệm.

Hệ thống vũ khí tên lửa P12 do Trung Quốc sản xuất tại một cuộc triển lãm ở Chu Hải hồi năm 2006. AFP PHOTO / Ted ALJIBE.
Hệ thống vũ khí tên lửa P12 do Trung Quốc sản xuất tại một cuộc triển lãm ở Chu Hải hồi năm 2006. AFP PHOTO / Ted ALJIBE.

Mặc dù, với sự phức tạp quanh việc hoạch định chính sách quốc phòng của Trung Quốc hiện nay, họ vẫn giữ nguyên các khó khăn để đánh giá đầy đủ điều kiện gì mà Trung Quốc ngày nay sẽ sử dụng vũ lực để bảo vệ những gì mà họ xem là “chủ quyền không thể tranh cãi của họ”. Các cuộc tập trận quân sự hồi tháng 3 và tháng 4 cũng đã chứng minh khả năng hải quân tổ chức và tiến hành các hoạt động xa, [phối hợp] với nhiều loại vũ khí và có khả năng phối hợp tốt ba hạm đội của họ.

Điều này cho phép hải quân Trung Quốc lần đầu tiên vượt ra khỏi “chuỗi đảo thứ nhất” (một thuật ngữ dùng để mô tả sự hình thành của các quần đảo Aleutian, Kuriles, Nhật Bản, Ryūkyūs, Đài Loan, Philippines, và Borneo), mà sẽ có hậu quả chiến lược rất lớn cho sự cân bằng quyền lực trong khu vực những năm tới.

Chuyên gia khu vực, ông Michael Auslin lập luận rằng, điều này là một phần trong chiến lược mới “phòng thủ ngoài khơi” của Trung Quốc, bắt đầu từ “phòng thủ ven bờ” truyền thống của họ, điều đó có thể dự báo ý định của Trung Quốc đóng “vai trò mở rộng trong khu vực”.

Quyết định của Trung Quốc hồi tháng 12 năm 2008 tham gia hoạt động chống cướp biển quốc tế ở Vịnh Aden, tiếp tục mở rộng Hải quân, và sự cố tàu USS Impeccable năm 2009, dường như để tăng thêm trọng lượng cho lập luận này.

Phụ thuộc kinh tế lẫn nhau

Vì thế, rất khó cho các nước Đông Nam Á hoan nghênh sự quyết đoán của hải quân Trung Quốc ngày càng gia

tăng. Đặc biệt trong khu vực tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc, đã gây ra sự bất bình trong nội bộ của một số nước thành viên.

Cho nên trong khi gia tăng sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau giữa ASEAN và Trung Quốc là một biện pháp tích cực trong việc ngăn cản các mối lo ngại trong khu vực – mà việc “lấy lòng” trong ngoại giao của Bắc Kinh cũng giúp tạo điều kiện – là phép thử cuối cùng trong quan hệ chín chắn giữa Trung Quốc – Đông Nam Á ở Biển Đông.

Việc tranh chấp hàng thập kỷ (liên quan đến Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei, Đài Loan và Trung Quốc) thì rất nghiêm trọng không chỉ đối với chủ quyền, mà còn làm xáo trộn nguồn năng lượng trên biển, và tầm quan trọng về địa chiến lược của các đường vận chuyển, kiểm soát liên lạc các tuyến đường biển giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Với Indonesia, các vùng biển quanh quần đảo Natuna cũng bị đe dọa.

Vì những lợi ích này, sẽ phản tác dụng nếu bất kỳ nước nào đang tranh chấp mà sử dụng hoặc đe dọa sử dụng lực lượng quân sự để giải quyết tranh chấp.

Đồng nhân dân tệ và đồng đô la Mỹ, ảnh minh họa. AFP PHOTO.
Đồng nhân dân tệ và đồng đô la Mỹ, ảnh minh họa. AFP PHOTO.

Tuy nhiên, Tuyên bố Ứng xử của Các bên trên Biển Đông năm 2002 giữa Trung Quốc – ASEAN đã không có sự ràng buộc về mặt pháp lý, và các cơ chế hiện có trong đối thoại tránh “các câu hỏi khó khăn”, sự tin tưởng chiến lược giữa Đông Nam Á và Trung Quốc, đang đặt trên nền tảng không vững chắc. Thứ nhất, việc hiện đại hóa nhanh của hải quân Trung Quốc, sự hung hăng và dường như không thỏa mãn các nguồn năng lượng của họ và lập trường cứng rắn khi nói đến tranh chấp lãnh thổ, làm cho họ khó hơn để trấn an các mối lo ngại trong khu vực, trong thời gian dài.

Kế đến, khoảng cách kinh tế và chính trị trong khu vực Đông Nam Á, và các lợi ích chiến lược khác nhau của các nước thành viên chủ chốt trong việc xử lý Trung Quốc, làm cho ASEAN khó khăn để đưa ra một mặt trận thống nhất trong việc hỗ trợ các nước thành viên của mình để đối phó với những tranh chấp trên Biển Đông.

Tuy nhiên, quan trọng hơn là các nước Đông Nam Á cần phải hiểu nỗi sợ hãi của Trung Quốc rằng thỏa hiệp trên Biển Đông có thể gửi tín hiệu sai lầm đến Đài Loan và Tây Tạng, trong khi Trung Quốc gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng và lệ thuộc rất lớn vào eo biển Malacca, đòi hỏi Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) xem xét các lựa chọn quân sự để bảo vệ chúng.

Mặt khác, Trung Quốc cũng cần phải hiểu lý do vì sao việc sử dụng lực lượng quân sự theo cách của mình có thể không được hiểu một cách hoà bình ở Đông Nam Á.

Và tại sao chỉ “tấn công mê hoặc” về ngoại giao và kinh tế sẽ không đủ để duy trì sự tin tưởng chiến lược lâu dài trong khu vực đang phát triển, nơi mà chủ nghĩa dân tộc và chủ quyền vẫn là một lá bài chủ về chính trị.

Dĩ nhiên, điều này nói thì dễ hơn làm. Tuy nhiên, tránh những câu hỏi khó khăn có nghĩa là hoãn lại những điều không thể tránh được.

Evan A. Laksmana

Tác giả là một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Jakarta, và hiện là thành viên của ASC tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á Thái Bình Dương ở Honolulu.

Ngọc Thu dịch từ: http://www.thejakartapost.com/news/2010/06/07/is-china-failing-se-asia%E2%80%99s-test.html

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/China-failed-experiment-in-South-East-Asia-NgThu-06112010185147.html

Older Entries